Sinh viên trường Đại học Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh đạt giải nhất Giải thưởng Loa Thành năm 2022

'Thiết kế nhánh 3 cầu vượt nút giao cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây' là chủ đề đồ án tốt nghiệp của sinh viên Nguyễn Tấn Đạt (trường Đại học Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh), với sự hướng dẫn của TS Mai Lựu. Đồ án đã vinh dự đạt giải Nhất Giải thưởng Loa Thành năm 2022.

Sinh viên Nguyễn Tấn Đạt.

Sinh viên Nguyễn Tấn Đạt.

Chia sẻ về lý do lựa chọn nội dung thiết kế nhánh 3 cầu vượt nút giao cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây để thực hiện cho đồ án tốt nghiệp của mình, Tấn Đạt cho biết, cầu vượt nút giao nằm trên đường 319 là trục giao thông chạy xuyên qua các Khu công nghiệp của huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai.

Do đó, khi hoàn thành toàn tuyến sẽ rút ngắn thời gian di chuyển đến Thành phố Hồ Chí Minh sẽ góp phần giảm tải giao thông cho đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây và Quốc lộ 51. Mặt khác, huyện Nhơn Trạch có vị trí địa lý thuận lợi, là tâm điểm tam giác Thành phố Hồ Chí Minh - Đồng Nai - Bà Rịa Vũng Tàu.

Với những điều kiện trên, sinh viên Tấn Đạt đã thực hiện nghiên cứu đồ án thiết kế kỹ thuật một kết cấu cầu cong bằng bê tông cốt thép dự ứng lực căng sau thi công trên đà giáo; ứng dụng công nghệ thông tin từ việc tính toán thiết kế đến tạo bản vẽ trên mô hình 3D và xuất ra bản vẽ 2D.

Đồ án gồm có 5 phần, kết cấu phần trên, kết cấu phần dưới, thiết kế biện pháp thi công, thiết kế đường dẫn đầu cầu và ứng dụng thiết kế trong công trình cầu đường. Vật liệu sử dụng chủ yếu là bê tông, cốt thép, cáp dự ứng lực. Vị trí thực hiện sẽ ở khu vực đồng bằng, mặt đất tự nhiên gần như bằng phẳng dễ dàng bố trí thiết bị máy móc, láng trại, khu tập kết vật tư.

Nói về điểm đặc biệt của đồ án, Đạt cho biết: “Tôi đã ứng dụng công nghệ BIM vào đồ án, sử dụng một số đoạn code trong BIM để xây dựng mô hình. Đây là công nghệ dự kiến sẽ được áp dụng nhiều trong ngành Cầu đường. Đồng thời mô phỏng thiết kế cầu thông qua phần mềm RM Bridge; một số kết quả từ phần mềm được đánh giá so sánh bằng cách tính thủ công để kiểm chứng. Mô phỏng Revit cho các cấu kiện dầm hộp, trụ cầu, bố trí bán tự động thông qua lập trình Dynamo tích hợp trong Revit. Bố trí cáp dự ứng lực 3D tự động thông qua tọa độ, có thay đổi linh hoạt tọa độ, hình dạng”.

Tác giả cũng đã tìm hiểu các mô hình nền như Mohr-Coulomb, soft-soil... trong ứng dụng Plaxis để mô phỏng môi trường nền đất yếu khu vực đầu cầu, có gia cố cọc đất xi măng đất dưới tải trọng khối đất đắp. Theo tác giả, đồ án đề xuất phương pháp giải quyết ùn tắc giao thông, đưa vị trí nghiên cứu trở thành điểm nhấn của đô thị, mang tính thẩm mỹ cao.

Phối cảnh thiết kế nhánh 3 cầu vượt nút giao cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây.

Phối cảnh thiết kế nhánh 3 cầu vượt nút giao cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây.

Theo Tấn Đạt, khó khăn nhất trong quá trình thực hiện đồ án chính là khi khởi chạy phần mềm RM Bridge. Phần mềm RM Bridge vốn khó tiếp hơn so với các phần mềm khác do có tích hợp một số đoạn code, nếu gặp phải lỗi thì chạy lại phần mềm từ đầu.

Để hoàn thành đồ án, Đạt đã phải chạy lại phần mềm này 50 lần để đảm bảo kết quả xuất từ phần mềm trùng khớp với số liệu tính tay. Trước tiên Đạt sẽ chạy phần mềm từ cầu đúc hẫng cân bằng trước, sau khi thành thạo thì quay lại chạy phần mềm đối với dạng cầu cong theo nội dung đồ án.

“Điều đó khiến tôi cảm thấy rất nản vì phải thực hiện quá nhiều lần. Nhưng nhận được sự động viên của thầy hướng dẫn, tôi đã chạy phần mềm RM thành công”, Đạt cho biết.

Với sự nỗ lực không ngừng nghỉ, sinh viên Nguyễn Tấn Đạt đã đạt được giải Nhất Giải thưởng Loa Thành cho đồ án của mình. Chia sẻ về giải thưởng này, Đạt nói: “Khi nhận được giải thưởng này, tôi cảm thấy tự hào vì là sinh viên, là người đầu tiên của trường Đại học Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh tham gia. Tôi mong muốn trong tương lai đồ án của mình sẽ được các bên tham khảo, có thể đưa vào thực tế nếu phù hợp”.

Đồ án của sinh viên Nguyễn Tấn Đạt được đánh giá cao trong Hội đồng chuyên ngành, cũng là đồ án xuất sắc của ngành Công trình giao thông mà trong hai năm gần đây mới có. Theo nhận định của Hội đồng chuyên ngành, sinh viên đã nắm được các bước cần thiết trong thiết kế các hạng mục dầm, trụ, móng… của một cây cầu bằng các công cụ phần mềm RM, đồ họa 3D và có kiểm chứng các phương pháp tính tay thông thường. Các tiến bộ khoa học gần đây đã được sinh viên áp dụng như cọc khoan nhồi, cọc đất gia cố xi măng xử lý nền đất yếu.

Yến Mai

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/sinh-vien-truong-dai-hoc-giao-thong-van-tai-thanh-pho-ho-chi-minh-dat-giai-nhat-giai-thuong-loa-thanh-nam-2022-346605.html