Sinh viên tỉnh lẻ Trung Quốc và mặc cảm 'dân nông thôn'

Trong suốt nhiều thập kỷ, học vấn là con đường duy nhất giúp hàng triệu sinh viên nghèo ở Trung Quốc vươn lên, nhưng giờ đây cánh cửa đó dần hẹp lại.

Ma, nữ sinh viên người Tân Cương (21 tuổi) nhanh chóng vỡ mộng khi phát hiện kế hoạch học tiếng Hungary của cô tại đại học không dễ dàng như suy nghĩ. Khó khăn không chỉ đến từ ngôn ngữ mà cả tài chính - hai yếu tố ảnh hưởng cơ hội tìm kiếm việc làm của Ma trong tương lai vốn ngày càng khắc nghiệt hơn ở Trung Quốc.

Trả lời phỏng vấn tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), Ma cho biết, cô không thể làm quen với ngôn ngữ Trung Âu, mà chỉ là một trong hàng nghìn sinh viên ở các vùng Tây Bắc Trung Quốc quyết định theo đuổi con đường học vấn để tiến thân khi đến Bắc Kinh.

Sinh viên đến từ vùng nông thôn của Trung Quốc đối mặt nhiều áp lực hơn các sinh viên thành thị. Đôi khi, học giỏi chưa phải là tất cả. (Ảnh minh họa: BBC).

Sinh viên đến từ vùng nông thôn của Trung Quốc đối mặt nhiều áp lực hơn các sinh viên thành thị. Đôi khi, học giỏi chưa phải là tất cả. (Ảnh minh họa: BBC).

Học vấn không phải tất cả

“Vào năm thứ ba đại học, tất cả sinh viên trong lớp của tôi đều chọn du học ngắn hạn. Tài chính của tôi không thể chi trả cho chuyến đi này và điểm số cũng không đáp ứng yêu cầu để có thể tiếp tục nhận học bổng”, Ma tâm sự. Bản thân cô cũng phải vay rất nhiều tiền khi quyết định học đại học ở Bắc Kinh.

Thiếu kinh nghiệm tu nghiệp ở nước ngoài có thể ảnh hưởng khả năng tìm việc của Ma khi cô ra trường vào tháng 6 năm sau. Cô phải cạnh tranh với khoảng 11,58 triệu người khác.

Suy thoái kinh tế càng khiến cơ hội tìm việc làm của hàng triệu sinh viên Trung Quốc bị thu hẹp, nhất là những sinh viên đến từ tỉnh lẻ, không tiền, không thế như Ma.

Theo SCMP, các nghiên cứu mới đây đã chỉ ra rằng sinh viên đến từ những vùng nông thôn ở Trung Quốc thường phải vật lộn để trang trải chi phí ở trường đại học. Đó là các chuyến tu nghiệp ở nước ngoài và hoạt động ngoại khóa. Điều này có thể khiến họ không đạt được trình độ hoặc mức lương khởi điểm như sinh viên thành thị.

“Ngay cả khi muốn thực tập bên ngoài trường, tôi thực sự không đủ khả năng trả tiền thuê nhà và gia đình cũng không giúp được”, Ma nói thêm.

“Người ta có câu 'con nhà nông sẽ làm nông'. Hồi nhỏ, tôi thấy nó nực cười, nhưng bây giờ nghĩ nó lột tả chính xác sự khó khăn với nỗ lực muốn vươn lên. Tôi không kén chọn công việc, chỉ cần đủ nuôi sống bản thân. Chỉ cần hạ thấp kỳ vọng của mình, tôi chắc chắn sẽ có công việc, thậm chí không yêu cầu bằng cấp”, Ma chia sẻ.

Sau khi nói chuyện với các sinh viên từ 4 trường đại học ưu tú như một phần trong nghiên cứu của mình, chuyên gia giáo dục nông thôn và chuyển dịch xã hội Ailei Xie nhận thấy, trong hầu hết sinh viên xuất thân từ nông thôn tìm được việc làm, họ không đạt được cùng mức lương hoặc mức lương khởi điểm như các bạn ở thành thị. Những người này luôn có cảm giác công việc của họ ít ổn định hơn "dân thành phố".

“Sinh viên đến từ nông thôn ít khi hòa nhập được với văn hóa việc làm của các trường đại học ưu tú. Họ thường chuẩn bị cho kế hoạch tìm việc muộn và cũng thiếu mục tiêu rõ ràng”, Xie - Phó giáo sư tại Đại học Quảng Châu - cho biết.

Qua một số dự án nghiên cứu, Xie phát hiện ra rằng, sinh viên nông thôn ít tham gia các hoạt động xã hội ở trường đại học hơn so với sinh viên thành thị. Điều này khiến họ thiếu đi kỹ năng cần có, như giao tiếp, làm việc nhóm và lãnh đạo..., tất cả kỹ năng này đều rất quan trọng khi tìm kiếm việc làm.

