Số ca mắc bệnh sởi ở Hà Nội tăng nhanh

Số ca mắc bệnh sởi tại Hà Nội có xu hướng tăng ở cả người lớn và trẻ em.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Hà Nội cho biết tuần qua ghi nhận 44 ca mắc bệnh sởi tại 20 quận, huyện (tăng 19 ca so với tuần trước đó). Cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, Hà Nội ghi nhận 209 ca mắc sởi tại 29 quận, huyện trong khi cùng kỳ năm 2023 không có ca bệnh nào.

Trẻ mắc bệnh sởi do không tiêm đủ vaccine

CDC Hà Nội nhận định số ca mắc bệnh sởi đang có xu hướng tăng nhanh, chủ yếu ở người chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ vaccine. Dự báo thời gian tới tiếp tục có thêm các trường hợp mắc bệnh, đặc biệt ở nhóm trẻ dưới 1 tuổi và trên 5 tuổi.

Có con mắc sởi đang điều trị tại khoa Nhi, Bệnh viện Thanh Nhàn, chị Đinh Thị Phương (quận Hoàng Mai) cho biết: “Con tôi nhập viện trong tình trạng sốt triền miên, cháu sốt đến ngày thứ 5, xuất hiện mẩn đỏ, phát ban khắp người và được xét nghiệm, chẩn đoán mắc bệnh sởi. Khi vào viện, cháu có biến chứng kèm theo là viêm thanh quản".

Cũng theo chị Phương, dù đã tiêm nhiều loại vaccine cho con, nhưng gia đình lại chủ quan bỏ qua mũi sởi.

 Các giường bệnh tại Bệnh viện Thanh Nhàn đều chật kín vì trẻ mắc bệnh sởi nhập viện khá đông. Ảnh: TT

Các giường bệnh tại Bệnh viện Thanh Nhàn đều chật kín vì trẻ mắc bệnh sởi nhập viện khá đông. Ảnh: TT

“Khoảng 1 tháng trở lại đây, bệnh viện tiếp nhận và điều trị gần 40 ca mắc bệnh sởi. Đa số bệnh nhi nhập viện trong tình trạng sốt cao, ho và sổ mũi. Đây cũng là các triệu chứng của viêm đường hô hấp, giống với nhiều bệnh lý khác” - bác sĩ Nghiêm Thị Mai Sang, Trưởng khoa Nhi cho hay.

Cũng theo bác sĩ Sang, số trẻ mắc sởi được ghi nhận chủ yếu ở độ tuổi 4 tháng tuổi đến 8 tuổi. Nhiều trẻ khi vào viện đã bị biến chứng viêm phổi, viêm thanh quản, chưa ghi nhận trường hợp nặng bị viêm não. Nhiều trẻ mắc sởi chưa đến tuổi tiêm vaccine. Một số trẻ tiêm không đầy đủ, bị bỏ sót mũi tiêm.

Bác sĩ Sang cũng lưu ý, đối với việc tiêm vaccine sởi cho trẻ, khi mới tiêm 1 mũi, hiệu lực vaccine đã có thể giảm xuống dưới 80%. Khi tiêm đủ 2 mũi, cơ thể mới sản sinh ra kháng thể đạt 90-95% hiệu lực của vaccine.

Bác sĩ Sang khuyến cáo các gia đình cần chú ý lịch tiêm vaccine sởi và tiêm đủ mũi cho trẻ theo hướng dẫn để trẻ có miễn dịch đầy đủ phòng bệnh.

Người lớn cũng mắc sởi

Trong khi đó, các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai lại cảnh báo tình trạng gia tăng bệnh sởi ở người lớn.

Cụ thể, một bệnh nhân nam, 38 tuổi, ngụ Thanh Hóa, có tiền sử khỏe mạnh, bị sốt nóng liên tục 5 ngày, kèm theo đau họng, viêm đường hô hấp trên.

3 ngày đầu, bệnh nhân xuất hiện ban đỏ ở mặt, sau đó lan ra toàn thân, kèm ngứa ngáy khó chịu, đau bụng, đi ngoài phân lỏng 4-5 lần/ngày.

