Singapore đi tìm câu trả lời cho thế hệ lãnh đạo mới
Ngày 3/5, khoảng 2,75 triệu cử tri Singapore đi bỏ phiếu bầu chọn những nhà lãnh đạo tương lai trong kỳ tổng tuyển cử lần thứ 14 kể từ khi đất nước giành độc lập. Đây không chỉ là một cuộc bỏ phiếu phân chia 97 ghế Quốc hội giữa 33 đơn vị bầu cử, mà còn được nhìn nhận là phép thử quan trọng đầu tiên đối với Thủ tướng Lawrence Wong, người kế nhiệm ông Lý Hiển Long từ năm ngoái, cũng như đối với chính đảng Hành động Nhân dân (PAP) cầm quyền.
Các điểm bỏ phiếu đã mở cửa từ 8h (giờ địa phương) và đóng cử vào lúc 20h cùng ngày, với kết quả dự kiến công bố vào nửa đêm. Trong suốt 9 ngày vận động tranh cử, người dân Singapore được nghe nhiều về chính sách của các đảng qua cương lĩnh, mít tinh, tiếp xúc cử tri. Họ cũng có một ngày “tĩnh tâm” để cân nhắc những gì các nghị sĩ đã làm trong 5 năm qua. Tinh thần cạnh tranh gay gắt lan tỏa, đặc biệt khi nền kinh tế Singapore đối diện nguy cơ bất ổn do cuộc chiến thuế quan toàn cầu dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Thủ tướng Lawrence Wong nhấn mạnh Singapore cần được trao “ủy quyền mạnh mẽ” để duy trì sự cởi mở kinh tế, củng cố vị thế trung tâm thương mại, và tăng cường liên kết với các đối tác cùng chí hướng. “Chúng ta đang sống trong một thế giới thay đổi đầy hỗn loạn. Rất nhiều thứ bị đe dọa trong cuộc bầu cử này”, ông cảnh báo.
Dù PAP được dự báo thắng áp đảo, thách thức mà ông Wong đối mặt không nhỏ. Các vấn đề nhà ở công cộng, chi phí sinh hoạt, chính sách nhập cư và đặc biệt là quyết định tăng thuế GST từ 7% lên 9% đã trở thành tâm điểm tranh cãi. Đảng Công nhân (WP) và Đảng Singapore Tiến bộ (PSP) chỉ trích PAP tận dụng bối cảnh lạm phát để áp đặt gánh nặng lên dân chúng, trong khi PAP cho rằng đây là giải pháp bắt buộc để thu hẹp khoảng cách doanh thu - chi tiêu đến năm 2030, khi chi phí xã hội và y tế gia tăng.
Theo các chuyên gia như Giáo sư Bilveer Singh (Đại học Quốc gia Singapore), việc tổ chức bầu cử sớm là “lựa chọn khôn ngoan” của PAP, khi cửa sổ chính trị dần khép lại và môi trường toàn cầu trở nên khó lường. Bản thân cử tri Singapore cũng không chỉ dừng lại ở các vấn đề “cơm áo gạo tiền” mà còn nhìn xa hơn – đánh giá xem ứng cử viên nào có đủ năng lực để dự báo, định hướng, và lèo lái đất nước vượt qua những thách thức xuyên quốc gia.
Đúng như lời cố Thủ tướng Lý Quang Diệu từng nói trong Bài giảng S. Rajaratnam năm 2009, Singapore không thể coi sự liên quan của mình trong hệ thống quốc tế là điều hiển nhiên, mà phải liên tục tái thiết để giữ vững không gian chính trị và kinh tế. Thành công từ mức GDP bình quân đầu người 500 USD năm 1965 lên hơn 63.000 USD hiện nay là nhờ vào sự hòa nhập với một trật tự toàn cầu ổn định – nhưng nay, trật tự đó đang lung lay.
Cuộc tổng tuyển cử lần này không chỉ là một cuộc kiểm phiếu, mà là một cuộc trắc nghiệm tầm nhìn: Ai sẽ bảo vệ và dẫn dắt Singapore vững bước trong giai đoạn thế giới đầy biến động? Đó là câu hỏi mà 2,75 triệu cử tri Singapore gửi gắm qua lá phiếu hôm nay.