Trong một báo cáo mới đây do chính phủ Trung Quốc công bố, tháng 10/2022, nước này có khoảng 17,9% thanh niên thất nghiệp thuộc nhóm tuổi từ 16-24. Tỷ lệ thất nghiệp của người trong độ tuổi lao động ở Trung Quốc khoảng 5,5%

Tuy nhiên, số liệu thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc có khả năng bỏ qua một số sinh viên nông thôn vì cuộc khảo sát thường tập trung vào các khu vực thành thị. Điều này nghĩa là sinh viên sống hoặc trở về vùng nông thôn có thể bị bỏ sót.

Các nghiên cứu trước đây, mặc dù thiếu dữ liệu chính thức nhất quán, đã cho thấy tỷ lệ thất nghiệp ở sinh viên đến từ tỉnh lẻ luôn ở mức cao.

Sách Xanh Xã hội do Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc (CASS) công bố vào cuối năm 2013 cho thấy tỷ lệ thất nghiệp của sinh viên nông thôn là 30,5%, so với 12,28% của sinh viên thành thị.

Đến năm 2019, tỷ lệ sinh viên nông thôn tốt nghiệp đại học tìm được việc làm tại quê nhà khoảng 23,8% và 21,1% đối với các đối tượng học nghề, báo cáo của CASS chỉ ra.

Tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm thanh niên Trung Quốc (từ 16 - 24 tuổi) vào tháng 10/2022 lên đến 17,9%. (Nguồn dữ liệu: NBS)

Tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm thanh niên Trung Quốc (từ 16 - 24 tuổi) vào tháng 10/2022 lên đến 17,9%. (Nguồn dữ liệu: NBS)

Có những ngoại lệ

Anh Wu Chengye, người tỉnh Cam Túc, là một trong những sinh viên nông thôn may mắn tìm được việc làm giữa cuộc cạnh tranh khốc liệt sau khi tốt nghiệp trường đại học nổi tiếng ở Thượng Hải năm ngoái.

Sau khi một số lượng lớn đơn xin việc không được hồi âm, Wu được một giáo sư từng dạy mình giới thiệu công việc khá an toàn trong công ty nhà nước.

“Đối với tôi, khi lựa chọn công việc, điều cân nhắc đầu tiên là liệu công ty có chế độ cơm trưa hay chỗ ở hay không, vì nó sẽ giúp chúng tôi giảm bớt gánh nặng chi phí”, Wu nói.

Còn theo Zhang Hao, 24 tuổi, đến từ vùng nông thôn Tứ Xuyên, anh đã làm tốt hơn và sau khi tốt nghiệp Đại học Phúc Đán, có được giấy đăng ký hộ khẩu ở Thượng Hải, mang lại an sinh xã hội vững chắc, cơ hội học hành tốt hơn cho các con mình.

“Tôi tin rằng có khá nhiều cách để thanh niên nông thôn thay đổi số phận, bao gồm cả việc học đại học. Học vấn có thể giúp nâng cao địa vị xã hội và cả sự giàu có”, Zhang nói. Anh được tuyển dụng vào một công ty công nghệ hàng đầu ở Trung Quốc.

Zhang có niềm tin rằng, bằng cấp có thể thay đổi số phận của cả một gia đình, đặc biệt là đối với những vùng nông thôn.

Sinh viên tỉnh lẻ Trung Quốc hiện cảm thấy cơ hội giành được suất vào trường đại học xuất sắc tại các thành phố lớn của họ đang bị thu hẹp.

Trong những năm 1970, tới 50% sinh viên năm thứ nhất tại những trường đại học ưu tú đến từ vùng nông thôn. Con số này giảm xuống còn khoảng 14% năm 2011, theo một bài nghiên cứu của Kun Yan và Lingli Wu (cả hai đều là nghiên cứu sinh tại Viện Giáo dục tại Đại học Thanh Hoa).

Một nghiên cứu khác của CASS cho thấy, học sinh nông thôn từ vùng nghèo có cơ hội học cao hơn ở trường dạy nghề - nơi cung cấp kỹ năng thực tế hoặc kỹ thuật hơn. Nhưng đây không phải lựa chọn tốt do mức lương trung bình thấp hơn so với việc có một tấm bằng đại học.

“Các gia đình trung lưu thành thị đang đầu tư nhiều hơn vào giáo dục con cái về vốn văn hóa và xã hội. Trong khi đó, gia đình nông thôn hiếm khi thực hiện được những khoản đầu tư có hệ thống này”, Phó giáo sư Xie nói thêm.

Sau gần một thập kỷ nghiên cứu, ông Xie nhận thấy, học sinh nông thôn ngày càng khó đạt được khả năng nâng cao bản thân trong xã hội, một tình trạng tồn tại ở xã hội hiện đại khi bất bình đẳng gia tăng.

Theo “Báo cáo dịch chuyển xã hội toàn cầu năm 2020” do Diễn đàn Kinh tế Thế giới công bố, rất ít nền kinh tế có điều kiện phù hợp để thúc đẩy dịch chuyển xã hội và do đó, bất bình đẳng thu nhập đã trở nên ngày càng sâu sắc trên toàn cầu.

