Ông Nguyễn Thanh Nghị: TP.HCM phát huy tinh thần sáng tạo 'một ngày bằng 20 năm'

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thanh Nghị nhìn nhận trải qua 50 năm, TP.HCM phát huy tinh thần tiến công 'một ngày bằng 20 năm', năng động, sáng tạo, dám làm, dám chịu trách nhiệm để xây dựng TP trở thành đô thị toàn cầu.

Sáng 20-4, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương - Bộ Công an, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Thành ủy TP.HCM, tổ chức hội thảo khoa học cấp quốc gia "Đại thắng mùa Xuân 1975 với kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc Việt Nam".

 Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, trao đổi với nguyên Phó Bí thư thường trực Thành ủy, nguyên Phó Chủ tịch HĐND TP.HCM Phạm Chánh Trực tại hội thảo. Ảnh: THUẬN VĂN

Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, trao đổi với nguyên Phó Bí thư thường trực Thành ủy, nguyên Phó Chủ tịch HĐND TP.HCM Phạm Chánh Trực tại hội thảo. Ảnh: THUẬN VĂN

Xé rào bung ra, khôi phục sản xuất

Phát biểu tại đây, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thanh Nghị cho biết phát huy giá trị tinh thần của Đại thắng Mùa xuân 1975, trải qua 50 năm xây dựng, bảo vệ và phát triển, Đảng bộ và nhân dân TP.HCM đã phát huy tinh thần tiến công “một ngày bằng 20 năm”, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, tạo ra những dấu ấn lịch sử quan trọng, góp thêm tư liệu thực tiễn sinh động vào công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.

Theo ông Nguyễn Thanh Nghị, những dấu ấn đó thể hiện trước tiên là việc TP nhanh chóng ổn định tình hình chính trị - xã hội, giữ vững chính quyền cách mạng những năm đầu sau giải phóng.

TP Sài Gòn - Gia Định năm đầu sau giải phóng phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thách thức. Nhiệm vụ quan trọng nhất của TP lúc này là phải nhanh chóng ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội, đưa cuộc sống của nhân dân sớm trở lại hoạt động bình thường.

 Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thanh Nghị phát biểu tại hội thảo. Ảnh: THUẬN VĂN

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thanh Nghị phát biểu tại hội thảo. Ảnh: THUẬN VĂN

Với nhiều biện pháp, TP đã chống được nạn đói, khôi phục và phát triển sản xuất, giải quyết một phần quan trọng nạn thất nghiệp do chế độ cũ để lại, tổ chức mạng lưới phân phối lương thực và một số hàng hóa thiết yếu khác cho nhân dân, cải tạo và phát triển văn hóa, ổn định dần đời sống nhân dân.

Trong giai đoạn này, TP cũng phân bố trí lại dân cư, tổ chức hồi hương lập nghiệp cho hơn 700.000 đồng bào về quê cũ, xây dựng vùng kinh tế mới.

Với những thành quả đạt được trong 2 năm 1975 và 1976, TP đã khôi phục và phát triển kinh tế, ổn định bước đầu đời sống nhân dân, tạo điều kiện chuyển mạnh sang thời kỳ cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Từ năm 1979 trở đi, nền kinh tế TP bắt đầu bộc lộ những hạn chế khi sản xuất nông nghiệp, công nghiệp gặp nhiều khó khăn; lương thực, thực phẩm thiếu hụt, đời sống người dân thiếu thốn. Hai nhiệm vụ được đặt ra đối với lãnh đạo thành phố lúc này, đó là lo cái ăn cho nhân dân và vực dậy nền sản xuất đang đình trệ.

