Sinh viên Singapore quay lưng với giáo dục phương Tây
Trong nhiều thập kỷ qua, việc du học tại các quốc gia phương Tây như Anh, Mỹ và Australia đã trở thành lộ trình quen thuộc của sinh viên Singapore.

Hà Lan, Đức, Pháp trở thành điểm đến du học mới cho sinh viên Singapore.
Tuy nhiên, trong bối cảnh chi phí leo thang cùng những thay đổi trong chính sách nhập cư và nhận thức ngày càng đa dạng về cơ hội học tập, xu hướng đang dịch chuyển rõ rệt.
Số liệu từ tờ báo The Straits Times và các tổ chức giáo dục toàn cầu cho thấy số lượng sinh viên Singapore tại các quốc gia nói tiếng Anh đã giảm ổn định trong thập kỷ qua. Cụ thể, lượng sinh viên tại Australia giảm từ hơn 8,4 nghìn người năm 2013 xuống còn gần 5,9 nghìn vào năm 2024. Anh cũng ghi nhận mức sụt giảm tương tự, từ 7,3 nghìn người năm 2014 xuống 6,2 nghìn vào năm 2021.
Ngược lại, các quốc gia châu Âu và châu Á đang chứng kiến sự gia tăng ổn định. Hà Lan tăng hơn gấp đôi lượng sinh viên Singapore trong gần một thập kỷ. Đức, Pháp và Nhật Bản cũng ghi nhận mức tăng đáng kể.
Các yếu tố chính thúc đẩy xu hướng này bao gồm chi phí học tập hợp lý, cơ hội học bổng rộng mở, chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh ngày càng phổ biến và môi trường học thuật ngày càng quốc tế hóa.
Thực tế, các trường đại học ở Anh và Australia phụ thuộc lớn vào học phí sinh viên quốc tế để duy trì ngân sách. Tại Anh, khoảng 20% tổng thu của các trường đại học đến từ khoản này. Ở Australia, con số này là khoảng 25%.
Điều này khiến mức học phí tăng cao và sinh viên quốc tế trở thành đối tượng chịu gánh nặng tài chính lớn nhất. Không những vậy, chi phí sinh hoạt ở các thành phố như London, Sydney hay New York thường cao hơn đáng kể so với Tokyo, Paris hay Berlin, trong khi chất lượng học tập không hề thua kém.
Một yếu tố khác khiến sinh viên Singapore cân nhắc lại lựa chọn là những thay đổi trong chính sách nhập cư và thị thực. Tại Australia, phí xin visa du học đã tăng gấp đôi lên 1,6 nghìn AUD, trong khi Canada áp đặt hạn ngạch mới khiến lượng visa du học bị cắt giảm 35%. Anh cũng đang xem xét giới hạn quyền làm việc sau tốt nghiệp của sinh viên quốc tế.
Những thay đổi này làm dấy lên lo ngại trong cộng đồng sinh viên quốc tế về sự bấp bênh trong kế hoạch học tập và sự nghiệp sau này. Dù không phải sinh viên nào cũng có ý định định cư lâu dài, nhưng khả năng ở lại làm việc sau tốt nghiệp luôn là một yếu tố được tính đến.
Bên cạnh đó, những điểm đến như Pháp, Nhật Bản hay Thụy Sĩ đòi hỏi khả năng hòa nhập cao hơn nhưng đồng thời cũng đem lại trải nghiệm trưởng thành mạnh mẽ hơn. Chị Stella Darmawan, cựu sinh viên chương trình bằng kép tại Sciences Po (Pháp) và Đại học Keio (Nhật Bản), cho biết học tập trong môi trường đa văn hóa và buộc phải thích nghi với nền văn hóa địa phương giúp cô thay đổi hoàn toàn về tư duy.
Sự thay đổi trong xu hướng chọn điểm đến du học của sinh viên Singapore phản ánh sự chuyển biến sâu sắc trong tư duy giáo dục, từ việc ưu tiên thương hiệu và truyền thống sang cân nhắc toàn diện giữa chi phí, trải nghiệm và triển vọng tương lai.
Khi thế giới ngày càng toàn cầu hóa và đa trung tâm hơn trong giáo dục, người trẻ Singapore cũng đang mở rộng theo hướng đa dạng và đầy tiềm năng.
Một trong những lý do rõ ràng nhất khiến sinh viên Singapore tìm đến các điểm đến mới là chi phí du học ngày càng đắt đỏ tại các quốc gia nói tiếng Anh. Anh Ng Qian Xing, sinh viên Khoa Vật lý, Đại học Waseda (Nhật Bản), cho biết: “Chi phí học tập và sinh hoạt tại Tokyo thấp hơn một nửa so với King’s College London, Anh. Trong khi đó, các trường công lập ở Pháp và Đức có học phí gần như bằng 0, nhờ vào chính sách hỗ trợ giáo dục rộng rãi cho cả sinh viên quốc tế”.
Theo The Straits Times