Sinh viên Đất Tổ trong tiến trình chuyển đổi số

Hòa chung Phong trào 'chuyển đổi số' của thanh niên Đất Tổ, sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh đã phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, xung kích đi đầu tiếp cận cái mới, khao khát được đóng góp, cống hiến và nỗ lực tìm tòi để góp phần phát huy hiệu quả công tác chuyển đổi số tại đơn vị.

Sinh viên Trường Đại học Công nghiệp Việt Trì ứng dụng quét mã QR để tra cứu kết quả học tập và rèn luyện.

Sinh viên Trường Đại học Công nghiệp Việt Trì ứng dụng quét mã QR để tra cứu kết quả học tập và rèn luyện.

Xung kích đi đầu

Để đáp ứng yêu cầu về chuyển đổi số trong học tập, Hội sinh viên Trường Đại học Công nghiệp Việt Trì đã luôn khuyến khích sinh viên phát huy vai trò trong ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) vào hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH). Trong năm học này, sinh viên đã đề xuất một số đề tài có hướng đi mới và hàm lượng ứng dụng công nghệ số tăng lên. Điển hình, sinh viên Trần Quang Tài (lớp TT1Đ19) có đề tài: “Nghiên cứu thực tại ảo xây dựng mô hình chùa Thiên An Tự” hay sinh viên Đỗ Tuấn Anh (lớp TT2Đ20) có đề tài: “Nghiên cứu xây dựng mô hình ảo tham quan online Bảo tàng Hùng Vương”. Đây là hai trong số nhiều đề tài NCKH lấy cảm hứng từ chính quê hương Đất Tổ, trí tuệ sáng tạo có tính ứng dụng cao để phục vụ cho nhân dân tại chính quê hương nơi các sinh viên học tập.

Không chỉ trong phong trào NCKH, công tác đoàn thanh niên - hội sinh viên nhà trường đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để thúc đẩy phong trào sinh viên trong thời đại mới. Ngay từ đầu năm học, trường đã tổ chức tập huấn ứng dụng quét mã QR trong việc tra cứu kết quả học tập và rèn luyện cho tân sinh viên khóa tuyển sinh mới. Công trình thanh niên này giúp ích rất lớn cho hoạt động học tập của tân sinh viên. Đồng chí Nguyễn Văn Thịnh - Chủ tịch Hội Sinh viên Trường Đại học Công nghiệp Việt Trì cho biết: “Hội đã đặt nhiều mã QR tại khu vực đông người qua lại để sinh viên dễ dàng tiếp cận tài liệu, thông tin nhanh chóng, dễ dàng hơn. Hiện nay, thay vì phải nhớ những đường link dài dòng, sinh viên chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh là có thể truy cập tài liệu, thông báo học tập, công tác hội một cách thuận tiện”.

Hai năm trở lại đây, thời khóa biểu cùng các tài liệu học tập của sinh viên Trường Cao đẳng Y tế Phú Thọ được cập nhật thường xuyên trên website nhà trường cùng các hội, nhóm trên mạng xã hội nên sinh viên dễ dàng tra cứu. Bên cạnh đó, sinh viên đã chủ động tìm kiếm nguồn học liệu uy tín trên môi trường mạng, phục vụ công tác học tập, thi cử để từ đó nâng cao kết quả học tập của bản thân. Một NCKH của thầy và trò nhà trường trong năm 2023, đã chỉ ra: 71,8% số sinh viên tích cực sử dụng điện thoại thông minh cho mục đích hỗ trợ học tập đạt kết quả học lực khá giỏi.

Trường quay được ứng dụng hiệu quả trong dạy học trực tuyến tại Trường Đại học Hùng Vương.

Trường quay được ứng dụng hiệu quả trong dạy học trực tuyến tại Trường Đại học Hùng Vương.

