Số ca mắc COVID-19 toàn thế giới vượt mốc 56 triệu

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h00 ngày 18/11 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 56.111.415 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 1.346.693 ca tử vong. Số ca được điều trị khỏi bệnh là 39.101.709 người.

Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Washington, D.C., Mỹ, ngày 13/11/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Washington, D.C., Mỹ, ngày 13/11/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 254.315 ca tử vong trong tổng số 11.698.280 ca mắc. Đứng thứ hai thế giới là Ấn Độ với 8.923.445 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 131.114 ca tử vong. Brazil đứng thứ 3 thế giới với 5.911.758 ca mắc và 166.743 ca tử vong. Đứng thứ 4 là Pháp 2.036.755 ca mắc và 46.237 ca tử vong. Đứng thứ 5 là Nga với 1.991.998 ca mắc và 34.387 ca tử vong do COVID-19.

Tại "điểm nóng" châu Âu, Pháp đã trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên vượt mốc 2 triệu ca mắc COVID-19, cho dù đợt phong tỏa toàn quốc lần hai từ ngày 30/10 đã phần nào hạn chế được tốc độ lây nhiễm. Tính đến thời điểm hiện tại, Pháp đứng thứ 4 thế giới về số ca mắc COVID-19 (sau Mỹ, Ấn Độ và Brazil) và đứng thứ 3 ở châu Âu về số ca tử vong (sau Anh và Italy).

Anh cũng ghi nhận số ca tử vong theo ngày cao nhất kể từ ngày 5/6. Theo số liệu thống kê chính thức của Bộ Y tế Anh, số ca tử vong tại nước này trong 24 giờ qua tăng cao kỷ lục - 598 ca, nâng tổng số ca tử vong lên 52.745 trong tổng số 1.410.732 bệnh nhân. Anh trở thành nước đứng thứ 5 thế giới về số ca tử vong do COVID-19.

Trong vòng 24 giờ qua, Nga cũng có 20.985 ca nhiễm mới và 456 ca tử vong do COVID-19. Đây là ngày có số ca tử vong cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại nước này.

Ba Lan cùng ngày cũng ghi nhận số ca tử vong trong vòng một ngày ở mức cao kỷ lục với 603 ca. Số ca mắc mới trong vòng 24 giờ qua tại Ba Lan cũng tăng thêm 19.883 ca.

Bộ Y tế Ukraine cũng thông báo trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 256 ca tử vong, con số cao nhất kể từ khi dịch bùng phát, nâng tổng số ca mắc không qua khỏi tại nước này lên 10.112 ca. Cũng trong 24 giờ qua, Ukraine ghi nhận thêm 12.496 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc lên 570.153 ca.

Thụy Điển cũng thông báo 96 ca tử vong mới trong vòng 24 giờ qua, mức cao nhất trong vòng 3 tháng qua, nâng tổng số lên 6.321 ca.

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện ở ngoại ô Moskva, Nga. Ảnh: THX/TTXVN

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện ở ngoại ô Moskva, Nga. Ảnh: THX/TTXVN

Hungary đã quyết định gia hạn tình trạng khẩn cấp đến tháng 2/2021 nhằm ngăn chặn dịch bệnh, trong đó áp đặt lệnh giới nghiêm từ 20h tối hôm trước đến 5h sáng hôm sau, cấm tập trung đông người, bắt buộc đeo khẩu trang nơi công cộng, và triển khai học trực tuyến cho các trường trung học và đại học. Theo Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh châu Âu (ECDC), tỷ lệ tử vong do COVID-19 trung bình trong vòng 7 ngày, tính đến ngày 18/11, tại Hungary hiện cao thứ 4 ở châu Âu, sau CH Séc, Bỉ và Bulgaria. Ngày 18/11, Hungary ghi nhận trên 4.200 ca nhiễm mới.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cũng ban bố lệnh giới nghiêm vào cuối tuần, đồng thời yêu cầu các nhà hàng chuyển sang dịch vụ giao đồ ăn trong bối cảnh số ca nhiễm và tử vong do COVID-19 gia tăng. Lệnh giới nghiêm sẽ có hiệu lực từ 20h tối hôm trước đến 10h sáng hôm sau và bắt đầu vào cuối tuần này.

Tại châu Á, Nhật Bản và Hàn Quốc đối mặt với làn sóng lây nhiễm mới trên diện rộng. Giới chức y tế Nhật Bản đã xác nhận thêm 1.699 ca nhiễm mới COVID-19 trên toàn quốc, đáng chú ý, có tới 6 trên tổng số 47 tỉnh, thành ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất từ trước tới nay. Trong đó, thủ đô Tokyo cùng ngày công bố 493 ca mắc mới, số ca mắc trong ngày cao nhất kể từ khi dịch bùng phát, nâng tổng cộng lên hơn 35.000 ca mắc. Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp ở thủ đô Tokyo, chính quyền thành phố này đang cân nhắc khả năng nâng mức cảnh báo về dịch bệnh lên mức cao nhất.

Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cho biết nước này đã ghi nhận thêm 313 ca mắc mới, trong đó 245 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca nhiễm trong nước lên 29.311 ca. Đây là lần đầu tiên kể từ ngày 29/8, số ca nhiễm mới tại nước này vượt mức 300 ca/ngày và là ngày thứ 4 liên tiếp số ca nhiễm mới tăng trên 200 ca/ngày.

Trung Quốc xác nhận thêm 2 ca mắc cộng đồng tại thành phố Thiên Tân, miền Bắc Trung Quốc . Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh thành phố cho biết cả hai người nói trên làm việc tại một trung tâm logistics ở khu mới Tân Hải. Hai người này là đồng nghiệp và bạn cùng phòng với một ca mắc COVID-19 không có triệu chứng được ghi nhận trước đó. Sau khi được xác định là tiếp xúc gần với ca mắc không triệu chứng, hai người trên có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 trong thời gian giám sát cách ly y tế.

Cảnh vắng vẻ trên đường phố tại Phuket, Thái Lan trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng. Ảnh: THX/TTXVN

Cảnh vắng vẻ trên đường phố tại Phuket, Thái Lan trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng. Ảnh: THX/TTXVN

Trung tâm Xử lý Tình hình COVID-19 (CCSA) Thái Lan ngày 18/11 đã quyết định gia hạn sắc lệnh khẩn cấp thêm 45 ngày, từ ngày 1/12/2020 đến 15/1/2021, nhằm kiềm chế dịch bệnh. Theo người phát ngôn CCSA Kaweesi Visanuyothin, CCSA cũng quyết định về nguyên tắc giảm thời gian cách ly từ 14 ngày xuống 10 ngày.

Tại châu Mỹ, Thủ tướng Canada Justin Trudeau cảnh báo tình hình dịch bệnh ở quốc gia Bắc Mỹ này vẫn “nghiêm trọng”, đòi hỏi người dân cần nỗ lực thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho tới khi có vaccine phòng bệnh. Số liệu thống kê mới nhất cho thấy số ca nhiễm mới tiếp tục tăng với tốc độ đáng báo động ở nhiều khu vực tại Canada, cho dù các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn đã được áp dụng. Tính đến trưa 17/11 (giờ địa phương), Canada có 304.477 ca nhiễm, trong đó có 11.063 ca tử vong.

Chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện ở Toronto, Canada, ngày 16/11/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện ở Toronto, Canada, ngày 16/11/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Về việc phát triển vaccine, Công ty công nghệ sinh học Pfizer của Mỹ cho biết kết quả thử nghiệm cuối cùng loại vaccine phòng ngừa COVID-19 của hãng này cho thấy hiệu quả đến 95% mà không cho thấy tác dụng phụ nghiêm trọng nào.

Trong khi đó, Tây Ban Nha đã cho phép tiến hành giai đoạn thử nghiệm cuối cùng đối với vaccine phòng dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do hãng Johnson & Johnson của Mỹ nghiên cứu và phát triển.

Cơ quan Y khoa quốc gia của Tây Ban Nha cho biết việc thử nghiệm giai đoạn 3 đối với vaccine phòng COVID-19 của Johnson & Johnson sẽ được thực hiện trên 30.000 tình nguyện viên tại Bỉ, Colombia, Pháp, Đức, Nam Phi, Tây Ban Nha, Anh, Mỹ và Philippines. 22% các tình nguyện viên trên gồm những người ở độ tuổi dưới 40 và 30% ở độ tuổi trên 60. Họ sẽ được tiêm một liều vaccine thử nghiệm có tên Ad26.COV2.S hoặc giả dược. Tại Tây Ban Nha, chương trình này sẽ được tiến hành tại 9 bệnh viện trên khắp cả nước đối với các tình nguyện viên có lẫn không có các bệnh lý nền.

Theo nguyên tắc của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), một "ứng cử viên" vaccine phải hoàn tất 3 giai đoạn thử nghiệm lâm sàng mới được phép sản xuất đại trà. Các cuộc thử nghiệm giai đoạn 3 có quy mô lớn nhất. Một vaccine được đánh giá sẵn sàng bước vào giai đoạn sản xuất hàng loạt một khi vượt qua được giai đoạn thử nghiệm cuối cùng với độ an toàn và hiệu quả được chứng minh rõ rệt.

Trần Quyên (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/so-ca-mac-covid19-toan-the-gioi-vuot-moc-56-trieu-20201118222412980.htm