Số bài báo quốc tế của ứng viên PGS, GS tăng đột biến có bất thường?
Nhiều ứng viên có số lượng bài báo, công bố khoa học trong nước, quốc tế tăng đột biến trước thời điểm nộp hồ sơ xét duyệt chức danh phó giáo sư, giáo sư năm 2023.
Năm nay, cả nước có 695 ứng viên được Hội đồng Giáo sư cơ sở đề nghị xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư (tăng 248 ứng viên so với 2022). Năm 2022 có 447 ứng viên, năm 2021 - 451, năm 2020 - 542 ứng viên được đề nghị xét công nhận chức danh giáo sư và phó giáo sư.
Bài báo quốc tế tăng đột biến
Trong số các hồ sơ được đề nghị xét công nhận chức danh năm nay, nhiều trường hợp ứng viên có số lượng bài báo quốc tế tăng đột biến, đăng tải dồn dập trước thời điểm nộp hồ sơ xét duyệt.
Đơn cử, tại Hội đồng Giáo sư cơ sở ngành Kinh tế, ứng viên phó giáo sư N.P.T.H., trường Đại học Sài Gòn có tổng số 48 công bố, bài báo khoa học trong nước và quốc tế tính đến thời điểm nộp hồ sơ xét duyệt chức danh.
Trước khi được cấp bằng tiến sĩ năm 2018, ứng viên H. có tất cả 7 bài báo, trong đó 6 bài trong nước và 1 bài quốc tế. Sau khi có bằng tiến sĩ đến tháng 6/2023, ứng viên công bố 41 bài báo, trong đó có 6 bài báo đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế uy tín mà ứng viên này là tác giả chính (năm 2021 - 7 bài, năm 2022 - 13 bài, chỉ riêng tháng 6/2022 có 5 bài xuất bản, 6 tháng đầu năm 2023 có 12 bài).
Cũng trong Hội đồng Giáo sư cơ sở ngành Kinh tế, ứng viên phó giáo sư B.T.H.L., trường Đại học Kinh tế quốc dân có tổng số 50 bài báo, công bố khoa học trong nước và quốc tế. Ứng viên này được cấp bằng tiến sĩ năm 2013. Từ 2013 đến 2020 ứng viên công bố 41 bài trên các tạp chí trong nước, không có công bố quốc tế.
Tháng 9/2020, ứng viên có bài quốc tế đầu tiên sau khi có bằng tiến sĩ. Năm 2021 có 2 bài. Đặc biệt từ tháng 1 đến tháng 6/2023, mỗi tháng ứng viên có 1 bài đăng trên các tạp chí ISI, Scopus. Tất cả đều là tác giả chính.
Ở Hội đồng Giáo sư cơ sở ngành Văn hóa, Nghệ thuật - Thể dục thể thao, ứng viên phó giáo sư N.Đ.T., trường Đại học Công nghệ Đông Á công bố 27 bài báo khoa học, trong đó 4 bài trên tạp chí quốc tế có uy tín và 2 bài trên tạp chí quốc tế ISI, Scopus.
Theo hồ sơ tự khai của ứng viên T., được cấp bằng tiến sĩ năm 2017. Thế nhưng cho đến tận tháng 8/2021, ứng viên mới công bố được 2 bài và tháng 5, 6/2023 công bố 4 bài trên tạp chí quốc tế.
Một trường hợp khác cũng có sự bùng nổ đáng kinh ngạc trong 3 năm cuối, ứng viên P.X.D., trường Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao Hà Nội sở hữu tổng số 39 bài báo, công bố khoa học quốc tế, trong nước.
Ứng viên D. được cấp bằng tiến sĩ năm 2017. Năm 2017 - 2020, ứng viên này công bố nhiều bài báo trong nước nhưng không có bất kỳ bài quốc tế nào. Đến năm 2021 ứng viên công bố quốc tế 4 bài, năm 2022 tăng gấp đôi với 8 bài, năm 2023 công bố 3 bài. Như vậy chỉ trong vòng 3 năm, vị này công bố tổng cộng 15 bài báo quốc tế, trong đó có 12 bài là tác giả chính.
Ở Hội đồng Giáo sư cơ sở ngành Cơ khí - Động lực, ứng viên N.Đ.N., trường Đại học Thủy lợi có tổng số 21 bài báo, công bố khoa học trong nước, quốc tế. Ông được cấp bằng tiến sĩ năm 2011, thế nhưng suốt 9 năm sau đó, không có công bố quốc tế.
Đến năm 2021 ông N công bố bài quốc tế đầu tiên. Năm 2022 số công bố quốc tế tăng vọt lên 10 bài. Sáu tháng đầu năm 2023, ông công bố 4 bài.
Trong danh sách ứng viên xét chức danh phó giáo sư năm nay, ứng viên N.V.T., giảng viên, trưởng khoa một trường đại học tại TP.HCM được cấp bằng tiến sĩ từ 2007. Thế nhưng thống kê trong vòng 13 năm từ năm 2007 đến 2020, ứng viên này chỉ công bố 2 bài trên tạp chí quốc tế, trong đó có 1 bài thuộc Scopus - Q3.