Hướng đến thực chất

Phong trào chuyển đổi số trong sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh có nhiều thuận lợi. Mặt bằng sinh viên đa phần đều có những trang thiết bị cơ bản như điện thoại thông minh, máy tính xách tay... nên thành thạo và dễ dàng tiếp cận hoạt động ứng dụng chuyển đổi số. Trang thiết bị phục vụ công tác giảng dạy, học tập tại các nhà trường được quan tâm, đầu tư nên cơ bản bước đầu đáp ứng được nhu cầu chuyển đổi số. Đơn cử như hoạt động NCKH đã có trên 1.970 đề tài cấp khoa, 310 đề tài cấp trường và 20 đề tài cấp tỉnh, khu vực được thực hiện, trong đó các đề tài có sự hỗ trợ KHCN chiếm trên 70%. Tuy nhiên, một số khó khăn, thách thức như: Các trường chưa xây dựng, triển khai được chiến lược chuyển đổi số dài hạn nhằm tạo ra giá trị thực chất cho sinh viên. Chuyển đổi số hiện nay mới chỉ dừng lại ở những sáng kiến kỹ thuật ngắn hạn mà chưa hoạch định được chiến lược dài hạn phù hợp với đặc điểm ngành học của sinh viên mỗi nhà trường. Thách thức về chi phí đầu tư và nguồn lực công nghệ là các yếu tố khiến nhiều trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn trong quyết tâm chuyển đổi số.

Tuy nhiên, đây là xu thế tất yếu đòi hỏi mỗi nhà trường đều phải bắt nhịp và thích ứng. Trong thời điểm dịch COVID-19, Trường Đại học Hùng Vương đã đưa trường quay hiện đại vào sử dụng, phục vụ việc dạy học trực tuyến cho sinh viên không thể đến học tập tại trường. Cùng với đó, người học được tiếp cận với các phần mềm ứng dụng công nghệ trong học nhóm giúp sinh viên được trang bị thêm kỹ năng hội nhập toàn cầu. Nhờ vậy, công tác đào tạo được thực hiện đúng kế hoạch, chất lượng giáo dục tiếp tục được duy trì và nâng cao. Phong trào sinh viên đã có nhiều hoạt động cụ thể để thúc đẩy chuyển đổi số hướng đến thực chất, trở thành năng lực, kỹ năng cho sinh viên. Tiêu chí thứ tư trong bộ tiêu chí đánh giá “Sinh viên năm tốt” chính là “Hội nhập tốt”, trong đó đề cao kỹ năng như ngoại ngữ, thực hành xã hội- đây đều là chìa khóa để giúp sinh viên tiếp cận chuyển đổi số hiệu quả hơn.

Đồng chí Nguyễn Văn Kỳ- Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tỉnh Phú Thọ cho biết: “Trong nhiệm kỳ mới, bên cạnh việc bám sát kế hoạch, chương trình của Trung ương hội sinh viên thì hội sinh viên tỉnh đã chỉ đạo các hội sinh viên trực thuộc vận dụng linh hoạt công nghệ số trong chương trình của hội, khuyến khích sinh viên tích cực tham gia hoạt động hỗ trợ nâng cao kỹ năng hội nhập quốc tế như “Cuộc thi Olympic Tiếng Anh học sinh, sinh viên”, tạo điều kiện cho sinh viên tham gia sân chơi nghiên cứu sáng tạo như: “Trí tuệ công nghệ sinh viên” hay “Ý tưởng sáng tạo sinh viên”. Đồng thời, liên kết với các đơn vị trong và ngoài nước cung cấp các giải pháp, mô hình sáng tạo phù hợp với ngành học, nguyện vọng giúp sinh viên”.

Sinh viên Đất Tổ hiện nay đã và đang quan tâm, đầu tư nguồn lực để trang bị hành trang số, hướng tới mục tiêu tự tin đóng góp vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh và đất nước.

Thùy Trang

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/giao-duc/sinh-vien-dat-to-trong-tien-trinh-chuyen-doi-so/205317.htm