Sinh viên y làm thêm thuở xưa...

Gật đầu chào cậu bác sĩ tương lai tên Hoàng, người cao ráo, trắng trẻo, có da có thịt... đến dạy gia sư cho con trai, tôi trộm nghĩ: Sinh viên y bây giờ trông ngon quá!

Hoàng là sinh viên y năm thứ tư, làm gia sư toán cho con tôi được gần 200 nghìn một buổi. Hoàng thật thà chia sẻ: Mỗi ngày cháu chỉ đi được 1 ca, cuối tuần có thể tăng lên 2 ca.

Nhẩm tính cậu cũng kiếm được vài triệu một tháng. Hoàng là cựu sinh viên chuyên toán nên không thiếu việc làm, dạy cho con tôi là một ví dụ, hỏi Hoàng có định thi nội trú? Cậu gãi đầu cười: Còn tùy tình hình chú ạ.

Nhớ lại, sinh viên y lớp 1986-1992 của chúng tôi ngày ấy, gầy ốm và tội nghiệp lắm. Hơn 300 người, có da có thịt nhất như tôi cũng chỉ được 56 kg. Chúng tôi ở Hà Nội gọi là cánh ngoại trú. Các bạn ở tỉnh ở trong ký túc xá gọi là dân nội trú. Những năm đầu của công cuộc đổi mới là cú oằn mình đau đớn của cả dân tộc, trong đó có sinh viên y chúng tôi. Học bổng là 14 nghìn đồng, mua chục kẹo lạc chiêu đãi bạn bè mất ngay 2 đồng. Còn lại làm sao đủ tiêu một tháng đây...

Thương mẹ ốm đau tặng mẹ được mấy nghìn nhưng rồi ăn sáng, sinh nhật, mua sách... có khi lại phải xin lại mẹ nhiều hơn. Miếng thịt trong khẩu phần cơm trưa, cặp lồng cơm đem đi trực bệnh viện tuy có khác nhau nhưng không nhiều. Mấy miếng thịt mỡ hoặc miếng trứng rán mỏng tang bên cạnh là rau dưa, lạc rang, muối vừng chèn chặt xung quang. Cơm là vũ khí chính để chống đói, sinh viên chúng tôi được bồi dưỡng hẳn 17 kg gạo mỗi tháng. Quần áo thiếu nghiêm trọng.

Sinh viên y ngoài giờ học còn tranh thủ đi làm thêm.

Sinh viên y ngoài giờ học còn tranh thủ đi làm thêm.

Sinh viên y nhếch nhác trên những chiếc xe đạp đen đúa tróc sơn tỏa đi khắp các bệnh viện. Xe đạp không chuông, không phanh, không chắn bùn hồi đó quá phổ biến. Chúng kêu ken két, cành cạch mệt mỏi nhưng vẫn miệt mài phục vụ chúng tôi đi học. Sinh viên ta đùa với nhau: Mọi thứ của xe đạp đều kêu trừ chuông. Chiếc áo blouse vàng ố, bên trong nhồi đủ áo len, áo sơ mi, những đêm trực dài đằng đẵng ở bệnh viện, nhất là khi trời lạnh làm chúng tôi đói cồn cào, thèm khát những bát phở, chiếc bánh mỳ nóng, nắm xôi ấm.

Những năm cuối gần ra trường dân Hà Nội nhưng tôi đã chịu khó làm ăn hơn. Thời mở cửa dễ thở và tự do hơn, có nhiều việc để làm. B. anh bạn thân có mối làm thêm thẩm âm và in sang băng cassette. Khỏi phải nói B. hân hoan và tự tin đến mức nào. Quần áo, giầy dép đổi mới thường xuyên. Cà phê, thuốc ngoại, nhạc mới chúng tôi nhờ nó mà được thưởng thức thường xuyên. Tôi ơn nó tới tận bây giờ.

Q. anh bạn thân cùng tổ rủ tôi làm thêm ở xưởng của gia đình chuyên sản xuất mũ bò. Tôi đồng ý ngay và hân hoan bước vào con đường “công nông hóa” để kiếm thêm. Sự khó nhọc của kiếm tiền, thói quen lao động sau những năm tuổi thơ gian khó lại được thêm thời sinh viên tôi luyện thêm. Chiếc kéo may to đùng được tôi sử dụng thành thạo để cắt mỗi ngày từ 1000-2000 đai mũ bò. Tay phỏng rộp rát bỏng, buồn ngủ và mệt mỏi muốn gục xuống nhiều lần, kẽo kẹt cả tháng cận tết cũng giúp tôi tự mình kiếm được tiền mua chiếc áo rét cho mình, đóng góp tiêu tết cho bố mẹ. Đồng tiền khó nhọc và ít ỏi nhưng mang lại những ngọt ngào khó quên!

Chẳng thể làm giàu, không thoát khỏi hoàn toàn cơm áo của bố mẹ nhưng những việc làm thêm của sinh viên đem lại những trải nghiệm, có ngọt ngào và cả nhọc nhằn, không thể nào quên!

Hiểu được giá trị của lao động, trân trọng những đồng tiền khó nhọc và chân chính, tránh xa lười biếng là cái mà chúng tôi, những sinh viên y thời đó lưu lại được từ những công việc làm thêm của mình.

BS. Hoàng Cương (Bệnh viện Mắt Trung ương)

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/sinh-vien-y-lam-them-thuo-xua-n190885.html