Sinh viên Ký túc xá Khu B, ĐHQG TP. HCM lo lắng vì bị kiến ba khoang 'tấn công'

Ký túc xá khu B, ĐHQG TP. HCM thời gian gần đây thường xuyên xuất hiện kiến ba khoang, đặc biệt là vào mùa mưa. Tình trạng này càng gây chú ý hơn khi chúng đã xâm nhập lên cả những tầng cao nhất của Ký túc xá.

Thời gian qua, nhiều sinh viên đang sinh sống tại Ký túc xá khu B (KTX) gặp phải tình trạng kiến ba khoang tấn công trong lúc ngủ, học tập và làm việc.

Cứ vào mùa mưa, tầm tháng Sáu tháng Bảy hằng năm, kiến ba khoang lại xuất hiện. Chúng xâm nhập vào các tòa nhà tại KTX khu B, gây bỏng rát, viêm da cho các bạn sinh viên nếu không may bị cắn hay tiếp xúc với dịch tiết của chúng.

Lương Nhật Hân (trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP. HCM) cho biết, Hân phát hiện bị kiến ba khoang đốt khi thấy vết sưng đỏ và có mủ. “Mình bị đốt ở trán, tay và chân cảm giác đau rát, ngứa ngáy, châm chích nhưng không đụng được. Các triệu chứng ảnh hưởng đến giấc ngủ và các hoạt động hằng ngày của mình. Khiến mình khó khăn trong việc tập trung vào học tập khoảng 2 tuần”.

Nhật Hân bị kiến ba khoang cắn ở trán, tay và chân, vết thương lan khá rộng và có mủ.

Nhật Hân bị kiến ba khoang cắn ở trán, tay và chân, vết thương lan khá rộng và có mủ.

Trên các diễn đàn mạng xã hội cũng liên tục xuất hiện các bài viết kèm hình ảnh của các bạn sinh viên cho biết mình là nạn nhân của kiến ba khoang. Chẳng hạn, trong nhóm Hội những người ở ký túc xá Khu B - KTX ĐHQG TP. HCM, các bạn đăng tải hình ảnh vết thương do kiến ba khoang gây ra và xin cách chữa trị từ những thành viên trong nhóm.

Những nạn nhân sinh viên bị kiến ba khoang đốt chia sẻ lại hình ảnh.

Những nạn nhân sinh viên bị kiến ba khoang đốt chia sẻ lại hình ảnh.

Những tòa nhà B4, B5, E1, E2… (KTX khu B) được coi là những nơi có mật độ kiến ba khoang “lộng hành” nhiều nhất. Đến cả những tầng cao cũng không thoát khỏi sự 'tấn công' của kiến ba khoang.

Đặng Thị Hoài Nhiên (trường ĐH KHXH&NV) cho biết, cô bị kiến ba khoang đốt mà không nghĩ mình là nạn nhân do ở tầng 9 và phòng rất ít xuất hiện kiến ba khoang trước đó. Hoài Nhiên cũng chia sẻ thêm, từ lúc bị đốt thì phòng cô rọi đèn tìm bắt kiến ba khoang và thấy kiến xuất hiện nhiều hơn so với hình dung.

Vết kiến cắn của Hoài Nhiên tuy đã lành nhưng để lại sẹo thâm.

Vết kiến cắn của Hoài Nhiên tuy đã lành nhưng để lại sẹo thâm.

Hoàng Nhật Quỳnh (trường ĐH KHXH&NV, hiện đang ở tầng 11 KTX khu B) cho biết: “Mình không lường trước được vì đây là lần đầu tiên mình bị kiến ba khoang đốt. Lúc bị đốt, mình không hề nghĩ do kiến ba khoang mà chỉ nghĩ là vết xước bình thường, cho đến khi vết thương lên mủ và đau rát thì mới nhận ra”.

Trước tình hình kiến ba khoang tái xuất hiện vào mùa mưa, Ban Quản lý Ký túc xá ĐHQG TP. HCM đã phun thuốc, khử trùng, vệ sinh phòng ốc để hạn chế sự tồn tại của kiến ba khoang. Đồng thời, Ban Quản lý cũng thường xuyên thông tin cảnh báo, yêu cầu sinh viên tích cực phòng ngừa như mắc màn khi ngủ, kiểm tra, giũ sạch quần áo, khăn lau trước khi sử dụng.

Theo khuyến cáo của Bệnh viện Da liễu TP. HCM, nếu đã tiếp xúc (hoặc nghi ngờ tiếp xúc) với kiến ba khoang, thì sinh viên cần thực hiện một số bước sau:

- Không dùng tay trần để bắt, giết kiến ba khoang. Bắt kiến ba khoang ra khỏi da bằng cách thổi hoặc đặt một tờ giấy cho kiến bò lên và lấy ra khỏi người. Khi tiếp xúc với kiến ba khoang, đeo găng tay hoặc dùng giấy mềm lót.

- Nếu lỡ tay đập hoặc chà xát kiến ba khoang trên da thì phải nhanh chóng rửa sạch nơi tiếp xúc bằng nước sạch hoặc nước muối sinh lý. Tránh đưa tay đã tiếp xúc với kiến chạm vào các vùng da khác.

- Khi bắt đầu thấy rát ở một vùng da có thể rửa vùng đó bằng nước muối loãng, xà phòng… chú ý các biểu hiện để khám bác sĩ da liễu khi cần thiết.

Song Ngân

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/sinh-vien-ky-tuc-xa-khu-b-dhqg-tp-hcm-lo-lang-vi-bi-kien-ba-khoang-tan-cong-post1657428.tpo