Số ca sốt xuất huyết nặng và tử vong gia tăng, phụ huynh cần lưu ý những gì?

Các bác sĩ cho biết, biến chứng nặng của sốt xuất huyết xảy ra từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 6 kể từ ngày sốt đầu tiên. Vì là bệnh chưa có vaccine phòng ngừa nên bất cứ ai bị muỗi có mang mầm bệnh đốt cũng có thể bị mắc bệnh.

Theo Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, hiện nay, số ca mắc sốt xuất huyết nặng và tử vong tại các tỉnh, thành phía Nam đang gia tăng so với cùng kỳ năm 2021. Qua dự báo, số ca mắc sốt xuất huyết sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Vì vậy, khi trẻ có các dấu hiệu của sốt xuất huyết, phụ huynh cần đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế để được chẩn đoán và được điều trị kịp thời.

Trẻ bị sốt xuất huyết nặng đang nằm điều trị tại khoa Hồi sức nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2.

Trẻ bị sốt xuất huyết nặng đang nằm điều trị tại khoa Hồi sức nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2.

Bác sĩ Đỗ Châu Việt, Trưởng khoa Hồi sức nhiễm – COVID-19 Bệnh viện Nhi đồng 2 TP Hồ Chí Minh cho biết, sốt xuất huyết thường kéo dài trong 7 ngày; tuy nhiên, triệu chứng sốt trong những ngày đầu dễ khiến bố mẹ nhầm lẫn với các bệnh khác như viêm họng, sốt siêu vi hay mắc COVID-19.

“Bên cạnh 90% các ca sốt xuất huyết thường đơn giản, khoảng một tuần là khỏi, thì 10% còn lại là các ca chuyển nặng. Chủ yếu là nhóm trẻ thừa cân béo phì hay mắc các bệnh nền như tim mạch, não, phổi, thận, thậm chí là trường hợp hậu COVID-19”, bác sĩ Đỗ Châu Việt nói.

Các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cho biết, sau khi bị muỗi đốt khoảng 1 – 2 tuần, người mắc bệnh có biểu hiện sốt. Bệnh diễn tiến theo 3 giai đoạn, giai đoạn sốt: người bệnh sốt có thể nhẹ hoặc sốt cao, đáp ứng với thuốc hạ sốt kém khiến phụ huynh sẽ rất lo lắng. Sau 3 ngày sốt thì nhiệt độ sẽ giảm, kèm theo có triệu chứng nhức đầu, mệt mỏi, đau nhức cơ, đau sau hốc mắt, có thể ửng đỏ da…

Giai đoạn nguy hiểm: sau 3 ngày sốt, nhiệt độ giảm dần. Một số trường hợp thấy khỏe hơn, tuy nhiên có một số trường hợp mặc dù giảm sốt nhưng mệt mỏi hơn, cảm giác đầy bụng, khó tiêu, đau vùng bụng bên phải, buồn nôn và nôn sau ăn uống. Nặng hơn nữa là có biểu hiện chảy máu mũi, chảy máu chân răng, ra máu kinh bất thường, ói ra máu, tiêu phân có máu, tay chân lạnh, nổi bông, sốc và trụy tim mạch.

Giai đoạn hồi phục: từ ngày thứ 6 trở đi, trẻ tỉnh táo hơn, ăn ngon miệng, thèm ăn, da nổi những mảng đỏ hồi phục, ngứa.

Theo các bác sĩ, bệnh sốt xuất huyết nếu được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời thì hầu hết diễn tiến thuận lợi, ít có trường hợp tử vong. Với sự phát triển về xét nghiệm hiện nay có thể phát hiện sớm bệnh sốt xuất huyết ngay từ ngày đầu của bệnh. Xét nghiệm NS1 Ag (phát hiện kháng nguyên của siêu vi trong máu bệnh nhân) có thể phát hiện nhiễm sốt xuất huyết từ ngày sốt đầu tiên. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng phát hiện được bệnh bằng xét nghiệm này, có 1 số trường hợp mặc dù âm tính vẫn có thể bị mắc sốt xuất huyết.

ThS.BS Nguyễn Đình Qui, Phó khoa Nhiễm cho biết: “Thông thường, để nhận diện trẻ bị sốt xuất huyết là sẽ sốt cao liên tục từ 3 đến 4 ngày. Nếu thấy trẻ sốt từ 3 ngày trở lên, tốt nhất là nên đưa trẻ đi khám tại các cơ sở y tế để làm xét nghiệm máu nhằm có kết quả và kế hoạch điều trị”.

Các biểu hiện nặng cần khám ngay khi thấy trẻ bị chảy máu mũi, chảy máu chân răng, ra máu kinh bất thường, ói ra máu hoặc đi tiêu phân đen; đau bụng, nôn ói, nhợn ói nhiều; ăn uống ít và không thể uống nước; mệt mỏi nhiều hơn, đi tiểu ít, tay chân lạnh; khó thở, xanh tím, da nổi bông…

Trong trường hợp không có dấu hiệu nặng cần chăm sóc trẻ tại nhà, phụ huynh cho trẻ uống hạ sốt khi sốt, mỗi lần có thể dùng paracetamol 10 – 15mg/kg/lần. Chỉ cần giảm nhiệt độ sau khi uống chứ không cần phải hoàn toàn hết sốt sau khi uống; bổ sung nước uống cho trẻ nhiều hơn, uống nước nhiều lần, mỗi lần ít một. Cho trẻ ăn đồ mềm, đồ lỏng, đồ dễ tiêu với lượng ít một, nhiều bữa trong ngày. Hạn chế ép trẻ ăn nhiều vì nguy cơ làm nôn ói; tránh cắt lễ, cạo gió hoặc những thuốc tự uống không theo hướng dẫn của nhân viên y tế.

Các bác sĩ khuyến cáo: Muỗi gây bệnh sốt xuất huyết thường đốt lúc chạng vạng tối, tức tầm 4 giờ chiều trở đi. Để phòng bệnh, người dân phải thường xuyên vệ sinh nhà cửa, ngừa muỗi đốt tại nơi con ngủ; mặc quần áo màu sáng sẽ giúp muỗi ít đến hơn; mùi mồ hôi đôi khi là yếu tố hấp dẫn muỗi đến đốt, do vậy cần hạn chế ra mồ hôi hoặc lau mồ hôi, tắm rửa sạch sẽ giúp ít bị muỗi đốt hơn; sử dụng những mùi hương tự nhiên để xua đuổi muỗi hoặc không cho muỗi lại gần. Báo ngay cho địa phương khi có ca bệnh xuất hiện trong khu vực mình sinh sống.

Tin, ảnh: Đan Phương/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/giai-ma-muon-mat/so-ca-sot-xuat-huyet-nang-va-tu-vong-gia-tang-phu-huynh-can-luu-y-nhung-gi-20220428121417581.htm