Số ca mắc đậu mùa khỉ tăng gấp 3 chỉ sau một tuần

Số ca mắc bệnh đậu mùa khỉ đã tăng lên gần 1.000 trường hợp. Ngày càng nhiều quốc gia báo cáo về các ca nghi ngờ nhiễm loại virus này.

Tính đến ngày 5/6, theo trang theo dõi bệnh đậu mùa khỉ toàn cầu Global Health, ít nhất 30 quốc gia đã báo cáo về 933 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ. Nhiều nước cũng báo cáo về 68 ca nghi ngờ đang chờ xác minh.

Tốc độ lây nhiễm nhanh

Vương Quốc Anh là đất nước phát hiện nhiều ca bệnh nhất với 277 trường hợp. Bên cạnh đó, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha cũng lần lượt ghi nhận 189 và 143 ca bệnh.

Ngoài ra, theo các truyền thông địa phương, tại châu Á, Campuchia và Thái Lan cũng đã phát hiện trường hợp mắc, nghi mắc. Tuy nhiên, những ca bệnh này chưa được báo cáo tại đây.

Trong khi đó theo India Express, cơ quan y tế thành phố Ghaziabad, bang Uttar Pradesh, Ấn Độ, ngày 4/6 phát hiện một ca nghi mắc đậu mùa khỉ là em bé 5 tuổi. Đây là ca nghi mắc căn bệnh này đầu tiên là trẻ em.

Theo các quan chức y tế, em bé này được đưa đến một phòng khám tai mũi họng để kiểm tra thính giác vào ngày 23/5. Bác sĩ khám cho em phát hiện trẻ bị phát ban, ngứa trên da. Đội phản ứng nhanh ngay lập tức lấy mẫu xét nghiệm máu nhằm xác nhận liệu em có phải đã nhiễm virus đậu mùa khỉ đang lây lan hay không.

Theo kết quả kiểm tra sơ bộ, em bé này không bị sốt hay đau đầu, không có tiền sử du lịch nước ngoài hay tiếp xúc ca nghi nhiễm, người đã đi du lịch trong vòng một tháng qua. Gia đình của trẻ đã cách ly em cho đến khi có kết quả chính xác. Giới chức y tế cũng theo dõi chặt các triệu chứng để đưa ra phương án xử lý tiếp theo.

 Các vết phát ban mưng mủ, sưng hạch bạch huyết là dấu hiệu đặc trưng của người mắc bệnh đậu mùa khỉ. Ảnh: Shutter Stock.

Các vết phát ban mưng mủ, sưng hạch bạch huyết là dấu hiệu đặc trưng của người mắc bệnh đậu mùa khỉ. Ảnh: Shutter Stock.

Trước đó, ngày 3/6, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết báo cáo trên toàn cầu đã ghi nhận hơn 700 ca mắc đậu mùa khỉ, theo AFP. Trong đó, tính riêng tại Mỹ, giới chức y tế đã phát hiện 21 ca.

Như vậy, chỉ sau chưa đầy một tuần, số ca mắc đậu mùa khỉ đã tăng gấp 3 trên toàn cầu. Trong bản báo cáo công bố ngày 29/5, Tổ chức Y tế Thế giới cho hay đã nhận được thông tin của 257 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ và khoảng 120 trường hợp nghi ngờ tại 23 quốc gia ngoài châu Phi.

Mỹ tích trữ vaccine

Theo báo cáo mới của CDC, 16/17 ca mắc đậu mùa khỉ đầu tiên ở Mỹ là nam giới có quan hệ tình dục đồng tính. Ngoài ra, 14 bệnh nhân có tiền sử đi du lịch ở nước ngoài. Tất cả bệnh nhân đang trong giai đoạn hồi phục hoặc đã khỏi bệnh. Không có ca nào tử vong vì bệnh đậu mùa khỉ.

TS Jennifer McQuiston, Phó Giám đốc Bộ phận Bệnh học và Tác nhân Hậu quả cao của CDC, trả lời trong họp báo: “Một số trường hợp ở Mỹ mà chúng tôi biết có liên quan những ca bệnh trước đó. Ít nhất một người không có tiền sử du lịch quốc tế hoặc không biết vì sao bản thân bị lây nhiễm virus”.

Đậu mùa khỉ là bệnh hiếm gặp, ít nghiêm trọng như đậu mùa, thường gây phát ban lan rộng, sốt, ớn lạnh và đau nhức, cùng một số triệu chứng khác. Virus gây bệnh thường chỉ giới hạn ở Tây và Trung Phi. Tuy nhiên, từ tháng 5, các ca bệnh bất ngờ được báo cáo nhiều ở châu Âu và hàng loạt quốc gia phát hiện cụm dịch.

Đợt bùng phát mới có thể liên quan các lễ hội đồng tính đặc biệt ở châu Âu, song, nó không được xếp vào nhóm bệnh lây truyền qua đường tình dục. Yếu tố nguy cơ chính là tiếp xúc da kề da với người bị bệnh đậu mùa khỉ. Người bệnh ở giai đoạn phát tán virus là khi các vết phát ban loét ra, kết thúc vào lúc những tổn thương này đóng vảy và bong ra.

TS Raj Panjabi, Giám đốc cấp cao phụ trách an ninh y tế toàn cầu và bộ phận an toàn sinh học của Nhà Trắng, tiết lộ 1.200 liều vaccine và 100 gói điều trị đã được chuyển đến các bang ở Mỹ. Đây là những người báo cáo ca mắc, nghi mắc hoặc tiếp xúc gần nguồn lây.

Mỹ hiện sử dụng hai loại vaccine là ACAM2000 và JYNNEOS, ban đầu được phát triển để chống lại bệnh đậu mùa. Mặc dù bệnh đậu mùa đã được loại bỏ, Mỹ vẫn giữ những vaccine này trong kho dự trữ quốc gia chiến lược. Trong đó, JYNNEOS được đánh giá là loại hiện đại hơn, ít tác dụng phụ hơn.

Vào cuối tháng 5, CDC tiết lộ họ đã có sẵn 100 triệu liều ACAM200 và 1.000 liều JYNNEOS. Chỉ sau vài ngày, con số này đã tăng lên nhưng không được tiết lộ chính xác là bao nhiêu.

CDC cũng đã cấp phép cho hai loại thuốc kháng virus được sử dụng để điều trị bệnh đậu mùa. Đó là TPOXX và Cidofovir, tận dụng để điều trị bệnh đậu mùa ở khỉ.

Thiên Nhan

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/so-ca-mac-dau-mua-khi-tang-gap-3-chi-sau-mot-tuan-post1323607.html