Singapore: Lượng túi nylon ở siêu thị giảm mạnh kể từ khi bị tính phí
Ngày 3/7, Singapore bắt đầu áp dụng khoản phí tối thiểu 5 xu cho mỗi chiếc túi dùng một lần trong siêu thị. Quy định này áp dụng cho khoảng 400 siêu thị, chiếm 2/3 tổng số siêu thị tại đây.
Theo Cơ quan Môi trường Quốc gia Singapore (NEA), những khách hàng khi đi mua sắm trong siêu thị đã sử dụng ít túi nylon hơn kể từ khi nước này bắt đầu tính phí túi nylon vào tháng 7.
Báo cáo sơ bộ từ một số siêu thị cho thấy số lượng túi nylon dùng một lần mà khách hàng sử dụng đã giảm từ 50-80% so với cùng kỳ năm 2022.
Ngày 3/7, Singapore bắt đầu áp dụng khoản phí tối thiểu 5 xu cho mỗi chiếc túi dùng một lần trong siêu thị. Quy định này áp dụng cho khoảng 400 siêu thị, chiếm 2/3 tổng số siêu thị tại đây, bao gồm FairPrice, Cold Storage, Giant, Sheng Siong và Prime.
Trong số này, hai thương hiệu FairPrice và DFI Retail Group cho biết họ nhận thấy số lượng khách hàng tự mang túi của mình đi đang ngày càng gia tăng.
Trước đó, Chan Tee Seng, giám đốc phát triển của FairPrice Group thông báo kế hoạch sử dụng số tiền phí túi nylon vào các mục đích xã hội hoặc môi trường.
Vì mục đích chính của NEA trong việc thực hiện thu phí là thúc đẩy và khuyến khích mọi người có ý thức hơn về việc tiêu thụ đồ dùng một lần, Giáo sư Md Saidul Islam tại Đại học Công nghệ Nanyang coi việc giảm sử dụng túi nylon là một thành công, “vì nó cho thấy mọi người đang bắt đầu thay đổi thói quen của mình.”
Kể từ khi bắt đầu thu phí túi nylon, Marcia Mailoa, một nhà thiết kế đồ họa 38 tuổi, đã hạn chế việc sử dụng túi dùng một lần tại siêu thị. “Nếu tôi quên mang túi của mình theo, tôi sẽ không mua nhiều, và sẽ cầm đồ mua được trên tay.”
Tuy nhiên, cô cũng chỉ ra mâu thuẫn giữa việc đặt trách nhiệm lên khách hàng khi bắt họ phải trả chi phí, nhưng lại cho phép các siêu thị bọc những vật dụng không cần thiết trong túi nylon.
“Tôi nghĩ rằng tôi có ý thức về môi trường ngay cả trước khi bị tính phí, không chỉ trong vấn đề túi nylon mà còn cả với các mặt hàng sử dụng một lần khác. Nhưng việc tính phí túi chắc chắn đã làm giảm số lượng túi nylon mà tôi dùng để đựng rác,” cô nói.
Sử dụng túi dùng một lần ở siêu thị để đựng rác là thói quen của nhiều người dân Singapore. Bà Tan Mui San thường mang một chiếc túi có thể tái sử dụng để đi siêu thị. Nhưng tại đó, bà sẽ lấy những túi nylon miễn phí để đóng gói đồ trước khi cho vào chiếc túi của mình, và sau đó dùng chúng đựng rác tại nhà.
“Dùng túi nylon mua ở siêu thị để đựng rác là thói quen cũ từ hàng chục năm trước, khi chúng tôi được khuyến khích dùng túi nylon để vứt rác vào máng trượt rác,” người phụ nữ 70 tuổi này cho biết, và nói thêm bà cũng đưa cho bạn bè những chiếc túi này để dùng với mục đích tương tự.
Hiện tại, bà Tan cho biết mình sẽ chỉ sử dụng chiếc túi dùng nhiều lần của mình khi đi mua sắm. Giống như bà, một số người tiêu dùng cho biết họ đang tìm các giải pháp khác để thay thế túi đựng rác.
Sharmine Tan nhận thấy một chỉ cần một túi nylon đựng rác thực phẩm mỗi ngày là đã đủ cho 5 người trong gia đình cô, vì số rác còn lại sẽ được phân loại để tái chế.
Người phụ nữ 34 tuổi này cho biết: “Tôi đã thử mua túi nylon trực tuyến. Khoảng 3 USD cho 100 chiếc, tương đương với 3 xu một chiếc. Loại này rẻ hơn một chút so với loại có giá 5 xu ở siêu thị, nhưng mỏng và dễ rách. Và nó còn dễ rách hơn nữa khi được ném vào các máng trượt đổ rác.
Trong một cuộc khảo sát được thực hiện trước khi áp dụng chính sách tính phí túi nylon, 14% trong số những người thường xuyên đi mua sắm tại các cửa hàng cho biết họ sẽ chuyển sang mua hàng trực tuyến nhiều hơn để tránh bị tính phí và để tiện lợi hơn. Tuy nhiên, gần 70% số người được hỏi cho biết họ sẽ sử dụng túi của mình để đi siêu thị, mà lý do chính là bởi không muốn trả khoản phí 5 xu cho một chiếc túi nylon.
Giáo sư Islam cho biết: “Hãy nhớ rằng cần có thời gian để thay đổi hành vi và suy nghĩ, và việc giảm sử dụng túi nylon là một dấu hiệu tích cực cho thấy mọi người đang trở nên có ý thức hơn về môi trường.”
“Để duy trì tác động tích cực của việc tính phí túi, điều quan trọng là thời gian. Việc đánh giá thường xuyên về sự thực thi chính sách và sự thay đổi hành vi của người tiêu dùng là cần thiết để đảm bảo chính sách có hiệu quả”./.