Slovenia - Quốc gia trẻ và phát triển năng động ở Nam Âu

Với vị trí địa lý thuận lợi, ổn định chính trị, kinh tế phát triển cùng nền văn hóa đặc sắc, Slovenia sở hữu nhiều tiềm năng hợp tác Việt Nam có thể khai thác.

Là quốc gia Nam Âu, Slovenia (Cộng hòa Slovenia) mới tuyên bố độc lập vào tháng 6/1991 và được kết nạp vào Liên minh châu Âu (EU) năm 2004.

Ngoài ra, Slovenia còn tiếp giáp với biển Adriatic về phía Tây Nam. Thủ đô và cũng là thành phố lớn nhất của Slovenia là Ljubljana. Slovenia là một quốc gia có diện tích tương đối nhỏ (20.271 km2) và ít dân (khoảng 2,1 triệu người).

Slovenia giáp với Italy về phía Tây, giáp với Áo về phía Bắc, giáp với Hungary về phía Đông Bắc, giáp với Croatia về phía Đông và phía Nam.

Slovenia là quốc gia Nam Âu với vị trí địa lý thuận lợi, ổn định chính trị, kinh tế phát triển cùng nền văn hóa đặc sắc. (Nguồn: Shutterstock)

Slovenia là quốc gia Nam Âu với vị trí địa lý thuận lợi, ổn định chính trị, kinh tế phát triển cùng nền văn hóa đặc sắc. (Nguồn: Shutterstock)

Hội nhập để thành công

Slovenia là một quốc gia chuyển đổi khá thành công từ nền kinh tế tập trung bao cấp sang kinh tế thị trường, với kết quả tích cực trong tư nhân hóa nền kinh tế, kiềm chế lạm phát, giải quyết thất nghiệp, ổn định đồng tiền, thu hút mạnh đầu tư nước ngoài và hiện đại hóa hệ thống thuế.

Phát triển hạ tầng kinh tế, hệ thống điện, hệ thống giao thông và bưu chính viễn thông sẽ là các bước đi quan trọng tiếp theo để Slovenia hòa nhập tốt vào nền kinh tế của EU. Đây cũng là quốc gia Đông Âu đầu tiên được EU công nhận đáp ứng mọi tiêu chí để có thể gia nhập khối đồng tiền chung Euro từ ngày 1/1/2007.

Ưu tiên chính trong chính sách đối ngoại là tham gia EU và NATO. Slovenia là nước đi đầu trong các nước thuộc Nam Tư cũ xin gia nhập NATO. Tại cuộc trưng cầu ý dân tháng 3/2003, người dân ủng hộ mạnh mẽ việc Slovenia gia nhập EU và NATO. Tới tháng 5/2004, mong ước này đã trở thành hiện thực.

Slovenia cũng là thành viên của Liên hợp quốc (gia nhập ngày 22/5/1992), OSCE (24/3/1992) và WTO (30/7/1995). Nước này hiện đang giữ chức Chủ tịch luân phiên của Hội đồng châu Âu (6/2021-12/2021).

Một ưu tiên khác về đối ngoại của Slovenia là tăng cường quan hệ, hợp tác với láng giềng Áo, Italy, Hungary và Croatia, các nước Trung Đông Âu trong khuôn khổ mô hình tam, tứ giác phát triển và trong Nhóm sáng kiến Trung Âu.

Nền kinh tế đa dạng

Về cơ cấu nền kinh tế, khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng cao (66%) trong cơ cấu tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Slovenia, tiếp đến là công nghiệp (32%) và nông nghiệp (2%). Xuất khẩu là động lực quan trọng giúp phát triển kinh tế nước này khi chiếm hơn 84% GDP, cao hơn mức trung bình 49% của EU.

Ngành dịch vụ vẫn đóng góp lớn nhất trong cơ cấu kinh tế, với các ngành chủ lực như công nghệ thông tin - truyền thông, tài chính và ngân hàng, bảo hiểm, thương mại, vận tải và bán buôn bán lẻ. Ngành du lịch cũng năng động và đang trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ.

Một góc phố yên bình tại Ljubljana, thủ đô của Slovenia. (Nguồn: Rich Steves Europe)

Một góc phố yên bình tại Ljubljana, thủ đô của Slovenia. (Nguồn: Rich Steves Europe)

Các ngành công nghiệp quan trọng của Slovenia gồm: luyện kim, sản xuất sắt thép và kim loại màu; khai khoáng: nhôm, chì, kẽm; công nghiệp chất dẻo; thiết bị điện và điện tử, kể cả điện tử quân sự; hóa chất và dược phẩm; công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm; sản xuất xe tải; máy công cụ; chế tạo thiết bị điện; đồ gỗ; dệt may; giấy.

Trong khi đó, ngành nông nghiệp sử dụng khoảng 24% diện tích lãnh thổ của Slovenia. Do xu hướng giảm đất nông nghiệp và tăng cường chuyển đổi thành đất kinh doanh, Slovenia đang tăng cường nhập khẩu lương thực để đáp ứng nhu cầu nội địa. Các sản phẩm nông nghiệp quan trọng của nước này là hoa bia, mạch nha, ngô, lúa mì, khoai tây, ngô, táo, lê, gia súc, cừu, gia cầm.

Slovenia hoàn toàn mở cửa cho đầu tư nước ngoài, phù hợp với các nguyên tắc của EU và OECD, đồng thời không phân biệt đối xử giữa các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Các lĩnh vực kinh tế thu hút FDI nhất là sản xuất (đặc biệt là sản phẩm kim loại, thiết bị điện và quang học, và linh kiện ô tô), sản phẩm hóa chất, sản phẩm từ nhựa, giấy, dược phẩm, cao su, bán buôn, bán lẻ và tư vấn kinh doanh.

