Sinh viên mắc chứng khó đọc phải dùng ChatGPT
Trong bối cảnh nhiều trường đại học trên thế giới cấm ChatGPT để tránh đạo văn và gian lận, một sinh viên kỹ thuật người Pháp lại sử dụng phần mềm này để khắc phục chứng khó đọc.
Myriem Khal, một sinh viên kỹ thuật máy tính người Pháp, mắc chứng khó đọc, thường xuyên đạt điểm xuất sắc trong các môn kỹ thuật như Toán và Khoa học nhưng từ nhỏ đã phải vật lộn với việc học cách đọc và viết bằng một ngôn ngữ khác, theo Bussiness Insider.
Năm nay, Khal 23 tuổi cho biết việc học của mình đạt đỉnh sau khi sử dụng ChatGPT trong một lớp học dạy bằng tiếng Anh kéo dài 5 tuần về trí tuệ nhân tạo.
Ban đầu, cô khó nắm bắt các khái niệm ngay cả khi dịch chúng sang tiếng mẹ đẻ. Tháng 1 năm nay, Khal phát hiện ra ChatGPT và quyết định "nhờ" chatbot sắp xếp lại học liệu lớp theo cách hợp lý cũng như yêu cầu nó giải thích các thuật ngữ kỹ thuật bằng tiếng Pháp đơn giản. Nhờ vậy, cô luôn hiểu rõ các ghi chú trên lớp của mình.
Khal cũng đã sử dụng công nghệ AI để đơn giản hóa các bài báo tiếng Anh và lên ý tưởng cho bài luận trong lớp tiếng Anh.
Sử dụng phương pháp này để học tập, Khal ấy đã xuất sắc vượt qua kỳ thi cuối kỳ và nâng cao điểm trung bình của mình.
Trường hợp của Khal là một ví dụ về cách các công cụ AI như ChatGPT giúp con người giải quyết những khó khăn hàng ngày. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia y tế quan ngại về tác dụng của công cụ này như một thiết bị hỗ trợ y tế.
Tiến sĩ Pledger Fedora, nhà sáng lập Viện đọc hiểu và học tập cho người mắc chứng khó đọc, chia sẻ với Dystinct, tạp chí chuyên đưa tin về những khó khăn trong học tập, rằng công nghệ hỗ trợ như phần mềm chuyển văn bản thành giọng nói có thể hỗ trợ rất tốt sinh viên mắc chứng khó đọc.
Tuy nhiên, những công cụ này có thể khiến sinh viên dần trở nên phụ thuộc và ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển tư duy phản biện và kỹ năng giải quyết vấn đề của các em.
Mặt khác, chuyên gia về chứng khó đọc Victoria Leslie cũng bày tỏ sự lo ngại về ChatGPT.
"Nó có thể khuyến khích sinh viên 'thuê ngoài' tư duy và ăn cắp ý tưởng khi gặp khó khăn. Điều này có thể cản trở việc học tập", cô nói.
Ngay cả Khal cũng hoài nghi về việc sử dụng ChatGPT sau khi nhận thấy những hạn chế của ứng dụng này. Chatbot đôi khi không hiểu câu hỏi của cô và đưa ra những câu trả lời vô nghĩa. Trường hợp khác, công cụ này mắc lỗi mã hóa và trả lời các câu hỏi liên quan đến AI tốt hơn các chủ đề khác.
Tuy nhiên, Khal vẫn sẽ tiếp tục thử nghiệm ChatGPT trong các nghiên cứu của mình dù biết rằng chatbot này không hoàn toàn đáng tin cậy.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/sinh-vien-mac-chung-kho-doc-phai-dung-chatgpt-post1409387.html