Số ca mắc Covid-19 cao kỷ lục, châu Âu vẫn đặt niềm tin thoát dịch vào Omicron
Trước tốc độ lây lan nhanh biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2, hàng loạt quốc gia châu Âu đã ghi nhận số ca mắc mới Covid-19 cao chưa từng có trong 24 giờ qua.
Ngày 11/1, giới chức Pháp thông báo số ca mắc mới cao nhất trong một ngày kể từ khi đại dịch bùng phát, với 368.149 ca. Theo cơ quan y tế nước này, hiện có tổng cộng 23.371 bệnh nhân Covid-19 nhập viện, trong đó có 3.969 ca phải điều trị tích cực.
Trả lời báo chí trong nước, Bộ trưởng Giáo dục Jean-Michel Blanquer cho biết, hiện có khoảng 10.000 trường học đang phải đóng cửa và khoảng 50.000 ca mắc Covid-19 phát hiện tại các cơ sở giáo dục này.
Thủ tướng Pháp Jean Castex đã thông báo quy định mới bắt buộc các học sinh từng tiếp xúc gần với ca mắc Covid-19 phải tự làm xét nghiệm Covid-19 trước ngày trở lại trường.
Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran cho rằng, còn quá sớm để nhận định, liệu làn sóng lây nhiễm biến thể Omicron tại Pháp hiện nay đã đạt đỉnh hay chưa.
Tại Thổ Nhĩ Kỳ, có tới 74.266 ca mắc mới Covid-19 trong ngày 11/1, mức cao nhất kể từ đầu đại dịch, qua đó nâng tổng số ca mắc bệnh trên cả nước lên 10.117.954 ca.
Bộ Y tế nước này cũng cho biết, có thêm 137 ca không qua khỏi, nâng tổng số ca tử vong vì Covid-19 tăng lên 83.980 ca.
Slovenia cũng ghi nhận số ca mắc mới cao kỷ lục với 5.164 ca, tăng 52% so với một tuần trước đó. Theo Viện Y tế công quốc gia Slovenia, cho đến nay có 67,3% trong tổng số khoảng 2 triệu dân tại nước này đã được tiêm ít nhất 2 mũi vaccine phòng bệnh.
Dịch Covid-19 cũng diễn biến phức tạp tại Serbia với 13.693 ca mắc mới và 22 ca tử vong trong ngày 11/1, cao nhất từ trước tới nay. Hiện tổng số ca mắc tại đây là 1.359.544 ca, trong đó có 12.958 ca tử vong.
Tại Hà Lan, số ca mắc mới Covid-19 đã vượt 200.000 ca trong tuần đầu tiên của tháng 1/2022.
Viện Y tế và môi trường (RIVM) nước này cho biết, với 201.536 ca mắc mới ghi nhận trong các ngày 4-11/1, tổng số ca nhiễm bệnh theo tuần tại đây đã lần đầu tiên vượt ngưỡng 200.000 ca kể từ khi đại dịch bùng phát.
Tỷ lệ ca mắc mới theo tuần tăng 77% so với tuần trước đó. Mức tăng này phù hợp với các dự báo trong bối cảnh biến thể Omicron lây lan nhanh hơn so với các biến thể trước đây.
Dù hàng loạt quốc gia ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 cao kỷ lục, Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) nhận định, sự lây lan của biến thể Omicron đang khiến Covid-19 trở thành bệnh đặc hữu mà con người có thể sống chung.
Phát biểu với báo giới, ông Marco Cavaleri, người phụ trách chiến lược vaccine của EMA, nêu rõ, không ai có thể biết chính xác khi nào đại dịch sẽ kết thúc song ông tin tưởng các nước sẽ tới thời điểm đó.
Theo ông, với số ca lây nhiễm trong cộng đồng ngày một gia tăng và sự xuất hiện của biến thể Omicron, miễn dịch tự nhiên cùng với sự miễn dịch do vaccine tạo ra, sẽ giúp thế giới tiến nhanh hơn tới kịch bản Covid-19 là bệnh đặc hữu.
Tuy nhiên, chuyên gia này cũng nhấn mạnh "chúng ta vẫn ở trong giai đoạn đại dịch", số ca nhiễm mới gia tăng do biến thể Omicron lây lan đang gây áp lực lớn đối với hệ thống y tế.
Trước đó, cùng ngày, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định, hơn 50% dân số châu Âu có thể nhiễm Omicron trong 2 tháng tới, đồng thời cảnh báo việc tiêm nhắc lại các mũi tăng cường vaccine không phải "chiến lược bền vững".
(theo Reuters, AFP)