Số ca nhiễm Covid-19 tại châu Âu tiếp tục tăng nhanh
Tính đến thời điểm hiện tại, số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 tại châu Âu vẫn tiếp tục tăng nhanh. Italy đang tìm lời giải cho bài toán giúp nước này tập hợp 90 triệu khẩu trang mỗi ngày. Còn các y tá, bác sĩ tại Tây Ban Nha thì đang kêu gọi chính phủ hành động mạnh mẽ hơn khi có tới 14% tổng số ca mắc Covid-19 tại nước này là nhân viên y tế.
NDĐT - Tính đến thời điểm hiện tại, số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 tại châu Âu vẫn tiếp tục tăng nhanh. Italy đang tìm lời giải cho bài toán giúp nước này tập hợp 90 triệu khẩu trang mỗi ngày. Còn các y tá, bác sĩ tại Tây Ban Nha thì đang kêu gọi chính phủ hành động mạnh mẽ hơn khi có tới 14% tổng số ca mắc Covid-19 tại nước này là nhân viên y tế.
Italy giải quyết tình trạng khan hiếm khẩu trang
Từ khi dịch bệnh bùng phát tại vùng Lombardy giàu có ở miền bắc Italy vào cuối tháng 2 vừa qua, tình trạng thiếu khẩu trang đã trở thành một trong những vấn đề lớn nhất đeo bám hệ thống y tế nước này. Ủy ban quốc gia về tình trạng khẩn cấp Italy hy vọng, “đất nước hình chiếc ủng” sẽ đủ năng lực tự sản xuất khẩu trang để đẩy lùi dịch Covid-19 trong vòng hai tháng.
“Gần đây, chúng tôi có những thời điểm rất khó khăn. Lý do khá đơn giản: chúng tôi không có sản phẩm cần thiết được sản xuất trong nước để chiến đấu với cuộc chiến này”, Ủy viên quốc gia Italy Domenico Arcuri cho biết. Theo ông Arcuri, mỗi tháng Italy cần hơn 90 triệu khẩu trang, trong đó có khẩu trang FFP2 và FFP3 có khả năng lọc hầu hết các loại hạt mà nhân viên y tế cần đeo khi tiếp xúc người mắc Covid-19.
Nhằm giải quyết tình trạng khan hiếm khẩu trang, Italy đã vận động các công ty nhà nước và công ty thời trang sản xuất 50% số khẩu trang mà nước này cần. Gần đây, Chính phủ Italy đã ra sắc lệnh cung cấp gói kích thích kinh tế trị giá 50 triệu euro cho các công ty chuẩn bị chuyển đổi nhà máy của mình thành nơi sản xuất khẩu trang.
Trong diễn biến liên quan, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte thông báo, chính phủ quyết định tăng mức phạt đối với người không tuân thủ lệnh phong tỏa, ông cũng bày tỏ hy vọng có thể sớm gỡ bỏ các biện pháp hạn chế hiện nay. Theo đó, những người bị bắt gặp rời khỏi nhà mà không có lý do hợp lý thì sẽ bị phạt từ 400 đến 3.000 euro. Mức phạt Italy đưa ra trước đó là 206 euro.
Chính phủ Italy yêu cầu mọi doanh nghiệp không thiết yếu đóng cửa và người dân cũng phải ở nhà cho đến ngày 3-4. Tuy nhiên, chính quyền Rome đang xem xét gia hạn lệnh phong tỏa này.
Theo Cơ quan Bảo vệ dân sự Italy, sau hai ngày có xu hướng giảm, số ca tử vong do Covid-19 tại Italy đã tăng thêm 743 trường hợp trong ngày 24-3, nâng tổng số ca tử vong lên 6.820. Số người bệnh cũng tăng 8,2%, từ 63.927 lên 69.176. Trong đó, hơn 8.300 người đã hoàn toàn hồi phục và khoảng 3.400 người đang được điều trị tích cực. Lombardy, vùng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh tại Italy, vẫn đang trong tình trạng nguy cấp với hơn 30.700 ca bệnh và gần 4.200 ca tử vong.
Nhân viên y tế chiếm 14% tổng số ca nhiễm tại Tây Ban Nha
Sau khi ghi nhận khoảng 6.600 ca nhiễm mới và 500 ca tử vong, hiện Tây Ban Nha có hơn 42 nghìn ca bệnh và 2.991 người chết do Covid-19. Với số liệu này, Tây Ban Nha đang là điểm nóng thứ hai về dịch bệnh tại châu Âu, chỉ sau Italy. Đáng chú ý, người đứng đầu Trung tâm y tế khẩn cấp của Tây Ban Nha Fernando Simon xác nhận, gần 14% số ca nhiễm là nhân viên y tế, đây là hệ quả của việc thiết bị y tế sẵn có có hạn và một số cụm dịch đã xuất hiện bên trong bệnh viện. Ông Simon dự báo, các đơn vị điều trị tích cực tại Italy vẫn sẽ chịu thêm áp lực ngay cả khi sự lây lan virus trong cộng đồng đã đạt đỉnh.
Anh kêu gọi 250 nghìn tình nguyện viên tham gia cuộc chiến đẩy lùi dịch
Anh tiếp tục ghi nhận thêm 87 ca tử vong vào ngày 24-3, nâng tổng số người chết lên 422. Trong hai ngày qua, số người bệnh Covid-19 tại nước này tăng từ 6.650 lên 8.077.
