Sinh viên F0 đối mặt khó khăn: Thực phẩm, thuốc và cảnh tự cách ly

Mắc Covid-19 trong hoàn cảnh xa nhà, phải ở trọ với nhiều thiếu thốn, không ít sinh viên lâm vào hoàn cảnh khó khăn, rất cần được quan tâm hỗ trợ.

Trần Thị Diệu Linh học bài trong thời gian bị cách ly.

Trần Thị Diệu Linh học bài trong thời gian bị cách ly.

Ăn mì gói thay cơm

Không có phương tiện đi lại, Hồ Thị Mít (người dân tộc Pa Cô, huyện Đakrông, Quảng Trị), sinh viên năm nhất Khoa Địa lý, Trường ĐHSP - ĐH Huế, phải lên sớm để tìm nhà trọ gần trường. 9/3, sau 2 ngày đến Huế, Mít phát hiện bị F0. “Lần đầu ra nhà, có bệnh không thể về, không có người thân bên cạnh, lại bị F0 nên em rất lo lắng”. Mít kể lại và cho biết bản thân gần như một mình tự xoay xở trong thời gian phải cách ly, trong hoàn cảnh sinh hoạt thiếu thốn. Bị sốt 2 ngày, mệt và ho nhiều, có ngày mất ngủ, Mít cho biết mình chỉ có cách xông hơi, uống giảm sốt, bổ sung vitamin C và uống thuốc ho.

“Kinh tế gia đình em phụ thuộc vào việc làm nương rẫy nên khó khăn. Bạn bè cũng cùng hoàn cảnh nên không đến trường sớm vì phải trả tiền nhà. May mua được thùng mì tôm, nên em hầu như ăn mì thay cơm. Có 2 lần em nhờ được hàng xóm mua cơm và đó là 2 bữa cơm hiếm hoi trong thời gian 7 ngày em cách ly. Em cũng được một bạn đồng hương mua giúp xả, gừng, chanh để xông”, Mít chia sẻ.

Trần Thị Diệu Linh, sinh viên Khoa Tài chính Ngân hàng, Trường ĐH Mở Hà Nội mắc Covid-19 vì chủ quan đã tiêm 3 mũi vắc-xin nên vẫn ăn uống, tiếp xúc với bạn bè mà không dùng khẩu trang, không thực hiện 5K. Thời gian tự cách ly tại nhà trọ, Linh gặp rất nhiều khó khăn, từ việc đi lại cho đến kinh tế.

Không có người thân hỗ trợ, bạn cùng phòng cũng không thể ra ngoài vì là F1, Linh và các bạn thiếu đủ thứ, từ thức ăn đến các vật dụng sinh hoạt cá nhân cần thiết; nếu có nhờ mua được, nhiều khi cũng không kịp lúc mình cần. Việc mua thuốc trong giai đoạn dịch bệnh cũng khó vì có những loại thuốc rất đắt. “F0 còn phải uống thêm các loại vitamin, thực phẩm chức năng để tăng đề kháng, ăn uống đa dạng thực phẩm. Trong khi tất cả những thứ đó đa phần với một sinh viên như em đều khó có thể chi trả”, Linh cho hay.

Không chỉ khó khăn vật chất, tâm lý của Linh cũng bị ảnh hưởng trong thời gian bị bệnh. “Em hoang mang khi đọc các bài báo trên mạng về hội chứng hậu Covid-19; không dám làm gì vì chỉ sợ lây bệnh cho người khác. Chỉ ở trong không gian hẹp khiến em cảm thấy mệt mỏi. Việc học tập cũng bị hạn chế một phần bởi có những hôm đường truyền mạng bị yếu, hoặc do quá mệt khiến em không thể tiếp thu bài giảng. Sau đó, được thầy cô, Đoàn Thanh niên động viên, em vững tin hơn nhiều”, Linh tâm sự.

May mắn, trong khi thực phẩm đủ cho 2 ngày thì Trường ĐH Mở Hà Nội tổ chức hỗ trợ cho các sinh viên khó khăn mắc Covid-19. Linh được các bạn trong câu lạc bộ sinh viên tình nguyện trao quà hỗ trợ. “Các bạn nhiệt tình mang thực phẩm đến cho chúng em mà không ngại khó khăn, dịch bệnh. Điều đó để lại cho em ấn tượng sâu sắc”, Linh kể lại.

Thầy giáo môn Quốc phòng An ninh, Trường ĐH Mở Hà Nội chăm sóc cho sinh viên F0 tại ký túc xá.