Từ năm 2021 - 2023, số bài công bố trên các tạp chí quốc tế của ứng viên T. tăng vọt. Năm 2021 - 7 bài, năm 2022 - 2 bài, năm 2023 - 1 bài.
Đáng chú ý, trong số 7 bài công bố năm 2021, có 2 bài đăng trên tạp chí mạo danh Turkish Journal of Computer and Mathematics Education (Turcomat). Tạp chí này bị loại khỏi Scopus từ năm 2020 và thông báo ngừng xuất bản bài mới từ năm 2021. Thế nhưng tháng 11/2021, ứng viên T. có 2 bài xuất bản trên tạp chí này và được khai trong hồ sơ đăng ký.
Liệu có bất thường?
Từ năm 2019, khi Quyết định 37 về xét công nhận chức danh GS, PGS của Chính phủ đi vào thực tế, việc hồ sơ khoa học của ứng viên được công khai trên website của Hội đồng Giáo sư Nhà nước đã nhận được sự ủng hộ của dư luận. Từ đó đến nay, mùa xét duyệt nào cũng có ý kiến liên quan bài báo khoa học quốc tế.
PGS Nguyễn Văn Hiếu, trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, việc các ứng viên công bố, đăng tải dồn dập các bài báo khoa học trước ngưỡng thời gian nộp hồ sơ xét duyệt chức danh là điều thường gặp.
"Khi hoàn thành bậc tiến sĩ, không phải ai cũng có nhu cầu phấn đấu để nâng chuẩn lên chức danh phó giáo sư. Sau vài năm, do yêu cầu công việc hoặc nhu cầu cá nhân phải nâng lên phó giáo sư, các tiến sĩ bắt đầu "chạy đua" đăng tải bài báo khoa học trên các tạp chí quốc tế là bình thường", ông Hiếu nói.
Tuy nhiên, khi kiểm chứng cần lưu ý, trong thời gian quá ngắn - 1 tháng, 3 tháng - mà các ứng viên đăng tải hay công bố tới 5 - 6 bài báo khoa học là bất thường, đột biến. Một người làm khoa học chân chính, không thể "đẻ sòn sòn" như vậy, bởi muốn công bố phải đầu tư thời gian nghiên cứu, tìm đọc các tài liệu rất mất thời gian. "Chưa kể đến mức độ uy tín, chất lượng của các tạp chí quốc tế được các ứng viên gửi đăng", vị này nói thêm.
Một thành viên trong Hội đồng Giáo sư ngành Kinh tế cho rằng, danh mục ISI hoặc Scopus cũng chỉ là lưới lọc tương đối, vẫn có thể lọt những tạp chí không đảm bảo chất lượng. Điều này là do gần đây trên thế giới xuất hiện các nhà xuất bản (NXB) và tạp chí rởm (predatory) đồng thời với xu hướng xuất bản mở.
“Xin lưu ý, trong các ngành khoa học nói chung và ngành Kinh tế nói riêng, thông thường phải mất từ nửa năm tới một năm mới có thể bình duyệt và đăng bài 1 bài nghiêm chỉnh. Do đó, với những ứng viên có lượng bài bài quốc tế tăng đột biến, đăng dồn dập trong thời gian ngắn cần xem xét lại về chất lượng bài báo và tạp chí đăng", vị này nhấn mạnh.
Chia sẻ với báo chí, GS.TS Bùi Văn Ga, Phó chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Cơ khí - Động lực, Hội đồng Giáo sư nhà nước cho rằng, công bố quốc tế chỉ là một phần trong số các tiêu chí xét phó giáo sư, giáo sư. Hội đồng giáo sư xét rất kỹ các khía cạnh và tiêu chuẩn chứ không chỉ có công bố quốc tế của ứng viên.
Thực tế có những ứng viên có nhiều công bố quốc tế trong vài năm gần đây. Điều này cũng có thể trước đây họ chưa có đề tài, chưa kết nối được với các đồng nghiệp, cộng sự để thực hiện nghiên cứu. Gần đây họ mới có đề tài, có đủ điều kiện để nghiên cứu và công bố.
Dĩ nhiên họ chỉ có thể đăng ký xét phó giáo sư khi đã có đủ điều kiện, trong đó có công bố quốc tế. Do đó, nói họ công bố quốc tế chỉ để đủ điều kiện quốc tế sẽ phiến diện bởi khi họ có đủ điều kiện thì mới đăng ký và được xét ở hội đồng cơ sở, ông Ga chia sẻ.
Năm 2023, thời gian xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư sẽ kéo dài từ tháng 4 đến tháng 10.
Hội đồng Giáo sư Nhà nước đề nghị các hội đồng giáo sư cơ sở, hội đồng giáo sư ngành, liên ngành, các đại học xem xét kỹ lưỡng về chuyên môn - học thuật, tính liêm chính khoa học.
Hội đồng đề nghị thẩm định kỹ chất lượng tạp chí và chất lượng các công trình khoa học. Lưu ý phát hiện, xem xét và đánh giá các công trình khoa học sử dụng hoặc có sự trợ giúp của các công cụ sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI). Tổ chức thảo luận và có kết luận đánh giá những công trình khoa học này.