Singapore đang làm gì để khống chế các ổ dịch mới?

Khi chỉ còn vài tuần là Singapore chạm đến cột mốc quan trọng trên con đường sống chung với dịch, Covid-19 bùng phát trở lại. Một loạt biện pháp chống dịch lập tức được tung ra.

Cuối tháng 6, Lực lượng Chuyên trách Liên bộ ứng phó Covid-19 của Singapore (MMF) công bố lộ trình để “đảo quốc sư tử” hướng tới viễn cảnh “bình thường mới”.

Theo đó, khi đại đa số người dân đã được vaccine bảo vệ trước Covid-19, Singapore sẽ tập trung vào số người bệnh nặng hoặc cần được hồi sức tích cực, thay vì cố giảm số ca mắc mới xuống còn 0.

Nhưng khoảng một tháng sau khi được công bố, lộ trình hướng tới bình thường mới mà MMF đặt ra gặp phải thách thức khi xuất hiện nhiều ổ dịch liên quan tới một cảng cá và các phòng karaoke.

Số ca mắc mới Covid-19 trong cộng đồng gần đây đã tăng lên mức cao nhất kể từ đợt dịch năm 2020 tại các ký túc xá của lao động nước ngoài. Đến nay, Singapore ghi nhận 1.367 ca mắc Covid-19 có liên quan tới 2 ổ dịch trên, Strait Times đưa tin ngày 5/8.

Trước đợt bùng dịch mới, chính phủ Singapore tuyên bố nước này sẽ trở lại giai đoạn 2 - cảnh giác nâng cao - từ ngày 22/7 đến ngày 18/8, đồng thời siết chặt giới hạn giãn cách.

 Kế hoạch hướng tới "bình thường mới" của Singapore gặp thách thức sau khi nước này xuất hiện 2 ổ dịch mới trong cộng đồng. Ảnh: Reuters.

Kế hoạch hướng tới "bình thường mới" của Singapore gặp thách thức sau khi nước này xuất hiện 2 ổ dịch mới trong cộng đồng. Ảnh: Reuters.

Tiếp tục siết chặt giãn cách

Theo quy định giãn cách mới, quy mô các hoạt động sinh hoạt cộng đồng sẽ giảm từ 5 xuống còn tối đa 2 người. Mỗi hộ gia đình cũng chỉ được đón tối đa 2 khách/ngày.

Bộ Y tế Singapore cho biết mỗi người nên hạn chế các hoạt động sinh hoạt cộng đồng ở mức không quá 2 lần/ngày, dù là đến thăm các gia đình khác hay gặp bạn bè, người thân tại nơi công cộng.

Quy định tối đa 2 người cũng áp dụng đối với việc lưu trú tại khách sạn, trừ trường hợp những người này trong cùng một gia đình.

Người dân phải làm việc tại nhà, trong khi hoạt động tập thể tại nơi làm việc bị cấm. Các lớp phụ đạo và bổ túc vẫn có thể diễn ra với quy mô tối đa 50 học viên, nhưng mỗi nhóm học tập chỉ được tối đa 2 người.

Mọi nhà hàng và khu ẩm thực chỉ được bán mang về hoặc giao hàng tận nơi, kể cả bên trong rạp chiếu phim. Đa số hoạt động thể thao trong nhà (như phòng gym) sẽ phải tạm dừng, trừ lớp tập luyện mà học viên vẫn đeo khẩu trang với quy mô không quá 30 người và mỗi nhóm tối đa 2 người.

 Người dân Singapore tuân thủ quy định giới hạn số người tối đa trong một nhóm để tránh lây lan Covid-19. Ảnh: Bloomberg.

Người dân Singapore tuân thủ quy định giới hạn số người tối đa trong một nhóm để tránh lây lan Covid-19. Ảnh: Bloomberg.

Một ngoại lệ vẫn được phép hoạt động là dịch vụ tư vấn y tế và nha khoa đòi hỏi bệnh nhân phải tháo khẩu trang.

