Sinh động cuộc sống, chiến đấu của người chiến sĩ Công an
Liên hoan nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc về 'Hình tượng người chiến sĩ CAND' lần thứ IV năm 2020 do Bộ Công an phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức. Đây là hoạt động thiết thực chào mừng kỷ niệm 75 năm Ngày Truyền thống lực lượng CAND (19/8/1945 -19/8/2020), 15 năm Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (19/8/2005 – 19/8/2020).
Diễn ra từ ngày 16/7 đến 2/8 với 33 vở diễn của 27 đoàn, đơn vị nghệ thuật sân khấu trên cả nước, Liên hoan mang đến cho khán giả những “lát cắt” đa chiều, sinh động về cuộc sống, chiến đấu của người chiến sĩ CAND.
33 vở diễn là những “trái ngọt” sau nhiều nỗ lực của các nghệ sĩ với sự hỗ trợ nhiệt tình từ cơ quan quản lý lẫn cán bộ chiến sĩ Công an. Đó là chia sẻ chung của nhiều nghệ sĩ mà chúng tôi có dịp trao đổi trong 5 ngày đầu diễn ra liên hoan. NSƯT Thùy Linh, Phó Giám đốc Nhà hát nghệ thuật truyền thống Nam Định hồ hởi cho biết, đây là lần thứ 4 chị và các đồng nghiệp của Đoàn Kịch nói Nam Định (nay thuộc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Nam Định) tham gia Liên hoan.
Lần nào, các nghệ sĩ trong đoàn nói chung đều vui mừng và xúc động vì sự đón nhận của khán giả, của Ban tổ chức. Riêng với chị, Liên hoan lần này còn đặc biệt hơn. Nếu các kỳ tổ chức trước, chị tham gia diễn rất nhiều dạng vai, nhưng chưa bao giờ nhận vai cán bộ, chiến sĩ Công an. Đây là lần đầu tiên chị được vào vai một nữ Cảnh sát (vai Hương trong vở Kịch nói “Hải Âu trắng”).
Đây là niềm vui nhưng cũng là áp lực rất lớn. Bởi lẽ, chị chưa thực sự am hiểu nhiều về người Công an. May mắn là khi đoàn dựng vở diễn đã nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định, các đồng chí Công an tại địa phương. Các nghệ sĩ có cơ hội đi thực tế, tìm hiểu về đời sống của cán bộ chiến sĩ Công an, có chút ít “trải nghiệm” trước khi lên sàn diễn. Công an tỉnh Nam Định rất chu đáo trong hỗ trợ tinh thần và con người.
Ngoài hỗ trợ quần áo, quân hàm, giầy dép…, các đồng chí còn hướng dẫn nghệ sĩ đi đứng, ăn mặc cho chuẩn chỉ hơn khi diễn xuất. Đêm diễn báo cáo đầu tiên, các đồng chí trong Công an tỉnh ngồi xem rất kỹ. Kết thúc buổi diễn, các đồng chí còn ngồi lại, góp ý từng chi tiết, cử 1 đồng chí cán bộ hướng dẫn, rút kinh nghiệm cho toàn bộ diễn viên.
Sau khi được góp ý, điều chỉnh lại, từ đi đứng đến tác phong khác trên sân khấu của nghệ sĩ đã tương đối chuẩn hơn. Khi nhìn lại hình ảnh mình đóng vai Công an trước đây, cầm súng cứ như… mổ cò, các nghệ sĩ cũng ôm nhau cười. Không khí tập luyện, dàn dựng cũng vì thế mà thoải mái hơn, diễn viên đã tiến bộ hơn rất nhiều. Tất cả đến với Liên hoan lần này với tâm thế thoải mái, thân thiết như được trở về chính nhà của mình.
Nghệ sĩ Thùy Dung, diễn viên Nhà hát Cải lương Việt Nam cũng cho hay, trước đây Thùy Dung hay vào các vai công chúa, lãng mạn, dịu dàng. Nhưng với vở Cải lương “Bão ngầm” – 1 trong 33 tác phẩm dự Liên hoan, vai diễn của Dung hoàn toàn khác.
Thùy Dung vào vai Thủy, một nữ trinh sát trẻ trung nhưng rắn rỏi, thuộc tổ công tác đặc biệt được giao nhiệm vụ theo dõi, điều tra một đường dây buôn bán ma túy cộm cán. Thủy được giao nhiệm vụ tiếp cận với một bác sĩ trẻ nhưng là người em trai của tên tội phạm ma túy khét tiếng và được hắn vô cùng yêu quý, cưng chiều.
Ban đầu, nhận nhiệm vụ, Thủy với niềm tin mãnh liệt, một lòng hoàn thành tốt công việc tổ chức giao cho. Thế nhưng quá trình phá án, Thủy đã đem lòng yêu chàng bác sĩ. Với Thùy Dung, đây là một vai diễn khó nhưng hấp dẫn. Thủy phải đấu tranh nội tâm rất dữ dội giữa lý trí và trái tim. Giữa hoàn thành nhiệm vụ và tình yêu. Để thể hiện được hình tượng nữ trinh sát nằm vùng, Dung có những lớp diễn phải dùng đến võ thuật. Bản thân Thùy Dung chưa hiểu gì về chuyên ngành này trước đó nên thấy vô cùng khó. Nhưng sau khi tìm hiểu kỹ càng, Dung lại vô cùng thích. Đời sống nội tâm của nhân vật nữ trinh sát Thủy rất phức tạp, có nhiều mâu thuẫn, giằng xé lớn.
Song song với đấu tranh với tội phạm, Thủy còn phải đấu tranh giữa lý trí và con tim. Đây là cuộc đấu tranh không kém phần khốc liệt. Là thiếu nữ, cô cũng xao xuyến trước hình ảnh một anh chàng bác sĩ đẹp trai. Nhưng, là chiến sĩ Công an, Thủy vẫn phải rất lý trí vì mình đang làm nhiệm vụ. Vở diễn có rất nhiều lớp diễn hay, là đất diễn tốt cho người nghệ sĩ thể hiện tài năng của mình, tìm hiểu, nghiên cứu, trải nghiệm.
May mắn là các cảnh mang tính nghiệp vụ Công an, nhất là những cảnh chiến đấu, cần những động tác võ thuật, Thùy Dung và các đồng nghiệp được Trung tá Đào Trung Hiếu, tác giả tiểu thuyết “Bão ngầm” – tác phẩm được chuyển thể thành kịch bản của vở diễn hỗ trợ rất nhiều. Trong quá trình đào tạo tại trường trước đó, các diễn viên khi học đều trải qua chương trình học giải phóng hình thể nên nắm bắt cũng nhanh hơn. Sau nhiều nỗ lực, Thùy Dung và các đồng nghiệp của Nhà hát Cải lương đã sẵn sàng cho đêm thi diễn tại Liên hoan.
Trao đổi về Liên hoan nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc về “Hình tượng người chiến sĩ CAND” lần IV năm 2020, NSND Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Phó Trưởng ban tổ chức Liên hoan cũng nhận định: Liên hoan năm nay không chỉ tăng về quy mô, số lượng tác phẩm tham dự mà còn có sự đa dạng về thể loại, trong đó có Chèo, Cải lương, Dân ca kịch, Kịch nói...
Liên hoan thu hút khá đông các đơn vị sân khấu công lập, ngoài công lập. Các vở diễn được đầu tư dàn dựng công phu. Ban tổ chức cũng đặt tiêu chí nghệ thuật lên hàng đầu, nỗ lực cố gắng để mang lại sự công bằng, khách quan nhất cho một cuộc liên hoan mang tính chuyên nghiệp cao.