Thầy giáo môn Quốc phòng An ninh, Trường ĐH Mở Hà Nội chăm sóc cho sinh viên F0 tại ký túc xá.

Bơ vơ khi thành F0

Trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng ghi nhận có 2 sinh viên khi trở thành F0 bị chủ trọ từ chối cho ở lại. Trong số này, một bạn được giảng viên chủ nhiệm hỗ trợ tìm chỗ ở ngay trong ngày; bạn còn lại được tiếp nhận vào cách ly tại ký túc xá của trường.

Theo ông Nguyễn Vinh San, Trưởng phòng Công tác sinh viên, Trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng, số lượng sinh viên của trường mắc Covid-19 tích lũy là gần 1.000 lượt, tuy nhiên với độ phủ vắc-xin gần 100% đủ 2 mũi và hơn 30% đã tiêm mũi 3, trường không ghi nhận trường hợp sinh viên bị nặng; sau 7 ngày cách ly, có thể quay trở lại học tập.

“Những ngày đầu quay trở lại học tập, sinh viên bị nhiễm Covid-19 khá lo lắng. Trường đã trao đổi, động viên và có thông báo kịp thời để giải quyết tình huống phát sinh, giúp sinh viên yên tâm cách ly, chữa bệnh. Sau 1 tuần trở lại học tập, sinh viên của trường đã thích nghi được với tình hình mới. Các bạn khỏi bệnh trở thành người tư vấn tâm lý, hỗ trợ cho F0 mới.

Trường cũng giao nhiệm vụ cho các khoa, giảng viên chủ nhiệm nắm bắt tình hình sinh viên trong lớp, cập nhật báo cáo hàng ngày lên hệ thống để kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ sinh viên. Hiện tại, việc dạy và học của nhà trường gần như diễn ra bình thường, không có hoạt động nào bị gián đoạn do dịch bệnh. Số lượng sinh viên mắc Covid-19 đã giảm rõ rệt so với thời điểm ngay sau Tết” - ông Nguyễn Vinh San thông tin.

Trường ĐH Mở Hà Nội có hơn 2.000 sinh viên nhiễm Covid-19. Ông Đỗ Ngọc Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Truyền thông, cho hay: Qua rà soát hoàn cảnh khó khăn, trường trao gói An sinh bao gồm các nhu yếu phẩm như: Trứng, rau củ, sữa tươi, khẩu trang y tế và một số dược phẩm giúp tăng sức đề kháng cho hơn 300 sinh viên. Với những nhu yếu phẩm này, nhà trường hy vọng sinh viên sẽ có thêm những bữa ăn dinh dưỡng để “chiến đấu” với virus.

Trong hoàn cảnh nhiều sinh viên là F0 đang ở trọ một mình, không thể ra ngoài mua nhu yếu phẩm, Đoàn Thanh niên - Hội Sinh viên trường triển khai chương trình “Giúp bạn đi chợ” và nhiều hoạt động tư vấn, cung cấp thông tin phòng, chống dịch. Qua đó, giúp cho sinh viên không may mắc Covid-19 được động viên tinh thần, góp phần vượt qua giai đoạn khó khăn. “Trong thời gian tới, Trường ĐH Mở Hà Nội tiếp tục rà soát những trường hợp sinh viên thực sự khó khăn để có phương án hỗ trợ phù hợp” - ông Đỗ Ngọc Anh chia sẻ.

Có trường hợp sinh viên khi mắc bệnh đã bị chủ nhà không cho tiếp tục ở trọ, hoặc bạn cùng phòng không muốn tiếp tục ở cùng… Điều này dẫn đến những khó khăn về tâm lý với người bị bệnh như lo lắng, sợ hãi, sang chấn tâm lý, strees kéo dài gây rối loạn về tâm thần. Khi rơi vào hoàn cảnh trên, sinh viên cùng lúc phải chống chọi với nhiều tình huống căng thẳng: Nỗi lo về kinh tế, không có chỗ ở, mọi người xa lánh khiến cá nhân gặp sự quá tải về cảm xúc và thể chất, tinh thần. Từ đó, bệnh có thể trở nên trầm trọng hơn, thậm chí khiến tình hình dịch bệnh lây lan nhanh hơn vì những người mắc bệnh không dám khai báo. - Chuyên gia Trần Thị Loan - giảng viên chính bộ môn Tâm lý giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/hoc-duong/sinh-vien-f0-doi-mat-kho-khan-thuc-pham-thuoc-va-canh-tu-cach-ly-A5yfnds7R.html