Sinh hoạt Đảng ở đâu được nhỉ?

Đất nước ta đang trong giai đoạn phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng. Cơ cấu nền kinh tế đang chuyển dịch mạnh mẽ từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ.

Ở hầu hết địa phương trong cả nước, hàng loạt nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp được thành lập; hàng loạt cụm công nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất được quy hoạch và đưa vào vận hành. Điều này cũng đồng nghĩa, diện tích đất nông nghiệp giảm dần, kéo theo đó là tỷ lệ lao động trong nông nghiệp dần chuyển dịch sang khu vực công nghiệp, dịch vụ.

Trong xu hướng chung ấy, phần đông lực lượng lao động ở nông thôn “ly nông”, thậm chí “ly hương” để trở thành một mắt xích trong tiến trình công nghiệp hóa. Lẽ dĩ nhiên, trong số ấy có một bộ phận không nhỏ người lao động là đảng viên trong các khu dân cư. Không còn đất sản xuất nông nghiệp, hơn nữa, làm công nhân mang lại thu nhập cao hơn so với làm nông nghiệp nên họ đành tạm gác lại nhiệm vụ của người đảng viên, tạm dừng tham gia các phong trào của địa phương để lo toan cho kinh tế gia đình.

Ảnh minh họa: Vietnam+

Ảnh minh họa: Vietnam+

Tham gia vào môi trường làm việc chuyên nghiệp cũng đồng nghĩa với sự gò bó trong khuôn khổ về thời gian, kỷ luật nghề nghiệp, rồi tăng ca, tăng giờ làm. Nhiều công nhân, người lao động là đảng viên, tuy nhiên trong công ty, doanh nghiệp không có tổ chức đảng để tham gia sinh hoạt Đảng. Ngược lại, họ cũng không thể sắp xếp được thời gian để tham gia sinh hoạt định kỳ ở chi bộ khu dân cư vì thường xuyên phải tăng ca. Có người tâm sự rằng, lâu dần, họ cũng quên mất mình vẫn đang là đảng viên... Đó là chưa kể, không ít đảng viên đi làm ăn xa nhưng không biết chuyển sinh hoạt Đảng về đâu vì không thể tham gia thường xuyên tại khu dân cư, còn nơi làm việc thì chưa có tổ chức đảng. Cực chẳng đã, họ đành phải xin ra khỏi Đảng để không làm ảnh hưởng đến tổ chức.

Đáng nói hơn, thực trạng hiện nay có một số người lao động là đảng viên nhưng trong hồ sơ xin việc lại không kê khai mình là đảng viên. Họ lập luận rằng, kê khai cũng chẳng giải quyết được gì, lương, thưởng không được tăng thêm mà có khi còn không được nhận vào làm việc... Chỉ đến khi tổ chức công đoàn, cấp ủy đảng trong khu công nghiệp, khu chế xuất tuyên truyền, vận động chủ doanh nghiệp tạo điều kiện cho thành lập tổ chức đảng, qua rà soát mới phát hiện trong doanh nghiệp này, công ty kia, số công nhân, người lao động là đảng viên đủ để thành lập chi bộ...

Rõ ràng, quá trình công nghiệp hóa mang lại sự phát triển mạnh mẽ cho các địa phương, vùng, miền, nhưng đồng thời cũng đặt ra những vấn đề hết sức cấp bách trong công tác quản lý đảng viên.

LÊ VĂN LỢI

(tổ dân phố Đông Hải, Duy Hải, Duy Tiên, Hà Nam)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/sinh-hoat-dang-o-dau-duoc-nhi-734408