Quy mô các sự kiện tối đa là 100 người nếu người tham gia làm xét nghiệm trước, trong khi con số này trước kia là 250 người. Mỗi nhóm trong sự kiện vẫn chỉ được tối đa 2 người, trừ tiệc cưới.

Khi không có khâu xét nghiệm trước, sự kiện chỉ được có tối đa 50 khách. Nếu là tiệc cưới, xét nghiệm trước là điều bắt buộc với mọi người tham gia. Với tang lễ, giới hạn khách tham gia là 20 người ở mọi thời điểm trong buổi lễ.

Các điểm tham quan (như bảo tàng, thư viện công cộng và du thuyền) sẽ chỉ còn được hoạt động với 25% công suất. Các nhóm du khách chỉ được phép tập trung tối đa 20 người, thay vì 50 người như trước đó.

Trung tâm mua sắm và phòng trưng bày cũng phải giảm giới hạn sức chứa tối đa từ 10m2 tổng diện tích sàn/người xuống còn 16m2/người.

Tăng cường truy vết

Từ trước, Singapore đã dùng ứng dụng TraceTogether và hệ thống SafeEntry Gateway để đảm bảo công tác truy vết trong đại dịch.

TraceTogether là hệ thống kỹ thuật số triển khai nhằm tìm người tiếp xúc gần với ca dương tính Covid-19. SafeEntry Gateway là hệ thống ghi lại thời điểm một người ra vào địa điểm nhất định thông qua quét mã QR trên smartphone.

Hệ thống SafeEntry Gateway thường được chính phủ Singapore lắp đặt tại các địa điểm có lượng người đi lại cao như trung tâm thương mại, bệnh viện... Ngoài ra, tại những nơi mọi người ở gần nhau trong thời gian dài mà không đeo khẩu trang như nhà hàng hay trung tâm thể thao, hệ thống này cũng được triển khai.

 Singapore dùng ứng dụng TraceTogether và hệ thống SafeEntry Gateway để đảm bảo công tác truy vết. Ảnh: Strait Times.

Singapore dùng ứng dụng TraceTogether và hệ thống SafeEntry Gateway để đảm bảo công tác truy vết. Ảnh: Strait Times.

Sau khi xảy ra đợt bùng dịch gần nhất, chính phủ Singapore buộc người dân check-in hệ thống SafeEntry bằng ứng dụng TraceTogether khi đi qua tất cả chợ truyền thống và trung tâm ẩm thực đường phố.

Nguyên nhân là các khu vực trên là nơi thường xuyên tập trung đông người, và cũng là nơi người lớn tuổi hay lui tới, theo Bộ Y tế Singapore.

Cơ quan này cũng cho biết các quy định nói trên là yêu cầu bắt buộc để đẩy nhanh việc truy vết nhằm ngăn chặn nguy cơ lây lan tại khu chợ và trung tâm ẩm thực đường phố.

Tiêm chủng cho người cao tuổi trước khi sống chung với Covid-19

Song song với biện pháp giãn cách để “phòng thủ”, Singapore vẫn tiếp tục “tấn công” bằng cách đẩy mạnh tiêm vaccine cho nhóm người cao tuổi (trên 70 tuổi) vì đây là nhóm dễ bị tổn thương nhất trước Covid-19.

Trong khi đó, tại Singapore, nhóm tuổi này lại có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất, vào khoảng 77%, Bộ trưởng Y tế Singapore Ong Ye Kung ngày 28/7 cho biết. Tỷ lệ tiêm chủng ở các nhóm tuổi khác đã đạt hơn 80%.

Vì thế, chính phủ Singapore đã tổ chức khoảng 10 đơn vị tiêm chủng lưu động tại các địa điểm gần nơi cư trú của người cao tuổi trong khoảng thời gian từ vài ngày đến 1 tuần. Việc này nhằm giúp người cao tuổi có thể dễ dàng chích ngừa Covid-19 hơn.

Sau mũi tiêm thứ nhất, đơn vị tiêm chủng lưu động sẽ quay lại từng địa điểm để tiêm mũi thứ hai, Bộ Y tế Singapore cho biết.

