Số ca mắc COVID-19 tại nhiều nước vẫn tăng mạnh

Malaysia ngày 2/10 thông báo 287 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 gây bênh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trong 24 giờ qua. Đây là ngày có số ca nhiễm mới cao nhất kể từ khi nước này bắt đầu truy vết tiếp xúc dịch bệnh.

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 ở Kuala Lumpur, Malaysia. Ảnh: THX/TTXVN

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 ở Kuala Lumpur, Malaysia. Ảnh: THX/TTXVN

Như vậy, cho đến nay, Malaysia có tổng cộng 11.771 ca mắc COVID-19, trong đó có 136 ca tử vong.

* Bộ Y tế Philippines cùng ngày xác nhận 2.611 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 và 56 ca tử vong do mắc bệnh COVID-19 trong 24 giờ qua. Như vậy, nước này có tổng số 316.678 ca nhiễm 0 cao nhất tại Đông Nam Á và số ca tử vong là 5.616.

* Indonesia cũng thông báo 4.317 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 trong 24 giờ qua, đưa tổng số ca nhiễm tại nước này lên 295.499. Nước này cũng thông báo thêm 116 ca tử vong, đưa tổng số trường hợp không qua khỏi vì bệnh COVID-19 lên 10.972.

* Tunisia ngày 2/10 thông báo có tới 1.308 ca mắc COVID-19 được ghi nhận trong ngày 30/8, mức cao nhất kể từ khi bắt đầu xuất hiện dịch bệnh tại nước này, buộc chính phủ phải áp đặt lệnh giới nghiêm tại 2 tỉnh. Tổng số ca nhiễm tại Tunisia đã tăng lên gần 20.000 so với con số 1.000 ca trước khi nước này mở cửa biên giới ngày 27/6. Tổng số ca tử vong cũng lên tới 271 trường hợp.

Chính quyền Tunisia áp đặt lệnh giới nghiêm vào ban đêm tại Sousse và Monastir, 2 tỉnh ven biển để hạn chế sự gia tăng số ca nhiễm trong bối cảnh các bệnh viện lo ngại không đủ khả năng đối phó với số bệnh nhân tăng cao do thiếu giường chăm sóc đặc biệt.

Thủ tướng Hichem Mechichi tuyên bố ông không thể tái áp đặt lệnh phong tỏa toàn bộ đất nước do sự suy giảm kinh tế chưa từng có kể từ khi ban bố lệnh đóng cửa lần đầu bắt đầu hồi tháng 3.
Nền kinh tế phụ thuộc vào du lịch của Tunisia đã suy giảm 21,6% trong quý II năm 2020 so với cùng kỳ năm 2019 do dịch bệnh và các biện pháp phòng chống dịch.

* Tại Italy, việc đeo khẩu trang cả ngày khi đi ra khỏi nhà tại thủ đô Rome và khu vực Lazio đã trở thành quy định bắt buộc theo quyết định mới của chính quyền địa phương ngày 2/10, nhằm ngăn chặn số ca nhiễm gia tăng trở lại.

Sinh viên đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại trường học ở Rome, Italy. Ảnh: AFP/TTXVN

Sinh viên đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại trường học ở Rome, Italy. Ảnh: AFP/TTXVN

Italy ngày 1/10 ghi nhận hơn 2.000 ca nhiễm mới lần đầu tiên kể từ cuối tháng 4. Lazio có phát hiện 265 ca nhiễm mới.

Giám đốc Sở Y tế Lazio Alessio D'Amato cho biết:"Phần lớn ca nhiễm mới là do không tuân thủ việc đeo khẩu trang và giãn cách xã hội".

Số ca nhiễm mới đang tăng dần trong 2 tháng qua nhưng thực tế Italy vẫn ghi nhận số ca nhiễm mới trong ngày cao hơn các nước châu Âu khác và cùng với Pháp, Tây Ban Nha và Anh cả 3 đều ghi nhận hàng nghìn ca nhiễm mới mỗi ngày.

* Tại Pháp, Bộ trưởng Y tế Olivier Veran thông báo Chính phủ Pháp có thể đặt thủ đô Paris động dịch COVID-19 ở mức cao nhất từ ngày 5/10, đồng thời có thể yêu cầu tất cả quán rượu đóng cửa và áp đặt các hạn chế mới trong bối cảnh số ca nhiễm mới COVID-19 tăng trở lại.

Điều này sẽ có nghĩa với việc người dân Paris và vùng ngoài ô sẽ phải hạn chế tương tác xã hội, không có những buổi tập trung gia đình, không có những buổi chơi tối bên ngoài và toàn bộ các quán rượu phải đóng cửa.

5 thành phố khác gồm Lille, Lyon, Grenoble, Toulouse và Saint-Etienne có thể cũng sẽ bị đặt trong tình trạng báo động tối đa vào tuần tới.

Chính phủ Pháp tuyên bố sẽ áp dụng mọi biện pháp phòng ngừa để tránh phải tái áp đặt tình trạng khẩn cấp như thời đỉnh cao của dịch từ giữa tháng 3 đến giữa tháng 5. Theo giới chức y tế, số ca nhiễm trên mỗi 100.000 dân tại Paris đã tăng lên 259,6 - vượt mức báo động là 250.

Bộ trưởng Y tế Olivier Veran cho biết 30-35% số giường chăm sóc đặc biệt đang được sử dụng cho bệnh nhân COVID-19 tại Paris và các khu vực lân cận, lại cao hơn mức báo động 30%.

Theo Bộ Y tế Pháp, với 63 ca tử vong mới được ghi nhận trong ngày 1/10, tổng số ca tử vong tại Pháp do dịch bệnh COVID-19 đã lên tới 32.019.

* Tại Tây Ban Nha, chính quyền khu vực thủ đô Madrid cho biết trong những giờ tới sẽ công bố sắc lệnh đặt thủ đô Tây Ban Nha và 9 thành phố xung quanh vào diện đóng cửa một phần và cấm di chuyển không cần thiết đến và đi khỏi thành phố để ngăn chặn sự gia tăng mạnh số ca nhiễm mới COVID-19.

Với tỷ lệ 859 ca nhiễm trên 100.000 dân, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khu vực Madrid là điểm nóng nhất về COVID-19 ở châu Âu.

Với các hạn chế mới, 4,8 triệu người dân tại Madrid và 9 thành phố lân cận sẽ không được di chuyển ra ngoài thành phố. Họ chỉ được phép ra ngoài làm việc, đi học, khám bệnh hoặc mua hàng. Các quán rượu và nhà hàng sẽ phải đóng cửa từ 11h đêm thay vì từ 1 giờ sáng.

Thúc Anh (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/so-ca-mac-covid19-tai-nhieu-nuoc-van-tang-manh-20201002200436633.htm