Số ca mắc sởi trên toàn quốc giảm 8,8%

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, trong tuần 16 (từ ngày 12-4 đến 17-4), cả nước ghi nhận 4.122 trường hợp nghi sởi, giảm 8,8% so với tuần trước (4.519 trường hợp); 2 trường hợp tử vong liên quan đến sởi, trong đó có một trường hợp đang điều trị ung thư, có nhiều bệnh nền và một trường hợp trẻ nhập viện muộn sau 3 ngày.Tính từ đầu năm 2025 đến nay, cả nước ghi nhận rải rác 76.312 trường hợp nghi sởi tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó có 8.614 trường hợp dương tính.Theo Bộ Y tế, số ca mắc sởi có xu hướng giảm trong mấy tuần gần đây. Độ tuổi mắc bệnh đã bắt đầu có sự thay đổi theo nhóm tuổi sau thời điểm hạn kết thúc chiến dịch tiêm vaccine phòng, chống bệnh sởi. So với 3 tháng đầu năm 2025, nhóm từ trên 1 tuổi đến 10 tuổi (chiếm 61,4%) đã giảm 6%; giảm nhẹ ở nhóm dưới 1 tuổi (chiếm 2,7%), giảm 0,4% (bao gồm cả nhóm trẻ dưới 6 tháng tuổi không có chỉ định tiêm vaccine sởi); nhóm trên 10 tuổi (chiếm 35,9%) tăng 6,4% (nhóm trên 10 tuổi: 11-15 tuổi chiếm 19,2%, và nhóm trên 16 tuổi chiếm 16,7%).

Tiêm vaccine phòng bệnh sởi cho trẻ em. Ảnh. Phong Lan

Tiêm vaccine phòng bệnh sởi cho trẻ em. Ảnh. Phong Lan

Tính đến hết ngày 17-4, 52/54 tỉnh đạt tỷ lệ tiêm vaccine trên 95% (đạt chỉ tiêu theo kế hoạch); 2/54 tỉnh tỷ lệ tiêm cao từ 90 đến 95%.

Trước tình hình diễn biến phức tạp của bệnh sởi, ngành y tế đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt. Bộ Y tế đã có công văn gửi Viện Vệ dịch tễ/Pasteur và Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc rà soát, đề xuất đăng ký đối tượng tiêm vaccine phòng, chống bệnh sởi; phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng, chống dịch sởi năm 2025 đợt 3, đồng thời chỉ đạo các cơ sở y tế tăng cường công tác khám, chữa bệnh và kiểm soát lây nhiễm.

Mặc dù tình hình dịch bệnh sởi có dấu hiệu thuyên giảm, ngành y tế vẫn nhận định còn nhiều thách thức. Một số địa phương chưa đạt tỷ lệ tiêm chủng cao (trên 95%) do khó khăn trong việc tiếp cận đối tượng, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa và đô thị lớn. Nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, dẫn đến tâm lý e ngại tiêm vaccine. Thêm vào đó, số lượng cán bộ y tế cơ sở còn mỏng, gây khó khăn cho công tác triển khai.

Để ứng phó hiệu quả, Bộ Y tế chỉ đạo Sở Y tế các tỉnh, thành phố tăng cường truyền thông về tình hình dịch và khuyến cáo phòng bệnh; rà soát lại đối tượng trẻ từ 11 đến 15 tuổi chưa tiêm chủng/chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine chứa thành phần sởi ở tất cả các tỉnh, thành phố và không rõ tiền sử tiêm chủng; chưa từng bị sởi, có nguyện vọng tiêm vaccine có thành phần sởi bảo đảm chính xác, trong đó nêu rõ số đối tượng ở những khu vực có nguy cơ cao.

Các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur hướng dẫn các tỉnh, thành phố rà soát, thống kê lại số đối tượng thuộc nhóm từ 11 đến 15 tuổi, trong đó nêu rõ số đối tượng ở những vùng nguy cơ cao; phối hợp tổ chức triển khai kế hoạch chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng, chống dịch sởi năm 2025 đợt 3.

Các cơ sở khám, chữa bệnh cần thực hiện tốt việc phân luồng, thu dung, điều trị bệnh nhân và kiểm soát lây nhiễm. Cuối cùng, các cơ sở y tế phải bảo đảm báo cáo đầy đủ, kịp thời các trường hợp mắc bệnh theo quy định.

(Theo qdnd.vn)

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/suc-khoe-y-te/202504/so-ca-mac-soi-tren-toan-quoc-giam-88-1040341/