Sinh viên Trung Quốc đối phó tình trạng thất nghiệp gia tăng như thế nào?
Trước tình trạng thất nghiệp gia tăng do nền kinh tế phục hồi chậm sau đại dịch, sinh viên Trung Quốc đang tìm kiếm nhiều biện pháp khác nhau để đối phó vấn đề này.
Con số kỷ lục 11,79 triệu sinh viên dự kiến sẽ tốt nghiệp từ các trường đại học Trung Quốc trong năm nay đã trở thành mối lo ngại quá lớn trong bối cảnh quốc gia này phục hồi chậm sau đại dịch và việc làm vẫn khan hiếm.
Tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên đất nước tỉ dân đã tăng lên một mức cao mới trong nửa đầu năm 2023. Các cuộc khảo sát chính thức cho thấy hơn 1/5 số người trong độ tuổi 16-24 ở Trung Quốc được coi là thất nghiệp từ tháng 4 đến tháng 6. Sau đó, các nhà chức trách bỗng nhiên quyết định điều chỉnh lại và không còn công bố tỉ lệ hàng tháng từ tháng 7 đến tháng 11.
Đến 17/1 vừa qua, các nhà chức trách đã công bố tỷ lệ thất nghiệp thanh niên sửa đổi trong tháng 12 là 14,9%, con số này không bao gồm những người đang đi học và chưa tốt nghiệp. Trước tình trạng kéo dài nói trên, sinh viên Trung Quốc và cả các trường đại học ở nước này đã phải nhanh chóng tìm kiếm biện pháp để đối phó với vấn đề việc làm ngày càng khan hiếm, số người thất nghiệp ngày càng tăng.
Tiếp tục học tập
Ngày càng nhiều sinh viên tốt nghiệp theo đuổi giáo dục nâng cao và lấy thêm nhiều bằng cấp hơn để trì hoãn việc tìm việc làm, đặc biệt là sinh viên từ các đại học hàng đầu. Thay vì tham gia vào thị trường việc làm ngay sau khi tốt nghiệp, nhiều sinh viên có xu hướng lựa chọn việc tiếp tục học tập sau khi lấy bằng đại học. Theo thống kê ở năm 2023, có tới 70% sinh viên đến từ các trường đại học hàng đầu lựa chọn cách này.
Điều đó đã đẩy tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc của một số trường đại học danh tiếng nhất Trung Quốc xuống mức thấp nhất từ trước đến nay, bao gồm các trường đại học như: Đại học Phúc Đán, Đại học giao thông Thượng Hải, Đại học Thanh Hoa... Theo báo cáo mới nhất, chỉ có 18% sinh viên tại Đại học Phúc Đán tìm được việc làm. Và tại Đại học Thanh Hoa, con số này là khoảng 15%.
Peng Peng - chủ tịch điều hành của Hiệp hội Cải cách Quảng Đông cho biết triển vọng việc làm của thanh niên trong năm nay cũng không hứa hẹn do ảnh hưởng của nền kinh tế không lạc quan sau đại dịch. Ông lưu ý điều này được phản ánh như thế nào trong việc GDP năm 2024 dự kiến sẽ giảm, bao gồm cả thành phố lớn phía nam như Quảng Châu, nơi dự kiến nền kinh tế sẽ chỉ tăng trưởng 5% trong năm nay, trong khi mục tiêu được thiết lập vào năm ngoái là 6%.
Mặc dù Trung Quốc đã mở cửa trở lại một năm trước, số lượng sinh viên tốt nghiệp chọn đi du học vào năm 2023 đã tăng so với năm 2022, nhưng con số này vẫn tụt hậu so với mức trước đại dịch.
Năm 2023, tại Đại học Đồng Tế ở Thượng Hải, 590 sinh viên đại học (tương đương 13,6%) đã chọn theo đuổi việc học thêm ở nước ngoài, cao hơn một chút so với 547 sinh viên vào năm 2022. Do đại dịch, con số này đã giảm kể từ năm 2019. Thời điểm đó có đến 778 sinh viên (khoảng 20%) tại trường đại học đã ra nước ngoài du học.
Ngày càng có nhiều người ở Trung Quốc theo đuổi chương trình học nâng cao tại các trường đại học trong nước. Theo Bộ Giáo dục nước này, số sinh viên trúng tuyển vào hệ sau đại học của các trường đã tăng gần gấp 10 lần so với cùng kỳ. So với năm 2000 chỉ có 128.500 người, đến năm 2023 con số này đã đạt mức khoảng 1,24 triệu.
Đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trên thị trường việc làm nhưng lại được sự hậu thuẫn bởi điều kiện gia đình, nhiều sinh viên đang tỏ ra thiếu khẩn trương trong việc tìm việc làm, mà thay vào đó lại quan tâm đến việc tìm kiếm bằng cấp cao hơn.
Bộ mặt việc làm đang thay đổi của Trung Quốc
Ngày càng nhiều cử nhân ở Trung Quốc làm công việc bán thời gian, đảm nhận công việc linh hoạt hoặc bắt đầu kinh doanh riêng thay vì bước vào các công việc truyền thống.
Khi tình trạng thanh niên thất nghiệp dần trở thành một chủ đề nhạy cảm, có những lo ngại rằng nó có thể gây ra hậu quả lâu dài đối với sự ổn định xã hội, kèm theo các tác động về kinh tế. Nhiều trường đại học đã chọn cách đưa số lượng người làm nghề tự do và tự kinh doanh vào để làm tăng tỉ lệ sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp.
Trong báo cáo của nhiều trường đại học, ngày càng có nhiều sinh viên tốt nghiệp không bị ràng buộc bởi hợp đồng lao động chính thức mà lựa chọn các hình thức việc làm khác, và như vậy sinh viên đã tốt nghiệp đó vẫn được coi là có việc làm.
Hơn 4% sinh viên khóa 2023 tại Đại học Cát Lâm - một trường đại học hàng đầu ở khu vực đông bắc Trung Quốc và đứng thứ 22 trong bảng xếp hạng các trường đại học ở Trung Quốc - đã làm việc tự do hoặc bắt đầu kinh doanh riêng. Vào năm 2019, con số này chỉ ở mức dưới 0,5%.
Đại học Hồ Bắc - đứng thứ 134 trong bảng xếp hạng các trường đại học ở Trung Quốc, năm 2023 chứng kiến 21,5% sinh viên đại học trở thành người làm việc tự do hoặc tìm việc làm mà không cần ký hợp đồng lao động vào năm ngoái. Tỷ lệ đó vào năm 2019 là 17%.
Khi nền kinh tế Gig (nền kinh tế tự do với một lượng lớn người làm việc bán thời gian hoặc tạm thời) và nền kinh tế kỹ thuật số của Trung Quốc phát triển sinh lợi hơn, những người lao động trẻ linh hoạt đang tìm việc làm trong nhiều lĩnh vực, bao gồm giao đồ ăn, phát trực tiếp và tạo nội dung truyền thông xã hội. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều rào cản trong việc tìm kiếm làm việc và một số tác động khác còn có nguy cơ làm hạn chế tăng trưởng việc làm hơn nữa.
"Bên cạnh việc tình hình kinh tế không có sự cải thiện đáng kể, tác động của lĩnh vực thương mại điện tử đang phát triển nhanh chóng, sự xuất hiện của công nghệ AI cũng là những yếu tố có thể làm tăng khả năng các công ty cắt giảm nhân lực. Tất cả những điều này đều không có lợi cho việc tăng trưởng việc làm", ông Peng đưa ra cảnh báo tại Hiệp hội Cải cách Quảng Đông.