Phát huy tinh thần năng động, sáng tạo, TP.HCM đã kiên trì từng bước để tháo gỡ, vượt qua những lực cản của cơ chế cũ. Hàng loạt đơn vị sản xuất, kinh doanh chủ động “xé rào”, tiến hành tổ chức lại sản xuất, xây dựng phương án sản xuất ngoài kế hoạch được giao; làm gia tăng năng suất, hiệu quả và chất lượng sản phẩm, nâng cao thu nhập cho công nhân; sản xuất nông nghiệp cải tiến, cải thiện đời sống nông dân

“Có thể nói rằng những sáng kiến và nhiều biện pháp ban đầu chỉ là tình thế nhưng kết quả thực tiễn sinh động của TP.HCM lúc bấy giờ đã trở thành cơ sở quan trọng cho lãnh đạo Đảng có những quyết sách, để hoạch định mô hình phát triển kinh tế kể từ Đại hội VI, tháng 1-1986” - ông Nguyễn Thanh Nghị nêu.

Nơi hình thành những mô hình mới trên cả nước

Theo ông Nguyễn Thanh Nghị, TP.HCM được xem là nơi hình thành những yếu tố mới đóng góp vào quá trình hình thành và hoàn thiện cơ chế quản lý kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của cả nước.

Ông cho hay, TP.HCM đã nghiên cứu và thành lập các khu chế xuất, khu công nghiệp ngay từ rất sớm. Trong đó, Khu chế xuất Tân Thuận, Linh Trung là nơi hình thành sớm nhất (tháng 2-1992) và tiếp theo là các khu công nghiệp đã tập trung, phá thế bao vây, cấm vận, thu hút vốn, công nghệ, kinh nghiệm quản lý để phát triển công nghiệp, dịch vụ, tạo công ăn việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế...

TP cũng là địa phương đi đầu cả nước trong nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển kinh tế tri thức, hình thành các mô hình khoa học - công nghệ.

Điển hình như Khu công nghệ cao TP; Công viên Phần mềm Quang Trung; Khu nông nghiệp công nghệ; thu hút đầu tư nước ngoài, huy động nguồn lực trong nước trong lĩnh vực khoa học- công nghệ cao, hình thành lực lượng sản xuất hiện đại, đẩy mạnh và kết hợp giữa sản xuất kinh doanh với nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao…

 Đại biểu tham dự cùng chụp hình lưu niệm. Ảnh: THUẬN VĂN

Đại biểu tham dự cùng chụp hình lưu niệm. Ảnh: THUẬN VĂN

Trong quản lý điều hành, TP triển khai các mô hình điều hành kinh tế vĩ mô, cải cách hành chính đạt hiệu quả như chương trình kết nối doanh nghiệp với ngân hàng, xúc tiến đầu tư, kết nối doanh nghiệp.

Đáng chú, TP.HCM đã tiên phong thực hiện mô hình “một cửa, một dấu” ở một số quận, huyện từ năm 1995 rồi phát triển thành cơ chế “một cửa liên thông”. Điều này đã nâng cao rõ rệt chất lượng về công vụ, nâng cao sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp…

TP.HCM cũng sớm nhận thức vị trí, yêu cầu của quản lý, phát triển đô thị; tập trung nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, quản lý theo quy hoạch, phát triển đô thị, xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng; không gian đô thị mở rộng, phục vụ phát triển công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp, văn hóa - xã hội, cải thiện dân sinh. Từ đó hình thành nhiều đô thị mới được hình thành với chất lượng cao, được công nhận là khu đô thị kiểu mẫu như Phú Mỹ Hưng…

TP cũng là địa phương triển khai sớm nhất phương thức quản lý công nghệ thông minh, xây dựng khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông...; thực hiện nhiều chính sách thu hút vốn đầu tư xã hội vào phát triển kết cấu hạ tầng, chỉnh trang đô thị, làm cho hệ thống hạ tầng, diện mạo đô thị ở nhiều khu vực thay đổi rõ nét.

