Sinh viên sống 'healthy' khó không?

Gen Z - thế hệ được biết đến với sự trẻ trung và năng động nhưng nhiều người trẻ trong lứa tuổi này đang phải đối mặt với một thực trạng đáng lo.

ThS.BS Phạm Thành Trung chia sẻ kiến thức da liễu cho sinh viên Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: NVCC

ThS.BS Phạm Thành Trung chia sẻ kiến thức da liễu cho sinh viên Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: NVCC

Mối lo đó là dành nhiều giờ liền để lướt web, xem TikTok, thức khuya, dậy muộn. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến thời gian sinh hoạt mà còn tác động tiêu cực đến sức khỏe.

Thói quen đáng lo ngại

Ngoài thời gian học tập trên lớp, Chu Ngọc Anh (sinh viên năm 2 tại một trường đại học ở TPHCM) dành nhiều thời gian cho việc xem phim online, lướt mạng xã hội. Ngọc Anh cho biết, đó là thói quen của em từ những năm học THPT, giờ giải lao trên lớp em sẽ lấy điện thoại ra xem từ nền tảng này tới nền tảng khác.

Người trẻ nên duy trì thói quen ngủ đúng giờ, ngủ đủ từ 7 - 8 giờ mỗi đêm. Nếu bắt buộc phải thức khuya do công việc, hãy sắp xếp thời gian ngủ bù hợp lý và tăng cường vận động để giảm thiểu tác hại. Thói quen sống lành mạnh là yếu tố quyết định cho một cơ thể khỏe mạnh và tinh thần vững vàng. Sinh viên cũng nên để ý tới việc chăm sóc sức khỏe toàn diện. Hạn chế căng thẳng, ăn uống sạch và duy trì thói quen tập thể dục thường xuyên để cải thiện sức khỏe tổng thể cũng như làn da.

Ngọc Anh không thể “dứt” được điện thoại trong khi ăn cơm, đợi thang máy, trò chuyện với bạn bè, gia đình…

Có nhiều nguyên nhân khiến người trẻ thức đêm. Nó không chỉ vì chơi game hay trò chuyện với bạn bè, mà còn có những người thức khuya để học tập, nghiên cứu hoặc hoàn thành công việc trước thời hạn.

Dù lý do có hợp lý hay không, việc thức khuya vẫn là một thói quen có hại cho sức khỏe. Nhiều bạn trẻ dù biết rõ tác hại của việc thức khuya, nhưng vẫn có ý định tiếp tục tình trạng này.

Nguyễn Ngọc Thùy Linh - sinh viên Khoa Báo chí truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM) chia sẻ, vì yêu cầu của ngành học nên thường thức đến 1 - 2 giờ sáng để làm bài cho kịp giờ nộp bài.

Thùy Linh lý giải, đêm khuya giúp cô tập trung cao, ít bị chi phối bởi các yếu tố xung quanh. Việc dành thời gian vào buổi tối để làm bài tập và giải quyết công việc trở nên hiệu quả hơn so với ban ngày. Dần dần, thói quen này đã trở thành một phần khó thay đổi trong cuộc sống của Linh. “Những lúc quá nhiều deadline, mình chỉ ước một ngày có 30 tiếng để ngủ và giải quyết các công việc”, nữ sinh chia sẻ.

Tại TPHCM, những quán cà phê với mô hình “study in coffee” (mô hình học tại quán cà phê) đang nở rộ. Tuy nhiên, thay vì biến không gian này trở thành nơi học tập đem tới hiệu quả cao, nhiều người trẻ vào quán để chơi game, xem phim và đọc truyện online.

Không khó để bắt gặp những quán cà phê mở suốt đêm, phục vụ những “cú đêm” với nhu cầu giải trí, thư giãn, đặc biệt là làm việc xuyên đêm. Không chỉ “ngồi đồng” ở những quán cà phê hay trà sữa, nhiều bạn trẻ còn tìm đến các cửa hàng tiện lợi hoạt động 24/24 giờ để sinh hoạt và hoàn thành công việc cá nhân.

