Số ca nhiễm biến thể Delta đã xuất hiện trên 104 nước

Dịch COVID-19 tiếp tục đà giảm trên phạm vi toàn cầu khi trong ngày 12/7, chỉ có 104/209 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 83 quốc gia và vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch.

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 trên đường phố tại Paris, Pháp. Ảnh: AFP

Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 13/7 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 188.013.133 ca, trong đó có 4.054.989 người tử vong. Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 358.279 trường hợp mắc COVID-19 và 5.839 ca tử vong.

Số ca mắc bệnh trong ngày hôm qua tiếp tục đà giảm trên phạm vi toàn cầu, song số ca tử vong vẫn ở mức đáng quan ngại. Bên cạnh đó, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia như Ấn Độ, Brazil và một số nước châu Á. Trong đó, Indonesia đang nổi lên thành một trong những ổ dịch nóng nhất thế giới.

Đại dịch sau gần 2 năm đến nay xuất hiện và lây lan ở 219 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 171.960.938 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là 11.997.206 ca và 78.501 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch. Ngày 12/7, thế giới có 104 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 83 quốc gia và vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch.

Tại châu Mỹ, tính theo tỷ lệ dân số, Peru là quốc gia có tỷ lệ tử vong cao nhất, theo đó cứ 100.000 người dân thì có 590 người tử vong. Tiếp đến là Hungary với 311 người và Bosnia Herzegovina với 295 người/100.000 dân.

Xét theo khu vực, Mỹ Latinh và Caribe hiện có hơn 1,3 triệu ca tử vong trong hơn 38,7 triệu ca nhiễm. Tiếp đến là châu Âu, có hơn 55,4 triệu người mắc COVID-19, trong đó có hơn 1,1 triệu ca tử vong. Bắc Mỹ có hơn 633.500 ca tử vong trong hơn 35,2 triệu ca nhiễm. Châu Á ghi nhận hơn 603.800 ca tử vong trong hơn 41,5 triệu ca nhiễm. Trung Đông có hơn 153.200 ca tử vong, châu Phi ghi nhận hơn 151.700 ca tử vong, trong khi số người thiệt mạng do COVID-19 ở châu Đại Dương là hơn 1.100 người.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 12/7 tuyên bố các quốc gia giàu có không nên đặt mua thêm vaccine phòng COVID-19 để tiêm nhắc lại cho người dân vốn đã được tiêm chủng đầy đủ, trong bối cảnh những nước khác vẫn chưa nhận được vaccine.

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết số ca tử vong do đại dịch COVID-19 một lần nữa lại gia tăng, số ca nhiễm biến thể Delta lây lan nhanh của virus SARS-CoV-2 đang ngày càng trở nên phổ biến và đã xuất hiện ở trên 104 nước, trong khi nhiều quốc gia vẫn chưa nhận đủ số liều vaccine để bảo vệ nhân viên y tế của mình. Ông nhận định khoảng cách toàn cầu về nguồn cung vaccine COVID-19 là rất không đồng đều và không công bằng. Một số quốc gia và khu vực đang đặt mua hàng triệu liều tăng cường, trước khi các quốc gia khác có nguồn cung vaccine để tiêm chủng cho các nhân viên y tế và những người dễ bị tổn thương nhất.

Ông Tedros chỉ rõ các nhà sản xuất vaccine Pfizer và Moderna là những công ty đang hướng tới việc cung cấp các mũi tiêm nhắc lại ở những quốc gia đã có mức độ tiêm chủng cao. Theo ông, thay vào đó, họ nên chuyển liều lượng vaccine của mình sang chương trình chia sẻ vaccine COVAX, chủ yếu dành cho các nước có thu nhập trung bình và nghèo hơn.

Theo nhà khoa học hàng đầu của WHO, bà Soumya Swaminathan, cho đến nay vẫn chưa có bằng chứng cho thấy việc tiêm mũi nhắc lại là cần thiết cho những người đã tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19. Điều này phải dựa trên cơ sở khoa học và các dữ liệu, chứ không phải dựa trên tuyên bố của các công ty riêng lẻ rằng vaccine của họ cần được sử dụng như một liều tăng cường.

Bên cạnh đó, bà Swaminathan cũng khuyến cáo không nên sử dụng kết hợp các loại vaccine phòng COVID-19 từ các nhà sản xuất khác nhau, cho rằng đây là một "xu hướng nguy hiểm" khi có ít dữ liệu về tác động đối với sức khỏe.

T.Toàn

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/so-ca-nhiem-bien-the-delta-da-xuat-hien-tren-104-nuoc-post144120.html