Với những nỗ lực đó, kinh tế TP.HCM có bước phát triển qua từng năm. Năm 2024 quy mô kinh tế TP đạt 1,78 triệu tỉ; các lĩnh vực kinh tế đạt mức tăng trưởng khá, thu ngân sách hơn 500.000 tỉ đồng; tổng sản phẩm trên địa bàn TP tăng 7,17%... Kết quả đó của TP đã góp phần vào kết quả chung của đất nước.

 Hội thảo với sự tham gia của lãnh đạo Trung ương. Ảnh: THUẬN VĂN

Hội thảo với sự tham gia của lãnh đạo Trung ương. Ảnh: THUẬN VĂN

50 năm lan tỏa truyền thống nhân ái, nghĩa tình

Cùng với phát triển kinh tế, truyền thống nhân ái, nghĩa tình là một đặc trưng văn hóa dân tộc được kế thừa và phát triển suốt 50 năm qua, ngày càng sâu đậm và phổ biến trong nhận thức, quan hệ ứng xử của nhân dân TP.

TP là nơi khởi xướng chương trình “xóa đói giảm nghèo”, là nơi đầu tiên trên cả nước hình thành mô hình “bệnh viện miễn phí” cho người nghèo; người có hoàn thành khó khăn.

Với truyền thống nhân ái, nghĩa tình, TP.HCM là nơi “hội tụ” và “lan tỏa”, thu hút một lực lượng lớn lao động, cả trí thức, văn nghệ sĩ, các tầng lớp nhân dân từ các địa phương đến để định cư, phát triển nghề nghiệp, cùng thống nhất, đồng lòng vì sự phát triển của TP. Sự lan tỏa các phong trào nhân ái, nghĩa tình chính là cách TP vì cả nước, cùng cả nước.

Với vị trí chiến lược, TP cũng chú trọng xây dựng “thế trận lòng dân” trong công tác quốc phòng - an ninh; luôn coi trọng việc quy tụ “ý Đảng, lòng dân”, xây dựng và phát huy mạnh mẽ “thế trận lòng dân”, phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân, lấy lực lượng vũ trang TP làm nòng cốt để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng - an ninh...

Phát huy tinh thần "một ngày bằng 20 năm"

Đảng bộ TP luôn quán triệt sâu sắc đường lối, chủ trương của Đảng, đồng thời bám sát thực tiễn, nhận định sát đúng tình hình, tìm trong thực tiễn lời giải cho vấn đề đặt ra.

TP luôn gắn bó máu thịt với nhân dân; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tin dân, tin vào con người; trọng dân, học dân, dựa vào dân, phát huy sức dân; hết lòng chăm lo đời sống nhân dân...

Với niềm vinh dự và tự hào là thành phố được mang tên Bác, TP.HCM trở thành địa phương đầu tiên trong cả nước xác định mục tiêu, giải pháp, quyết tâm chính trị trong xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh, làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người luôn hiện hữu, lan tỏa trong đời sống xã hội, trở thành nét văn hóa đặc trưng mới của người dân TP.

Phát huy thắng lợi của Đại thắng Mùa xuân 1975, với tinh thần “một ngày bằng hai mươi năm”, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.HCM đồng lòng, đoàn kết, năng động, sáng tạo, nghĩa tình, luôn bám sát thực tiễn, gắn bó mật thiết với nhân dân, quyết tâm xây dựng TP.HCM trở thành đô thị hiện đại, trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo của khu vực Đông Nam Á và châu Á.

TP.HCM sẽ xứng đáng với sự hy sinh cao cả của các thế hệ cha anh, với niềm tin yêu của cả nước, xứng đáng với thành phố mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại - Thành phố Anh hùng, “cùng cả nước, vì cả nước” vững bước tiến vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM NGUYỄN THANH NGHỊ

THANH TUYỀN

LÊ THOA

Nguồn PLO: https://plo.vn/ong-nguyen-thanh-nghi-tphcm-phat-huy-tinh-than-sang-tao-mot-ngay-bang-20-nam-post845462.html