L.M.K., sinh viên năm 4, Trường Đại học Công Thương TPHCM cho hay, thường xuyên tới các quán cà phê mở 24/24 để làm việc nhóm, giải quyết các bài tập trong ngày, sau cùng mới về nhà ngủ tới 12 - 13 giờ hôm sau.

“Nhiều lần em tập ngủ sớm nhưng vẫn không thể ngủ được vì đã quen với giờ sinh hoạt như vậy”, L.M.K. nói.

 Người trẻ hiện nay thường tới các quán cà phê để chạy “deadline”, làm việc nhóm. Ảnh: N.T

Người trẻ hiện nay thường tới các quán cà phê để chạy “deadline”, làm việc nhóm. Ảnh: N.T

Chuyên gia mách mẹo

Thức khuya là thói quen phổ biến ở nhiều người trẻ hiện nay, đặc biệt là sinh viên, nhân viên văn phòng hoặc những người làm việc ca đêm. Tuy nhiên, đây là một thói quen có thể gây ra nhiều tác động tiêu cực đến sức khỏe cả về ngắn hạn lẫn dài hạn.

ThS.BS Phạm Thành Trung - Bệnh viện Đại học Y dược Buôn Ma Thuột đã chỉ ra nhiều tác hại của việc thức khuya. Theo đó, ngủ không đủ giấc hoặc không đúng giờ làm gián đoạn chu kỳ giấc ngủ tự nhiên, khiến cơ thể không thể phục hồi đầy đủ sau một ngày hoạt động. Hậu quả lâu ngày khiến hệ miễn dịch suy yếu, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý như cảm cúm, viêm nhiễm hoặc thậm chí các bệnh mãn tính như tiểu đường và bệnh tim mạch.

Thức khuya liên tục còn làm giảm khả năng tập trung, ghi nhớ và xử lý thông tin. Đồng thời, có thể dẫn đến tâm trạng căng thẳng, lo âu hoặc thậm chí trầm cảm. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng thiếu ngủ kéo dài làm gia tăng nguy cơ rối loạn tâm lý, đặc biệt là ở những người trẻ đang chịu áp lực lớn từ công việc hoặc học tập.

Nhiều người còn có thói quen như: Ăn uống không kiểm soát, tiêu thụ đồ ăn nhanh hoặc thức uống có đường để giữ tỉnh táo. Điều này làm tăng nguy cơ béo phì, rối loạn lipid máu và bệnh lý chuyển hóa như tiểu đường type 2.

“Về da liễu, giấc ngủ là thời điểm cơ thể tái tạo và sửa chữa các tế bào da. Thức khuya làm giảm khả năng tái tạo này, dẫn đến da khô, xỉn màu, nổi mụn, gây ra quầng thâm và bọng mắt. Bên cạnh đó, ngủ muộn kích thích cơ thể sản xuất cortisol.

Mức cortisol cao làm tăng tiết dầu trên da, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, dẫn đến mụn trứng cá. Những người có bệnh nền da liễu như viêm da cơ địa, vảy nến hoặc chàm có thể nhận thấy các triệu chứng nặng hơn khi thức khuya. Nguyên nhân là do thiếu ngủ gây rối loạn hệ miễn dịch và tăng phản ứng viêm trong cơ thể”, BS Trung cho biết thêm.

“Hằng ngày, 3 - 4 giờ sáng em mới đi ngủ nên phải ngủ bù đến tận 10 - 11 giờ. Đi học mệt nên em ngủ giấc chiều, dậy ăn uống và làm bài, tới giờ cần ngủ thì em lại không ngủ được mà xem điện thoại, coi phim và ăn khuya…

Duy trì sinh hoạt như vậy, cuối cùng em đã bị viêm loét dạ dày, áp xe hậu môn. Nguyên nhân chính bác sĩ nói do em thức khuya quá nhiều, ăn uống không điều độ và không tập thể dục thường xuyên”, T.X.T., sinh viên năm 3 tại một trường đại học ở TP Cần Thơ nhận ra cái giá phải trả cho việc thức khuya.

Yên San

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/sinh-vien-song-healthy-kho-khong-post718415.html