Singapore đa dạng hóa nguồn thực phẩm từ côn trùng

Các loại côn trùng như châu chấu và dế đã trở thành nguồn thực phẩm thay thế mang tính bền vững hơn bởi chúng có hàm lượng protein cao và tạo ra lượng khí thải nhà kính thấp hơn khi nuôi.

Theo hãng Nikkei Asia,Singapore mới đây đã thúc đẩy đa dạng hóa nguồn thực phẩm nhằm tăng cường an ninh lương thực ở quốc gia vốn dĩ khan hiếm đất đai.

Một người bán côn trùng ở Bangkok. Một số loài côn trùng theo truyền thống được tiêu thụ làm thực phẩm ở Thái Lan. Ảnh: Getty Images

Một người bán côn trùng ở Bangkok. Một số loài côn trùng theo truyền thống được tiêu thụ làm thực phẩm ở Thái Lan. Ảnh: Getty Images

Để hướng tới mục tiêu đó, Cơ quan Thực phẩm Singapore (SFA) tuần này đã phê duyệt nhập khẩu 16 loài côn trùng như dế, châu chấu, sâu bột và ong mật làm thực phẩm.

"Ngay sau khi có hiệu lực, SFA sẽ cấp phép cho các doanh nghiệp nhập khẩu côn trùng và các sản phẩm côn trùng thuộc các loài được đánh giá là có ít mối quan tâm về mặt pháp lý. Côn trùng có thể ở dạng nguyên liệu hoặc các sản phẩm ăn liền như đồ ăn nhẹ chiên và thanh protein có chứa bột côn trùng", Cơ quan Thực phẩm Singapore (SFA) cho biết.

Để đảm bảo an toàn, hướng dẫn mới cũng yêu cầu thương nhân phải cung cấp giấy chứng nhận rằng côn trùng không được thu hoạch từ tự nhiên và thức ăn của côn trùng không phải là phân, vật liệu hữu cơ phân hủy hoặc vật liệu có nguồn gốc từ động vật hoặc cá bị bệnh. Chúng cũng phải được xử lý bằng nhiệt hoặc quy trình diệt khuẩn đủ để tiêu diệt mọi mầm bệnh.

"Các thương nhân cũng phải lưu ý rằng côn trùng và sản phẩm ăn liền từ côn trùng nhập khẩu phải tuân thủ các tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật liên quan", SFA bổ sung thêm đồng thời đề cập đến các tiêu chuẩn vi sinh đối với thực phẩm ăn liền và một số quy định khác.

Là một quốc gia nhỏ với diện tích đất nông nghiệp hạn chế, Singapore đang tìm cách tăng cường an ninh lương thực. Những lo ngại này đã được quan tâm nhiều hơn trong các năm gần đây trước tác động của căng thẳng địa chính trị và biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng đến quốc đảo sư tử này.

Trong khi đó, nước láng giềng Malaysia - một nhà cung cấp thực phẩm lớn cho Singapore - đã hạn chế xuất khẩu thịt gà vào năm 2022 nhằm giải quyết tình trạng thiếu nguồn cung trong nước và thúc đẩy ổn định giá khi lạm phát lương thực và thức ăn chăn nuôi đang xảy ra trên toàn cầu. Lệnh cấm xuất khẩu sau đó đã được dỡ bỏ vào cuối năm 2022.

"Chúng ta phải chuẩn bị cho những gián đoạn mới trong nguồn cung thực phẩm. Biến đổi khí hậu cũng có thể gây ra sự gián đoạn nguồn cung thực phẩm trong tương lai", Phó Thủ tướng lúc đó là Lawrence Wong, hiện là thủ tướng Singapore, cho biết tại một sự kiện của ngành thực phẩm.

Là một phần trong nỗ lực đa dạng hóa, Singapore đã bắt đầu nhập khẩu gà sống từ các trang trại của Indonesia vào năm 2023.

Singapore đặt mục tiêu sản xuất trong nước khoảng 30% nhu cầu dinh dưỡng đến vào năm 2030, cao hơn gấp 3 lần mức hiện tại. Cơ quan Thực phẩm Singapore (SFA) khẳng định họ sẵn sàng cung cấp "hỗ trợ tài chính cho các dự án nghiên cứu đổi mới về sản xuất thực phẩm đô thị bền vững, thực phẩm trong tương lai cũng như công nghệ đổi mới và khoa học về an toàn thực phẩm".

Chú trọng vào các loại thực phẩm mới

Các loại thực phẩm mới cũng là những lĩnh vực mà Singapore rất chú trọng, trong đó chính phủ hỗ trợ các công ty khởi nghiệp sản xuất thực phẩm sáng tạo. Vào năm 2020, quốc gia này trở thành quốc gia đầu tiên chấp thuận việc bán thịt được nuôi trong phòng thí nghiệm.

Sau các cuộc tham vấn cộng đồng từ năm 2022 để phê duyệt côn trùng làm thực phẩm, Singapore đã thu hút các doanh nghiệp mới đến nước này. Đầu năm nay, một công ty khởi nghiệp Nhật Bản sản xuất các sản phẩm từ tằm đã thành lập công ty con tại quốc đảo sư tử này.

Mặc dù việc ăn côn trùng là điều mới mẻ đối với Singapore nhưng thực chất món ăn này đã phổ biến ở một số quốc gia truyền thống ở châu Á. Các quốc gia như Thái Lan, Hàn Quốc và Nhật Bản đã cấp phép đưa một số loại côn trùng vào danh sách thực phẩm ăn uống trước đó.

Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) đã ghi nhận côn trùng là nguồn protein bền vững hơn so với động vật trang trại truyền thống vì chúng có giá trị dinh dưỡng quan trọng và là sản phẩm bổ sung lành mạnh trong chế độ ăn của con người.

"Côn trùng cung cấp năng lượng, chất béo, protein, chất xơ. Tùy thuộc vào loài côn trùng, chúng có thể là nguồn cung cấp vi chất dinh dưỡng tốt như kẽm, canxi và sắt. Côn trùng cũng có thể cung cấp nguồn protein thay thế cho các loại thịt thông thường", FAO cho biết trong một báo cáo năm 2022.

Liên minh châu Âu hồi năm 2023 cũng đưa vào danh sách thêm hai loài côn trùng được chấp nhận làm thức ăn cho con người. Tại Nhật Bản, một số nhà hàng cũng đã giới thiệu đến thực khách một số món ăn được chế biến từ côn trùng./.

Hồng Nhung

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/singapore-da-dang-hoa-nguon-thuc-pham-tu-con-trung-20240710112214416.htm