Sinh khí mới cho miền quê văn chương của Nam Cao

Cùng với sự nghiệp văn chương tuyệt vời, nhà văn Nam Cao để lại dấu ấn trên chính mảnh đất quê hương ông - xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam (hiện là xã Nam Lý, tỉnh Ninh Bình).

Khu lưu niệm nhà văn - liệt sĩ Nam Cao tại xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, nay là xã Nam Lý, tỉnh Ninh Bình. (Nguồn: hanamtv)

Khu lưu niệm nhà văn - liệt sĩ Nam Cao tại xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, nay là xã Nam Lý, tỉnh Ninh Bình. (Nguồn: hanamtv)

Đó là vùng đất không chỉ sản sinh ra tài năng lớn, mà còn ẩn chứa những giá trị văn hóa độc đáo, kết tinh từ bao đời cần cù, nhẫn nại, sáng tạo của người dân vùng chiêm trũng Bắc Bộ.

Trong xu thế phát triển bền vững gắn với bảo tồn văn hóa, việc nghiên cứu, khai thác và phát huy giá trị di sản văn hóa tại quê hương nhà văn Nam Cao ngày càng trở nên cấp thiết. Những giá trị nhân văn trong sáng tác của ông có thể trở thành nguồn lực tinh thần thúc đẩy phát triển địa phương.

Từ không gian làng quê và hình tượng văn học trong các tác phẩm, địa phương có thể xây dựng mô hình du lịch trải nghiệm như “Theo dấu chân Chí Phèo”, cho phép du khách nhập vai nhân vật, thưởng thức ẩm thực, tái hiện đời sống nông thôn xưa qua lăng kính văn học.

Bên cạnh đó, các chương trình giáo dục ngoại khóa như thi kể chuyện, đọc diễn cảm, diễn kịch theo tác phẩm Nam Cao được tổ chức ngay tại làng cổ sẽ tạo cầu nối sáng tạo giữa thế hệ trẻ và di sản văn hóa truyền thống.

Việc phục dựng các lễ hội dân gian tại địa phương cũng cần được chú trọng, lồng ghép yếu tố lịch sử, văn học nhằm tăng chiều sâu nội dung và thu hút sự quan tâm của công chúng.

Có thể xây dựng Lễ hội Văn học Nam Cao định kỳ hàng năm kết hợp hội sách, giao lưu văn nghệ, thi cảm nhận văn học, trình diễn dân ca - dân vũ địa phương. Đây sẽ là cơ hội quảng bá giá trị di sản, thu hút du khách và tạo thành thương hiệu văn hóa đặc trưng của Hòa Hậu.

Đặc biệt, cần tổ chức các dự án sưu tầm, ghi âm, quay phim, số hóa các câu chuyện dân gian, phong tục tập quán, ẩm thực truyền thống... qua đó hình thành kho tư liệu văn hóa địa phương phục vụ nghiên cứu, giáo dục và phát triển sản phẩm du lịch số.

Các ứng dụng công nghệ số như bảo tàng ảo, bản đồ di sản, trải nghiệm thực tế ảo (VR/AR) về làng quê Nam Cao có thể được phát triển nhằm tăng tính tương tác và hấp dẫn với du khách trẻ.

Bên cạnh đó, cần chú trọng đào tạo kỹ năng cho người dân địa phương, đặc biệt là đội ngũ hướng dẫn viên tại chỗ, nghệ nhân, người kể chuyện văn học dân gian để họ trở thành chủ thể phát huy di sản; phát triển mô hình du lịch cộng đồng với các sản phẩm đặc thù như: lưu trú tại nhà dân (homestay), trải nghiệm làm nông, học nấu ăn dân gian, tạo cơ hội tăng thu nhập bền vững và giữ chân thanh niên ở lại quê hương.

Xã Hòa Hậu cần được đặt trong chuỗi liên kết du lịch văn hóa - tâm linh vùng Nam đồng bằng sông Hồng, kết nối các điểm đến như chùa Tam Chúc, đền Trần Thương, làng Vũ Đại truyền thống. Song song, đẩy mạnh truyền thông qua mạng xã hội, website, video clip, phim ngắn... để quảng bá hình ảnh Nam Cao và quê hương Hòa Hậu đến với công chúng trong và ngoài nước.

Di sản văn hóa trên quê hương Nam Cao không chỉ là những dấu tích quá khứ, mà còn là nguồn lực sống động cho hiện tại và tương lai. Việc bảo tồn, phát huy và phát triển du lịch gắn với di sản ấy phải được thực hiện một cách bài bản, sáng tạo và bền vững.

Không gian văn hóa Hòa Hậu, nơi sinh ra nhà văn Nam Cao, có tiềm năng trở thành điểm kết nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa văn học và du lịch, giữa bảo tồn bản sắc và phát triển kinh tế - xã hội.

Nhân dịp kỷ niệm 110 năm ngày sinh Nam Cao (29/10/1915-29/10/2025), việc phát huy giá trị di sản văn chương của ông không chỉ góp phần tôn vinh một tượng đài văn học, mà còn khơi dậy một sinh khí mới cho miền quê văn chương bước vào hành trình phát triển bền vững, văn minh, mang bản sắc riêng giữa thời đại toàn cầu hóa.

THS. NGUYỄN THỊ PHƯƠNG LAN

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/sinh-khi-moi-cho-mien-que-van-chuong-cua-nam-cao-319774.html