Cũng theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới, mặc dù giáo dục chất lượng cao ở các trung tâm đô thị, Trung Quốc vẫn xếp thứ 45 trong số 82 quốc gia được khảo sát về chỉ số dịch chuyển xã hội. Điều này chủ yếu là do sự chênh lệch lớn về chất lượng giáo dục giữa các khu vực.

Phó giáo sư Xie cũng cho biết, sinh viên nông thôn có nhiều khả năng chọn ở lại quận, thị trấn và khu vực nông thôn để tìm công việc đầu tiên sau khi tốt nghiệp, trong khi sinh viên thành thị chọn làm việc ở thành phố.

Cơ hội tìm việc làm của sinh viên tỉnh lẻ Trung Quốc không cao, họ buộc phải về quê để tìm việc. (Ảnh: CNN).

Cơ hội tìm việc làm của sinh viên tỉnh lẻ Trung Quốc không cao, họ buộc phải về quê để tìm việc. (Ảnh: CNN).

Mặc cảm xuất thân tỉnh lẻ

Bulgen, 22 tuổi, nữ sinh viên sắp tốt nghiệp Đại học Tân Cương năm tới, cho biết: "Xuất thân tỉnh lẻ của tôi không thể hiện trong CV. Nhưng qua thu nhập bình quân của gia đình, nó gián tiếp được phơi bày".

“Tôi vẫn phải chấp nhận thực tế là không thể sống ở một thành phố lớn”, Bulgen nói.

Bulgen từ bỏ ước mơ làm việc tại một đài truyền hình tỉnh để nhận công việc trong khu vực công ở quận quê hương. Cô phải vật lộn tìm công việc thực tập sinh ở thủ phủ Urumqi vì không đủ khả năng trả tiền thuê nhà, phải sống tạm trong một căn phòng nhỏ ở nhà người bạn.

“Là người sinh ra, lớn lên ở nông thôn, thật khó để tồn tại ở thành phố lớn. Tôi phải cân nhắc tiền thuê nhà và chi phí sinh hoạt, và mức lương ban đầu không đủ cao”, Bulgen nói thêm.

Tôi cảm thấy rất khó tìm được công việc... Tôi nghĩ mình sẽ trở về quê”, Bulgen chia sẻ thêm.

Tuy nhiên, ngay cả khi không có vấn đề tài chính, vấn đề xuất thân tỉnh lẻ vẫn có thể ảnh hưởng một số sinh viên có điều kiện gia đình tốt.

Sau khi hoàn thành ngành tâm lý học tại một trường đại học ưu tú ở Thượng Hải, Huang Yu (23 tuổi) hiện theo học tại Đại học Zurich ở Thụy Sĩ. Tuy nhiên, nền tảng gia đình và giáo dục tốt vẫn không giúp cô bớt tự ti.

Sinh viên tỉnh lẻ Trung Quốc thường cảm thấy mặc cảm về xuất thân của mình kể cả tốt nghiệp từ các trường đại học danh giá. (Ảnh minh họa: Tân Hoa Xã).

Sinh viên tỉnh lẻ Trung Quốc thường cảm thấy mặc cảm về xuất thân của mình kể cả tốt nghiệp từ các trường đại học danh giá. (Ảnh minh họa: Tân Hoa Xã).

“Trong bối cảnh hiện nay, bất cứ thứ gì bị gán mác nông thôn, thị trấn, miền quê hay miền núi đều khiến chúng tôi nhận lại một cảm giác không tốt từ người khác”, Huang Yu nói.

“Việc xuất thân từ nông thôn giống con quỷ dữ trong tâm trí khiến tôi cảm thấy mình tụt hậu so với các bạn cùng lứa ở thành thị. Nó làm tôi thấy mâu thuẫn và dằn vặt trong lòng. Tôi không đủ tự tin cạnh tranh với họ”, Huang Yu tâm sự.

Huang tin rằng, những trải nghiệm cuộc sống mà học sinh thành thị yêu thích giúp họ tự tin và mạnh dạn cạnh tranh, trong khi một số học sinh nông thôn cảm thấy khó cạnh tranh do xuất thân của mình.

Các học giả, bao gồm cả Xie, thừa nhận, sinh viên nông thôn ít tham gia hoạt động xã hội và khuôn viên trường tại các trường đại học ưu tú. Điều này có thể dẫn đến kết quả học tập kém và lựa chọn nghề nghiệp thiếu quyết đoán.

“Các bạn ở thành thị trong lớp tôi tham gia lớp học làm gốm, lớp học tiếng Pháp. Bạn cùng ký túc xá của tôi ở Thượng Hải thường có những chuyến đi nghỉ tới Australia và Mỹ từ khi còn học tiểu học. Đó là những trải nghiệm tôi chưa từng có", Huang nói thêm.

Nguồn VTC: https://vtc.vn/sinh-vien-tinh-le-trung-quoc-va-mac-cam-dan-nong-thon-ar716356.html