Số ca mắc COVID-19 có xu hướng giảm tại Bồ Đào Nha
Là quốc gia có tỷ lệ lây nhiễm và tử vong do bệnh viêm đường hô hấp COVID-19 cao nhất thế giới xét theo quy mô dân số trong những tuần gần đây, Bồ Đào Nha đang đón nhận thông tin tích cực khi số ca mắc mới đang có chiều hướng đi xuống.
Phát biểu trước một ủy ban của Nghị viện châu Âu ở Brussels (Bỉ) ngày 4/2, Bộ trưởng Y tế Bồ Đào Nha Marta Temido nêu rõ: "Hiện tại, tỷ lệ các ca mắc mới COVID-19 đang bắt đầu giảm tại Bồ Đào Nha". Bà viện dẫn những số liệu trung bình các ca mắc và tử vong mới đã giảm trong 2 tuần qua, song cảnh báo "vẫn còn những tuần khó khăn ở phía trước".
Theo số liệu do Bộ Y tế Bồ Đào Nha cung cấp, trong 24 giờ qua, quốc gia với 10 triệu dân này ghi nhận 225 ca tử vong mới, mức thấp nhất trong 2 tuần qua. Với gần 8.000 ca mắc mới trong 24 giờ qua, tỷ lệ ca nhiễm mới đang có xu hướng đi xuống sau khi ghi nhận "kỷ lục buồn" với gần 16.500 ca mắc vào ngày 28/1. Số người phải nhập viện từ ngày 4-5/2 cũng giảm xuống còn 6.496 bệnh nhân, trong đó có 863 người phải điều trị tích cực.
* Chính phủ Áo ngày 4/2 đã cảnh báo việc phát hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2 ở Nam Phi tại vùng Tyrol, miền Tây nước này, song không áp dụng phong tỏa khu vực này.
Tới nay, biến thể mới có khả năng lây lan cao này đã được phát hiện trong 75 mẫu xét nghiệm ở Tyrol và các chuyên gia đã cảnh báo về những hậu quả nghiêm trọng nếu biến thể này lan rộng. Phát biểu họp báo, Bộ trưởng Y tế Rudolf Anschober cho biết đã trao đổi với chính quyền khu vực Tyrol và cảm thấy an tâm khi nhà chức trách địa phương đã ý thức được "tình hình nghiêm trọng" hiện nay.
Quan chức này cũng cho biết hiện tại, vùng Tirol sẽ không bị cách ly, thay vào đó sẽ triển khai việc xét nghiệm hàng loạt tại các khu vực nhất định. Nhà chức trách sẽ xem xét dữ liệu vào ngày 7/2 và đưa ra quyết định về các biện pháp bổ sung cần thiết.
Tuy nhiên, đảng Dân chủ Xã hội đối lập (SPOe) đang kêu gọi có biện pháp cứng rắn hơn đối với vùng Tyrol. Nghị sĩ Philip Kucher của SPOe cảnh báo rằng việc đợi đến ngày 7/2 mới đưa ra quyết định không phải là một lựa chọn tốt bởi tình hình tại Tyrol có thể diễn biến xấu đi và có nguy cơ lại dẫn tới thảm họa.
Tyrol cũng đang là tâm điểm thu hút sự chú ý của dư luận Áo trong thời gian gần đây vì quyết định gây tranh cãi duy trì hoạt động hệ thống cáp treo ở các khu trượt tuyết bất chấp nước này áp đặt lệnh phong tỏa lần 3.
Vùng đồi núi Tyrol là nơi tập trung nhiều khu nghỉ dưỡng trượt tuyết và ngành du lịch là trụ cột chính của kinh tế địa phương. Trong khi chính quyền trung ương khẳng định nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 từ các môn thể thao ngoài trời là thấp và chỉ công dân Áo mới được sử dụng cáp treo, vẫn còn những tin đồn người nước ngoài trốn tránh các quy định đi lại để tới Tyrol.
Bất chấp lệnh phong tỏa kéo dài hơn 1 tháng được áp đặt tại Áo, số ca mắc COVID-19 vẫn ở mức cao, vào khoảng 1.500 ca/ngày. Tuy nhiên, lệnh phong tỏa sẽ được nới lỏng một phần từ ngày 8/2, theo đó các trường học, cửa hàng và bảo tàng được phép mở cửa trở lại.
* Tờ The Guardian của Anh ngày 3/2 cho rằng Mỹ đã thất bại trong việc phát triển một hệ thống giám sát cho phép các nhà nghiên cứu theo dõi các biến thể nguy hiểm của virus SARS-CoV-2.
Theo bài báo trên, để phát hiện ra các biến thể nguy hiểm của virus SARS-CoV-2, giống như các biến thể dễ lây truyền được xác định lần đầu tiên ở Anh và ở Nam Phi, việc nghiên cứu là rất cần thiết. Tuy nhiên, đến tận ngày 29/1, Mỹ mới chỉ lập kế hoạch và chia sẻ giải trình tự gene của 0,3% số ca mắc COVID-19 ở nước này, xếp thứ 30 trên thế giới.
Mỹ hiện vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của đại dịch COVID-19 trên thế giới với hơn 446.800 ca tử vong trong tổng số hơn 27,2 triệu ca nhiễm.