Singapore tiến hành cuộc tổng tuyển cử lần thứ 14

Ngày 3/5, khoảng 2,75 triệu cử tri Singapore sẽ đi bầu các Đại biểu Quốc hội mới trong cuộc tổng tuyển cử lần thứ 14 của quốc đảo này.

Theo CNA, trong cuộc tổng tuyển cử lần này, Singapore có tổng cộng hơn 210 ứng cử viên từ 11 đảng, bao gồm các ứng cử viên độc lập, sẽ tranh 97 ghế trong Quốc hội tại 33 khu vực bầu cử.

Đảng Hành động Nhân dân (PAP) cầm quyền của Thủ tướng đương nhiệm Singapore Lawrence Wong là đảng duy nhất đăng ký tranh cử tất cả 97 ghế, tiếp theo là Đảng Công nhân (WP) tranh cử 26 ghế. Các đảng còn lại đăng ký tranh cử 15 ghế trở xuống, còn các ứng viên độc lập tranh cử 2 ghế.

PAP đã có 5 ghế, sau khi giành chiến thắng áp đảo tại Khu vực bầu cử Đại diện Nhóm Marine Parade-Braddell Heights (GRC) vào ngày 23/4. Đảng này được dự kiến sẽ thắng áp đảo với 90% số ghế, khẳng định khả năng cầm quyền kéo dài.

Cử tri Singapore đi bỏ phiếu, ngày 3/5. Ảnh: Straits Times

Cử tri Singapore đi bỏ phiếu, ngày 3/5. Ảnh: Straits Times

Ảnh: Straits Times

Ảnh: Straits Times

Ước tính sẽ có khoảng 2,75 triệu người đủ điều kiện bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử năm nay, tăng hơn 100.000 cử tri so với con số 2,65 triệu của cuộc bầu cử trước đó. Hoạt động bỏ phiếu diễn ra từ 8h – 20h ngày 3/5 (giờ địa phương), với với 1.240 trạm bỏ phiếu được thiết lập trên toàn quốc, tăng so với con số 1.100 trạm vào năm 2020. Kết quả kiểm phiếu dự kiến sẽ được công bố vào lúc nửa đêm.

Cựu Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long tại điểm bỏ phiếu ở Trường Tiểu học Teck Ghee, ngày 3/5. Ảnh: Straits Times

Cựu Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long tại điểm bỏ phiếu ở Trường Tiểu học Teck Ghee, ngày 3/5. Ảnh: Straits Times

Đây là cuộc tổng tuyển cử thứ 14 của Singapore kể từ khi giành được độc lập và được coi là "phép thử" quan trọng đối với Thủ tướng Lawrence Wong kể từ khi ông nhậm chức vào năm ngoái. Cuộc bỏ phiếu diễn ra trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với bất ổn địa chính trị, lạm phát dai dẳng, nguy cơ chiến tranh thương mại; trong khi người dân trong nước đang ngày càng quan tâm đến vấn đề nổi cộm như nhà ở, chi phí sinh hoạt, việc làm, già hóa dân số...

Đây là cuộc tổng tuyển cử lần thứ 14 của Singapore kể từ khi đảo quốc tuyên bố độc lập vào năm 1965. Ảnh: Straits Times

Đây là cuộc tổng tuyển cử lần thứ 14 của Singapore kể từ khi đảo quốc tuyên bố độc lập vào năm 1965. Ảnh: Straits Times

Trong bài phát biểu hồi tháng 4, Thủ tướng Singapore Lawrence Wong biết tăng trưởng của một nền kinh tế phụ thuộc sâu sắc vào thương mại như Singapore chắc chắn sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề từ chính sách thuế quan mới từ Nhà Trắng. Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore (MTI) đã điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng GDP năm 2025 xuống còn từ 0% đến 2%.

Trên thực tế, mức thuế đối ứng mà Singapore phải chịu ở mức 10%, thấp hơn so với những quốc gia thành viên ASEAN khác. Campuchia bị áp thuế đối ứng lên đến 49%, tiếp theo là Lào (48%), Việt Nam (46%) và Myanmar (44%). Trong khi đó, Thái Lan bị áp thuế 36%, Indonesia 32%, Brunei và Malaysia đều ở mức 24%, Philippines 17%. Tuy nhiên, Chính phủ Singapore vẫn phản đối mạnh mẽ mức thuế đối ứng 10% đến từ Nhà Trắng.

Thủ tướng Lawrence Wong cũng bày tỏ quan ngại về khả năng các doanh nghiệp sẽ rút khỏi Singapore để chuyển sang Mỹ nhằm tránh bị đánh thuế, điều này có thể gây ra tình trạng mất việc làm và sa thải hàng loạt trong nước.

Đỗ Thảo

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/singapore-tien-hanh-cuoc-tong-tuyen-cu-lan-thu-14-41080.html