Sinh viên sáng chế than hoạt tính bảo quản dưa lưới tươi lâu
Than hoạt tính giúp quá trình bảo quản dưa lưới được kéo dài hơn 3 - 5 ngày, ngoài ra còn duy trì được chất lượng trái sau thu hoạch.
Chưa có công nghệ bảo quản
Nguyễn Hoàng Phúc, sinh viên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM giành giải Nhất cuộc thi Công nghệ chế biến sau thu hoạch năm 2024 với sản phẩm than hoạt tính bảo quản dưa lưới.
Nguyễn Hoàng Phúc chia sẻ, dưa lưới hiện được người tiêu dùng ưa chuộng, hiệu quả kinh tế rất cao, nên diện tích sản xuất phát triển nhanh. Tuy nhiên, do chất lượng dưa lưới còn thấp, chưa có biện pháp xử lý đóng gói và bảo quản phù hợp nên tỷ lệ hao hụt sau thu hoạch cao, thời gian bảo quản ngắn.
Dưa lưới thuộc họ Bầu bí (Cucurbitaceae), là rau ăn quả có thời gian sinh trưởng ngắn, trồng được nhiều vụ trong năm với năng suất khá cao. Dưa lưới là loại thực phẩm vừa có giá trị dinh dưỡng cao, vừa có khả năng làm thuốc.
Dưa lưới chứa nhiều chất xơ nên có tác dụng nhuận tràng, chống táo bón. Đây còn là nguồn cung cấp beta-caroten, axit folic, kali và vitamin C, A. Nguồn kali trong dưa lưới còn giúp bài tiết, thải sodium, vì vậy, sử dụng dưa lưới có tác dụng giảm huyết áp cao. Trong trái dưa lưới có enzyme superoxyd dismutase (SOD), giúp cải thiện những dấu hiệu stress về thể chất lẫn tinh thần.
SOD được xem như một enzyme mạnh hơn các vitamin chống oxy hóa khác. Nó kích thích sản xuất kháng thể trong cơ thể, giảm tỷ lệ cholesterol xấu, ngăn ngừa xơ cứng và giúp giảm cân. Beta caroten sẽ chuyển thành vitamin A, có vai trò quan trọng đối với thị giác, sức khỏe của da và niêm mạc,... Do vậy, dưa lưới được người tiêu dùng rất ưa chuộng.
Hiện nay diện tích dưa lưới sản xuất trong nhà màng có sản lượng phát triển rất nhanh tại nhiều địa phương như: TPHCM (50 ha), Bình Dương (100 ha), Đồng Nai (100 ha), Lâm Đồng (50 ha), Bình Thuận, Tây Ninh, Tiền Giang, Long An,… Ngoài nhà màng, dưa lưới cũng được trồng nhiều ngoài đồng ruộng (mùa khô), sản lượng ước tính khoảng hơn 20.000 tấn/năm.
Do hiệu quả kinh tế mang lại rất cao, nên dưa lưới được nhiều công ty, hộ nông dân đầu tư sản xuất. Đầu ra cho dưa lưới khá đa dạng, chủ yếu là các siêu thị, nhà hàng, các chợ truyền thống và một phần nhỏ cho xuất khẩu sang Nhật Bản, Trung Quốc.
Dưa lưới là sản phẩm mới ở Việt Nam nên chưa có nhiều nghiên cứu chuyên sâu về loại sản phẩm này. Đặc biệt, các biện pháp xử lý cận thu hoạch, đóng gói, bảo quản sản phẩm chế biến của trái dưa lưới sau thu hoạch vẫn chưa được nghiên cứu. Đây là một bất cập của ngành sản xuất dưa lưới ở Việt Nam, khiến sản phẩm trái dưa lưới hầu như chỉ được tiêu thụ trong nước ở dạng ăn tươi, chưa xuất khẩu được.
Nguyên nhân ở chỗ chất lượng dưa lưới còn thấp (độ Brix thấp, độ đồng đều về kích thước và trọng lượng không cao), chưa xây dựng được tiêu chuẩn chất lượng cho trái dưa lưới, chưa có biện pháp xử lý đóng gói và bảo quản phù hợp nên tỷ lệ hao hụt sau thu hoạch cao, thời gian bảo quản ngắn, tỷ lệ nấm bệnh trên trái dưa sau thu hoạch rất cao.
Kéo dài thời gian bảo quản
Trước thực tế này, Phúc tìm hiểu và lựa chọn phương pháp bảo quản an toàn, bền vững dành riêng cho dưa lưới. Than hoạt tính được tạo ra khi than sinh học được hoạt hóa với Kali permanganat (KMnO4). Khi cho than hoạt tính một lượng vừa đủ vào thùng chứa dưa lưới, nó sẽ hấp phụ và oxy hóa khí ethylene sinh ra trong quá trình dưa lưới chín. Qua đó, làm trì hoãn sự xuất hiện đỉnh ethylene cũng như đỉnh hô hấp.
“Nhờ vậy, quá trình bảo quản của dưa lưới sẽ được kéo dài hơn hơn 3 - 5 ngày, ngoài ra còn duy trì được chất lượng trái sau thu hoạch”, Hoàng Phúc cho biết.
So với thùng chứa dưa lưới không qua xử lý chỉ bảo quản khoảng 10 ngày, thùng có than hoạt tính có thể nâng thời gian bảo quản lên gần 13 ngày. “Than hoạt tính ngoài tăng thời gian bảo quản còn giúp duy trì chất lượng trái tốt nhất. Thùng chứa dưa lưới nếu không bảo quản sau 10 ngày sẽ có dấu hiệu hư hỏng”, Phúc nói.
Thạc sĩ Đoàn Kim Thành, Giám đốc Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ trẻ, Thành đoàn TPHCM, cho biết: Việt Nam là một trong những quốc gia xuất khẩu nông nghiệp cao nhất thế giới, tuy nhiên, các sản phẩm chủ yếu xuất thô.
Do vậy rất cần các nghiên cứu về công nghệ chế biến sau thu hoạch giúp gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp Việt Nam. Nghiên cứu này nếu được ứng dụng sẽ đem lại lợi nhuận rất lớn cho người nông dân.