Sinh viên nói không với 'tín dụng đen'

Sáng 23/6, gần 1.000 sinh viên Trường Đại học Tài chính - Marketing (TP Hồ Chí Minh) tham dự hội thảo Phương pháp nhận diện thủ đoạn của đối tượng cho vay nặng lãi, 'tín dụng đen', cá độ bóng đá…

Đông đảo các bạn trẻ đã đồng tình đưa ra sáng kiến "ba không": Không liên hệ, không tìm hiểu, không mắc bẫy "vay nóng". Kêu gọi đội ngũ sinh viên tỉnh táo trước các chiêu trò mời chào "vay không cần thế chấp", "a lô là có tiền". Đặc biệt, cảnh giác với các ứng dụng (app) cho vay tiền trên mạng xã hội.

Sinh viên Trường Đại học Tài chính - Marketing nói không với “tín dụng đen”.

Sinh viên Trường Đại học Tài chính - Marketing nói không với “tín dụng đen”.

Các cán bộ Đoàn trường và Hội sinh viên của trường đã đưa ra hàng loạt thông tin, hình ảnh cảnh báo người dân từ cơ quan báo chí, trước những biến tướng vay tiền lãi suất cao, núp bóng qua vỏ bọc "cho mượn tiền làm ăn" trên tờ rơi được phát tận phòng trọ. Khuyến cáo sinh viên không nhận dán thuê quảng cáo trái phép nơi công cộng. Thường xuyên cùng với lực lượng đoàn viên thanh niên các địa phương, ra quân bóc gỡ tờ quảng cáo "vay tiền" dán ở vách tường, cột điện. Đồng thời, tích cực tham gia tuyên truyền, vận động nhân dân và tầng lớp thanh niên không tìm đến các đối tượng cho vay nặng lãi.

Nam sinh viên Trương Tấn Lợi, Khoa Thương mại trải lòng: "Buổi sinh hoạt đã cung cấp cho chúng tôi nhiều kinh nghiệm rất giá trị, để phòng tránh rơi vào vòng xoáy "tín dụng đen". Khi cần vay vốn phục vụ cho việc học hành, chúng tôi nhờ nhà trường và tổ chức Đoàn, Hội tư vấn, hỗ trợ. Trình bày hoàn cảnh, nguyện vọng để được hướng dẫn đến các địa chỉ tin cậy, như ngân hàng chính sách xã hội và các tổ chức tín dụng hợp pháp".

Buổi tuyên truyền được tổ chức trùng với thời điểm diễn ra vòng chung kết Giải vô địch bóng đá châu Âu (EURO) 2024. Như lời chia sẻ của anh Cao Tuấn Kiệt - Ủy viên Ban thường vụ Đoàn trường, Chủ tịch Hội Sinh viên Trường Đại học Tài chính - Marketing: "Chúng tôi chú trọng lưu ý các bạn trẻ xem bóng đá lành mạnh. Không tham gia cá cược với bất kỳ hình thức nào, tránh trường hợp cần tiền gấp phải đi vay nặng lãi".

Trong khi đó, khu phòng trọ tại hẻm 1275 Nguyễn Duy Trinh, khu phố 6, phường Long Trường, TP Thủ Đức trở nên nhộn nhịp hơn trong ngày Chủ nhật. Gần 200 người dân tạm trú ở đây, được nghe hướng dẫn cách thức nhận diện thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản, của những đối tượng lợi dụng công nghệ cao. Các cán bộ tuyên truyền cũng trang bị những biện pháp quan trọng, giúp mỗi người biết tự bảo vệ mình trước các chiêu thức tinh vi của kẻ xấu trên không gian mạng.

Nữ công nhân Lê Cẩm Vân (SN 1988, quê Trà Vinh) xúc động: "Thật đáng trân trọng khi vào ngày nghỉ nhưng các cán bộ vẫn đến tận nơi ở, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và giúp người dân đề cao tinh thần cảnh giác. Tấm lòng và tình cảm của chính quyền địa phương, là một trong những nguyên nhân khiến chúng tôi gắn bó với mảnh đất này hàng chục năm, xem đây như quê hương thứ hai của mình".

Còn bà Mai Thị Nhung - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Long Trường khẳng định: "Địa bàn phường có rất nhiều nhà trọ, nhưng chúng tôi đặt mục tiêu sẽ lần lượt thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật cho tất cả người dân, đảm bảo "phủ sóng" rộng rãi không sót một ai".

Thanh Bình - Phú Lữ

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/doi-song/sinh-vien-noi-khong-voi-tin-dung-den-i735259/