Số ca mắc sởi tăng nhanh, 7 yếu tố nguy cơ khiến bệnh diễn tiến nặng
Trong 3 tháng đầu năm 2025, cả nước đã ghi nhận trên 42.500 ca nghi sởi, với nhiều ca tử vong liên quan đến sởi.
Theo Bộ Y tế, trong 3 tháng đầu năm 2025, cả nước đã ghi nhận trên 42.500 ca nghi sởi, với nhiều ca tử vong liên quan đến sởi. Đa số trường hợp mắc sởi ở nhóm trẻ em từ 9 tháng tuổi đến dưới 15 tuổi (chiếm 72,7%).
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, từ đầu năm 2025 tới nay đã tiếp nhận điều trị hơn 2.700 trẻ nhỏ mắc sởi, tăng hơn 2 lần so với số ca sởi của cả năm 2024. Hiện trung bình mỗi ngày bệnh viện khám, sàng lọc từ 70-90 trẻ mắc sởi, cao điểm có ngày hơn 100 trẻ.
Tại Hà Nội, tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố, trong tuần qua (từ ngày 21-3 đến ngày 28-3), toàn thành phố ghi nhận 189 trường hợp mắc sởi tại 28 quận, huyện (tăng 7 ca so với tuần trước đó).

(Ảnh minh họa).
Cộng dồn từ đầu năm 2025 đến nay, Hà Nội ghi nhận 1.247 trường hợp mắc sởi tại 30/30 quận, huyện, thị xã và 1 tử vong; trong khi cùng kỳ năm 2024 không ghi nhận ca bệnh.
Theo nhận định của CDC Hà Nội, số ca mắc sởi trong tuần qua tiếp tục tăng so với tuần trước, chủ yếu ở người chưa được tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng đầy đủ. Dự báo, trong thời gian tới sẽ tiếp tục ghi nhận ca bệnh.
Theo hướng dẫn mới nhất chẩn đoán, điều trị bệnh sởi, Bộ Y tế nêu rõ: bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây lan mạnh do virus sởi gây ra, bệnh có thể gây các biến chứng nặng dẫn đến tử vong, bệnh thường gặp ở trẻ dưới 3 tuổi, người lớn chưa tiêm hoặc tiêm phòng không đầy đủ cũng có nguy cơ mắc.
Sởi lây qua đường không khí, giọt bắn hoặc tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết hô hấp. Các triệu chứng điển hình bao gồm sốt, viêm long đường hô hấp, viêm kết mạc và phát ban. Bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, viêm não, viêm tai giữa, viêm loét giác mạc hoặc tiêu chảy, thậm chí tử vong.
Chẩn đoán bệnh sởi thường dựa vào xét nghiệm kháng thể IgM, trong đó 50-70% trường hợp dương tính ngay từ ngày đầu phát ban và đạt 100% sau 3 ngày phát ban.
Diễn biến lâm sàng thể điển hình của sởi thể hiện qua 4 giai đoạn:
- Giai đoạn ủ bệnh: từ 7 đến 21 ngày (trung bình 10 ngày), triệu chứng xuất hiện sau khi phơi nhiễm 10-14 ngày;
- Giai đoạn khởi phát (giai đoạn viêm long): trong 2 - 4 ngày. Trong giai đoạn này người bệnh sốt cao, viêm long đường hô hấp trên (ho, chảy mũi) và viêm kết mạc. Có thể thấy hạt Koplik là các hạt nhỏ có kích thước 0,5 - 1 mm màu trắng/xám có quầng ban đỏ nổi gồ lên trên bề mặt niêm mạc má (phía trong miệng, ngang răng hàm trên). Hạt Koplik thường xuất hiện một ngày trước phát ban và tồn tại 2 - 3 ngàysau khi ban xuất hiện;
- Giai đoạn toàn phát: Kéo dài 2 - 5 ngày. Thường sau khi sốt cao 3 - 4 ngày người bệnh bắt đầu phát ban dạng dát sẩn, khi căng da thì ban biến mất, xuất hiện từ sau tai, sau gáy, trán, mặt, cổ dần lan đến thân mình và tứ chi, cả ở lòng bàn tay và ganbàn chân. Ban có thể hợp lại đặc biệt là ở vùng mặt và thân mình. Khi ban mọc hết toàn thân thì thân nhiệt giảm dần;
- Giai đoạn hồi phục: Ban nhạt màu dần rồi sang màu xám, bong vảy phấn sẫm màu,để lại vết thâm vằn da hổ và biến mất theo thứ tự như khi xuất hiện. Nếu không xuất hiện biến chứng thì bệnh tự khỏi. Có thể có ho kéo dài 1 - 2 tuần sau khi hết ban.
7 yếu tố nguy cơ khiến bệnh sởi diễn tiến nặng:
- Trẻ dưới 12 tháng tuổi;
- Người chưa tiêm phòng vaccne hoặc tiêm không đầy đủ;
- Suy giảm miễn dịch bẩm sinh hoặc mắc phải;
- Bệnh nền nặng;
- Suy dinh dưỡng nặng;
- Thiếu vitamin A;
- Phụ nữ mang thai.