 Công dân từ 60 tuổi trở lên có thể mang theo thẻ căn cước đến bất kỳ trung tâm tiêm chủng hiện hành nào để được tiêm liều đầu tiên mà không cần hẹn trước. Ảnh: Strait Times.

Công dân từ 60 tuổi trở lên có thể mang theo thẻ căn cước đến bất kỳ trung tâm tiêm chủng hiện hành nào để được tiêm liều đầu tiên mà không cần hẹn trước. Ảnh: Strait Times.

Ngoài ra, công dân từ 60 tuổi trở lên có thể mang thẻ căn cước đến bất kỳ trung tâm tiêm chủng hiện hành nào để được tiêm liều đầu mà không cần hẹn trước. Họ cũng có thể đến các phòng khám đa khoa hoặc Trung tâm Y tế Dự phòng Cộng đồng bất kỳ để được tiêm chủng.

Bộ Y tế Singapore cũng đề nghị các đơn vị, tổ chức chăm sóc sức khỏe thuyết phục bệnh nhân cao tuổi chưa đăng ký tiêm đi chích ngừa Covid-19.

Đồng thời, nhân viên và tình nguyện viên sẽ đến nhà thăm hỏi những người cao tuổi chưa tiêm chủng để tư vấn, giải đáp các lo ngại của họ về việc tiêm vaccine.

Các nhân viên này cũng sẽ hướng dẫn về địa điểm tiêm chủng gần nhất, hỗ trợ di chuyển hoặc sắp xếp việc tiêm chủng tại nhà cho các công dân trong nhóm đối tượng đặc biệt, không thể ra khỏi nơi cư trú.

“Đây không phải lúc mạo hiểm hết thảy”

Nhà chức trách cho biết tuy việc tái siết chặt các biện pháp chống dịch có vẻ như là một bước lùi lớn, Singapore vẫn tiến bước trên lộ trình sống chung với Covid-19.

Động thái siết chặt lần này có mục đích nhằm “câu giờ” để đạt được mục tiêu 67% người dân tiêm chủng đủ 2 liều trước ngày quốc khánh 9/8, Bộ trưởng Ong nói trong buổi họp báo ngày 20/7.

 Những người trên 70 tuổi chờ theo dõi sau tiêm tại Singapore vào tháng 1. Ảnh: Reuters.

Những người trên 70 tuổi chờ theo dõi sau tiêm tại Singapore vào tháng 1. Ảnh: Reuters.

Nỗi lo ngại của chính phủ Singapore trước nguy cơ đợt dịch mới làm quá tải hệ thống y tế không phải là phóng đại, các nhà phân tích nhận định, theo South China Morning Post.

Nếu 10% trong số 200.000 người trên 60 tuổi bị mắc Covid-19, Singapore sẽ cần 2.000-3.000 giường chăm sóc tích cực (ICU) để điều trị cho họ. Trong khi đó, đảo quốc mới phân bổ 1.000 giường ICU cho bệnh nhân Covid-19, ông Ong cho biết trong buổi họp báo ngày 20/7.

Theo ông Ong, sau khi đạt được mốc 2/3 người dân tiêm chủng đầy đủ, Singapore sẽ có sự tự tin để mở cửa an toàn, bất chấp ghi nhận 100-200 ca mắc mới mỗi ngày.

“Chúng ta đã rất gần, chỉ còn vài tuần nữa, để đạt đến giai đoạn mà khoảng 2/3 dân số đã được tiêm chủng đầy đủ vào ngày Quốc khánh. Sau đó, (chúng ta sẽ có thể) chuyển đổi dứt khoát hơn sang trạng thái chống chịu Covid-19”, Bộ trưởng Ong nói.

“Vì thế, đây không phải là lúc mạo hiểm hết thảy. Chúng ta phải cắn răng chịu đựng, giảm thiểu hoạt động xã hội, và tận dụng thời gian này để đẩy mạnh nỗ lực tiêm chủng”, ông Ong nhận định.

Quốc Đạt

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/singapore-dang-lam-gi-de-khong-che-cac-o-dich-moi-post1242579.html