Năm 2020, GDP của Slovenia ước đạt 46,9 tỷ EUR, giảm 4,2% so với năm 2019, chủ yếu do tác động của Covid-19. GDP bình quân trên đầu người đạt 22.312 EUR. Kim ngạch xuất khẩu đạt 32,9 tỷ EUR, giảm 2% so với năm 2019; kim ngạch nhập khẩu đạt 32 tỷ EUR, giảm 6%. Theo dự báo, GDP Slovenia sẽ sớm hồi phục, tăng 6,1% vào năm 2021 và 4,7% vào năm 2022.

Slovenia là quốc gia Đông Âu đầu tiên được EU công nhận đáp ứng mọi tiêu chí để có thể gia nhập khối đồng tiền chung Euro từ ngày 1/1/2007.

Văn hóa đặc sắc

Slovenia là một quốc gia có nền văn hóa lâu đời ở châu Âu, với nhiều công trình kiến trúc cổ, kết hợp hài hòa với phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp.

Có thể kể tới những danh lam thắng cảnh dành cho du lịch, nghỉ ngơi và giải trí như các hồ tự nhiên lớn như Bled, Bohinj; khu nghỉ trượt tuyết trên núi; các khu nghỉ mát ven biển Adriatic…

Slovenia cũng sở hữu di sản kiến trúc đồ sộ với 2.500 nhà thờ, 1.000 lâu đài, di tích và nhà trang viên, trang trại và nhiều cấu trúc đặc biệt để làm khô cỏ, hayracks (kozolci).

Nước này có 5 di tích lịch sử nằm trong danh sách Di sản Thế giới của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO). Trong số đó, hang Škocjan và cảnh quan karst là Di sản thế giới cần được bảo vệ, còn khu khai thác Idrija Mercury được đánh giá là có tầm quan trọng thế giới.

Phát triển vượt bậc

Ngày 7/6/1994, Việt Nam công nhận và lập quan hệ ngoại giao cấp Đại sứ với Cộng hòa Slovenia. Đại sứ quán Slovenia tại Bắc Kinh kiêm nhiệm Việt Nam. Đại sứ quán Việt Nam tại Vienna (Áo) kiêm nhiệm Slovenia.

Về trao đổi đoàn, tháng 6/2006, Bộ trưởng Ngoại giao Slovenia Dmitri Rupen đã thăm chính thức Việt Nam và nhân dịp này, hai bên ký Nghị định thư về hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao. Tháng 6/2015, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã thăm Slovenia và nhân dịp này, hai bên đã ký Hiệp định hợp tác kinh tế. Tháng 11/2015, Bộ trưởng Kinh tế Slovenia cũng tới thăm Việt Nam.

Hai bên đã tổ chức 2 khóa họp UBLCP về hợp tác kinh tế tại Slovenia vào tháng 9/2017 tại Ljubljana và tháng 11/2019 tại Hà Nội.

Ngoài ra, hai Thủ tướng thường xuyên gặp nhau bên lề các Hội nghị Cấp cao ASEM. Bên lề Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 76 tại New York, Mỹ, ngày 21/9/2021, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã gặp Tổng thống Slovenia Borut Pahor.

Kể từ chính thức thiết lập quan hệ, hợp tác kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Slovenia phát triển vượt bậc, tăng hơn 26 lần từ 2005-nay. Năm 2020, thương mại hai chiều đạt 361 triệu USD. Tuy nhiên, dù tốc độ tăng trưởng ấn tượng, song trao đổi thương mại song phương vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Slovenia Borut Pahor gặp song phương bên lề họp Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 21/9/2021. (Nguồn: TTXVN)

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Slovenia Borut Pahor gặp song phương bên lề họp Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 21/9/2021. (Nguồn: TTXVN)

Đáng chú ý, tập quán và nhu cầu tiêu dùng của người Slovenia tương đối phù hợp với hàng hóa Việt Nam. Vì vậy, Việt Nam có cơ hội thâm nhập sâu hơn tại thị trường này, đặc biệt là thủy sản, nông sản, mặt hàng dệt may và da giày, sản phẩm thủ công. Slovenia có thể trở thành cầu nối cho hàng hóa Việt Nam thâm nhập và phát triển thị phần tại EU, đặc biệt là Đông Âu và Đông Nam Âu.

Các thế mạnh của Slovenia như công nghiệp giấy, công nghiệp điện tử, vận tải biển, logistics và một số lĩnh vực liên quan đến công nghiệp chế biến có thể được tận dụng tích cực tại thị trường Việt Nam.

Đặc biệt, Slovenia có cảng Koper, thành phố lớn thứ ba của cả nước và lớn nhất trên bờ biển Adriatic. Không chỉ có cơ sở hạ tầng giao thông và logistics thuận lợi, cảng Koper còn là điểm gần nhất để vận chuyển đến Địa Trung Hải, và qua Kênh Suez đến Trung Đông.

Doanh nghiệp Việt Nam cần xem xét, tận dụng lợi thế logistics của cảng Koper. So với các cảng ở Tây Âu, vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam đến Trung Âu và Đông Âu qua cảng Koper tiết kiệm được 7-10 ngày, với chi phí vận chuyển đường biển rẻ hơn.

Để được tư vấn chi tiết hơn về cơ hội hợp tác với Slovenia, bạn đọc có thể liên hệ với Đại sứ quán Việt Nam tại Áo (email: [email protected], [email protected]).

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/slovenia-quoc-gia-tre-va-phat-trien-nang-dong-o-nam-au-165603.html