Để ứng tình hình phức tạp hiện nay, Anh đang tìm kiếm 250 nghìn tình nguyện viên tới hỗ trợ Cơ quan Y tế quốc gia (NHS) và những người dễ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock cho biết: “Chúng tôi đang tìm kiếm 250 nghìn tình nguyện viên là những người có sức khỏe tốt tới giúp NHS làm các công việc mua sắm, chuyển thuốc men và hỗ trợ những người cần được bảo vệ sức khỏe”.
“Nếu bạn khỏe mạnh và có thể bảo đảm an toàn khi làm việc, tôi kêu gọi bạn hãy đăng ký ngay hôm nay để giúp những người dễ bị ảnh hưởng nhất trong các cộng đồng của chúng ta”, ông Hancock đưa ra lời kêu gọi trong một tuyên bố.
Các tình nguyện viên sẽ có nhiệm vụ như vận chuyển thuốc từ các hiệu thuốc, đưa đón người bệnh và gọi điện cho những người đang cách ly tại nhà để theo dõi tình hình của họ. Mục tiêu của kế hoạch này là tiếp cận 1,5 triệu người đang cần được bảo vệ sức khỏe trong thời gian dịch bệnh hoành hành.
Đầu tuần này, Thủ tướng Johnson đã công bố lệnh phong tỏa toàn quốc trong ba tuần kể từ tối 23-3. Theo đó, mọi người dân Anh phải ở trong nhà, chỉ đi ra ngoài khi đi mua thực phẩm cần thiết, đến hiệu thuốc và tới cơ quan làm những việc không thể làm được tại nhà... Lệnh phong tỏa cũng cấm tụ tập từ hai người trở lên, tuy nhiên hai người ở cùng một nhà có thể đi cùng nhau. Mọi người có thể ra ngoài tập thể dục. Mọi hoạt động như gặp gỡ bạn bè, lễ cưới... đều không được phép, trừ trường hợp đám tang. Cảnh sát có quyền hỏi và bắt các trường hợp vi phạm.
Người phát ngôn của Thủ tướng Anh Boris Johnson lưu ý, những người coi thường yêu cầu của chính phủ về việc ở trong nhà sẽ đối mặt với mức phạt 30 bảng Anh ngay tại chỗ. Mức phạt này có thể tăng đáng kể trong trường hợp cần thiết.
Đức nhanh chóng triển khai gói viện trợ 750 tỷ euro
Tính đến ngày 24-3, Đức đã ghi nhận gần 33 nghìn ca mắc và 159 ca tử vong do Covid-19. Cùng ngày, Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier cho biết, gói viện trợ 750 tỷ euro mà chính phủ đã công bố một ngày trước chỉ là bước đi đầu tiên để giải quyết cuộc khủng hoảng do chủng mới của virus corona gây ra. “Chúng tôi biết rằng thời điểm để thực hiện biện pháp này là rất quan trọng. Chúng tôi muốn bảo đảm rằng biện pháp hỗ trợ sẽ được triển khai nhanh nhất có thể”.
Thụy Sĩ đẩy mạnh năng lực xét nghiệm
Tính đến ngày 24-3, Thụy Sĩ đã có hơn 9.877 người bệnh và 122 người chết do Covid-19. Nước này đã tăng cường năng lực làm xét nghiệm và đến nay có thể tiến hành xét nghiệm cho khoảng 8.000 người/ngày. Theo Bộ Y tế Thụy Sĩ, có 80 nghìn người tại quốc gia này đã làm xét nghiệm virus SARS-CoV-2. Giới chức y tế cho rằng, điều này sẽ giúp họ có được bức tranh hoàn chỉnh hơn về những người nhiễm chủng virus gây Covid-19. Dự kiến, Nội các Thụy Sĩ thảo luận chi tiết kế hoạch ngăn chặn nguy cơ nền kinh tế bị sụt giảm. Hiện nay, nhiều người lao động tại Thụy Sĩ đang bị cắt giảm giờ làm việc, trong khi doanh nghiệp buộc phải đóng cửa và nhân viên được yêu cầu ở nhà để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.
Ba Lan sẽ mở rộng các biện pháp hạn chế
Chính phủ Ba Lan thông báo sẽ mở rộng các biện pháp hạn chế đối với công dân nước này nhằm ngăn chặn virus SARS-CoV-2 lây lan. Một trong những biện pháp được coi là quyết liệt tại nước này là các nhà chức trách sẽ đưa ra giới hạn về số lượng người được tham gia sự kiện đông người. Ngoài ra, Ba Lan cũng sẽ yêu cầu người dân chỉ ra ngoài trong trường hợp rất cần thiết, như đi mua sắm, đi làm và chăm sóc người thân cao tuổi...
Thủ tướng Mateusz Morawiecki khẳng định, cuộc bầu cử Tổng thống Ba Lan vẫn sẽ diễn ra như kế hoạch, vòng bỏ phiếu đầu tiên dự kiến diễn ra vào ngày 10-5 tới. Ba Lan, quốc gia có 38 triệu dân, đã ghi nhận 799 ca nhiễm và chín ca tử vong do virus SARS-CoV-2.