Sinh viên tốt nghiệp với nỗi lo việc làm: 'Học giỏi thôi chưa đủ'

Dành cả quãng đời sinh viên để học tốt, tích cực tham gia nghiên cứu khoa học, thực tập tại doanh nghiệp, rèn luyện kỹ năng mềm... nhưng khi ra trường, nhiều bạn trẻ vẫn loay hoay tìm việc.

Khi kiến thức chưa đủ để làm việc

Là cựu sinh viên khóa 52, ngành Công nghệ Thực phẩm, Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm, trường ĐH Nông Lâm (ĐH Thái Nguyên), chị Phạm Thị Thu Ba cho biết, trong quá trình học, chị luôn nỗ lực mở rộng kiến thức chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp.

 Chị Phạm Thị Thu Ba - cựu sinh viên ngành Công nghệ Thực phẩm, Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm, trường ĐH Nông Lâm (ĐH Thái Nguyên). Ảnh: NVCC

Chị Phạm Thị Thu Ba - cựu sinh viên ngành Công nghệ Thực phẩm, Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm, trường ĐH Nông Lâm (ĐH Thái Nguyên). Ảnh: NVCC

“Mình đã tham gia các khóa học online về công nghệ sinh học thực phẩm, phát triển sản phẩm mới, tiêu chuẩn HACCP, ISO… Đồng thời, chủ động áp dụng kiến thức vào thực tế qua các dự án sáng tạo khởi nghiệp từ nông sản”, chị Ba chia sẻ.

Tuy nhiên, điều khiến chị trăn trở là sự khác biệt giữa môi trường học đường và yêu cầu công việc thực tế. Các môn học chủ yếu cung cấp nền tảng lý thuyết, nhưng chưa theo kịp công nghệ sản xuất hiện đại, thiếu thực hành trên dây chuyền công nghiệp.

“Ngay cả những kỹ năng mềm như giao tiếp, tư duy phản biện hay làm việc nhóm vốn rất cần khi đi làm, cũng chưa được chú trọng đúng mức trong chương trình đào tạo. Để rút ngắn khoảng cách này, sinh viên buộc phải tự học, tự rèn”, chị Ba cho biết thêm.

Chủ động vẫn chưa chắc đủ

Chị Chu Vân Hà – cựu sinh viên Khoa học Môi trường, Khoa Môi trường, trường ĐH Nông Lâm (ĐH Thái Nguyên) cũng là người có định hướng nghề nghiệp rõ ràng từ sớm. Ngay từ năm thứ hai, chị đã thực tập tại Công ty Giấy Hoàng Văn Thụ, tiếp cận với quy trình xử lý nước thải và quản lý môi trường trong sản xuất. Năm ba, chị tiếp tục thực tập tại Công ty EJC (Chi nhánh Lạng Sơn), tham gia các công việc liên quan đến môi trường đô thị, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường.

 Chị Chu Vân Hà – cựu sinh viên ngành Khoa học Môi trường, Khoa Môi trường – trường ĐH Nông Lâm (ĐH Thái Nguyên). Ảnh: NVCC

Chị Chu Vân Hà – cựu sinh viên ngành Khoa học Môi trường, Khoa Môi trường – trường ĐH Nông Lâm (ĐH Thái Nguyên). Ảnh: NVCC

Ngoài thực tập, chị Hà còn chủ nhiệm hai đề tài nghiên cứu khoa học sinh viên và tham gia một đề tài khởi nghiệp cấp trường, trong đó có đề tài được chọn thi Euréka tại TP. HCM.

Thế nhưng, với Hà, thực tế công việc vẫn đòi hỏi nhiều kỹ năng mà chương trình đào tạo chưa cung cấp đầy đủ: “Khi đi thực tập, mình mới hiểu rõ hơn về các thiết bị đo đạc hiện trường, cách lập báo cáo hồ sơ pháp lý, những thứ chương trình học chưa đào sâu. Muốn làm được việc, sinh viên phải chủ động bổ sung qua thực tế và tự học thêm ngoài giờ”.

Vai trò của nhà trường và sự chủ động của sinh viên

Cả hai cựu sinh viên đều ghi nhận sự hỗ trợ từ nhà trường trong công tác định hướng nghề nghiệp. Nhà trường thường tổ chức Ngày hội việc làm, workshop hướng dẫn viết CV, phỏng vấn thử và kết nối với nhiều doanh nghiệp lớn.

Bên cạnh đó, các buổi hội thảo nghề nghiệp, gặp gỡ cựu sinh viên và chuyên gia ngành cũng là dịp để sinh viên tiếp cận thực tế, hiểu rõ hơn yêu cầu công việc.

Tuy nhiên, theo chị Ba, mức độ hiệu quả phụ thuộc phần lớn vào sự chủ động của sinh viên: “Nếu không tự mình khai thác các nguồn lực này, các bạn sẽ bỏ lỡ rất nhiều cơ hội”.

Nếu được quay lại năm thứ nhất...

Sau tất cả những trải nghiệm, cả hai đều có chung một suy nghĩ: Nếu được quay lại năm thứ nhất, họ sẽ hành động sớm hơn và có chiến lược rõ ràng hơn.

Chị Phạm Thị Thu Ba cho biết: “Mình sẽ xây dựng thương hiệu cá nhân và portfolio chuyên ngành từ sớm, kết nối với chuyên gia qua LinkedIn. Mình cũng sẽ đầu tư sâu vào 1 – 2 kỹ năng chuyên môn như công nghệ enzyme, cảm quan thực phẩm hoặc kiến thức về các chứng nhận quốc tế. Ngoài ra, mình sẽ tìm cơ hội thực tập đa dạng từ phòng lab đến doanh nghiệp để trải nghiệm nhiều hơn”.

 Sinh viên tìm kiếm cơ hội việc làm tại các Ngày hội việc làm, tuyển dụng do nhà trường tổ chức. Ảnh: DƯƠNG TRIỀU

Sinh viên tìm kiếm cơ hội việc làm tại các Ngày hội việc làm, tuyển dụng do nhà trường tổ chức. Ảnh: DƯƠNG TRIỀU

Với chị Chu Vân Hà, điều cần thiết là học thêm các phần mềm chuyên ngành (AutoCAD, QGIS), tiếng Anh chuyên môn và chủ động kết nối với thầy cô, doanh nghiệp để định hướng công việc rõ ràng hơn.

“Chỉ học trên lớp là chưa đủ. Mỗi năm đại học là một chặng đường phải có mục tiêu rõ ràng, không chỉ để học tốt mà còn để sẵn sàng làm việc sau khi ra trường”, chị Hà chia sẻ.

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/sinh-vien-tot-nghiep-voi-noi-lo-viec-lam-hoc-gioi-thoi-chua-du-post1761370.tpo