Bệnh nhân nhập viện điều trị sốt phát ban tại bệnh viện tỉnh nhưng không đỡ, kèm theo ho nhiều, nên đã được chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai.

Không ít người lớn chủ quan cho rằng bệnh sởi chỉ có ở trẻ em nên không đi khám và điều trị. Với phụ nữ có thai, bệnh sởi cũng có tác động xấu đến sức khỏe của mẹ và thai nhi, đặc biệt trong ba tháng đầu thai kỳ.

Tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân có hội chứng phát ban nghi sởi, kèm hội chứng viêm long đường hô hấp trên, khám họng thấy có những chấm trắng vùng niêm mạc má phải, thêm các dấu hiệu mắt đỏ cộm, sưng nề mi mắt.

Kết quả xét nghiệm khẳng định bệnh nhân đã mắc bệnh sởi. Sau 5 ngày được điều trị tích cực, tình trạng bệnh nhân cải thiện, được xuất viện.

 Người lớn mắc bệnh sởi phải nhập viện điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: BVCC

Người lớn mắc bệnh sởi phải nhập viện điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: BVCC

Một trường hợp khác là bệnh nhân nữ, 37 tuổi, ngụ Nam Định, sốt ở nhà 3 ngày kèm phát ban đỏ mọc từ mặt, cổ, sau lan ra toàn thân, đau rát họng, đau bụng, tiêu chảy, khó thở.

Bệnh nhân được đưa đến bệnh viện tỉnh, được chẩn đoán sốt phát ban, giảm bạch cầu, tăng men gan, viêm phổi. Tuy nhiên, tình trạng không cải thiện nên cũng được chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai.

Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh sởi có biến chứng viêm phổi. Sau 3 ngày điều trị, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch.

Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính và nguy hiểm, lây qua đường hô hấp do virus họ Paramyxoviridae gây nên.

Thời gian gần đây, thời tiết ở miền Bắc chuyển mùa, nhiều người lớn mắc sởi nhập viện. Virus sởi rất dễ lây theo đường không khí hoặc giọt bắn, đối tượng dễ mắc bệnh là trẻ em chưa được tiêm phòng hoặc người lớn có lượng kháng thể trong máu suy giảm.

Sởi ở người lớn hay trẻ em đều có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm đường phổi, viêm kết mạc, viêm giác mạc, bội nhiễm gây viêm tai giữa, viêm ruột và các loại nhiễm trùng khác ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

Số ca mắc sởi ở TP.HCM vẫn tiếp tục tăng

Theo báo cáo mới nhất của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), từ đầu năm 2024 đến nay, TP ghi nhận tổng cộng 2.438 ca bệnh sởi. Cạnh đó, số ca bệnh từ các tỉnh khác điều trị tại 4 BV trên địa bàn TP cũng gia tăng với 574 ca, tăng 29,3% so với trung bình 4 tuần trước.

Để ứng phó với dịch sởi, TP.HCM đang triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine sởi đơn cho trẻ từ 6 tháng đến dưới 9 tháng tuổi. Rà soát và triển khai tiêm cho trẻ từ 1 đến 10 tuổi. Đến nay, đa số quận, huyện báo cáo đã hoàn thành trên 100% chỉ tiêu tiêm chủng.

Tuy nhiên, ngành y tế TP khuyến cáo vẫn cần tiếp tục rà soát để đảm bảo không bỏ sót trẻ chưa được tiêm hoặc chưa tiêm đầy đủ. Đối với các bệnh viện và cơ sở khám chữa bệnh, cần tăng cường rà soát, tiến hành tiêm vaccine phòng bệnh sởi cho trẻ thuộc nhóm nguy cơ (bệnh bẩm sinh, bệnh mạn tính…) nếu không có chống chỉ định.

THANH THANH

Nguồn PLO: https://plo.vn/so-ca-mac-benh-soi-o-ha-noi-tang-nhanh-post825195.html