Số ca tử vong do Covid-19 tại Anh vượt mốc 150 nghìn ca
Theo số liệu chính thức công bố ngày 8/1, số ca tử vong liên quan Covid-19 tại Anh đã vượt mốc 150 nghìn ca, trong bối cảnh làn sóng lây nhiễm do biến thể mới Omicron gây ra đã khiến số ca nhiễm mới hằng ngày tại quốc gia này liên tục tăng cao.
Trong 24 giờ qua, Anh xác nhận thêm 313 trường hợp tử vong trong vòng 28 ngày sau khi xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19, nâng tổng số ca tử vong trong đại dịch lên 150.057 người.
Trong 1 tuyên bố đưa ra cùng ngày, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết, đại dịch đã gây thiệt hại khủng khiếp cho đất nước, với số người chết được ghi nhận cho đến nay đã lên tới 150 nghìn người.
Ông Johnson nhấn mạnh cách để thoát khỏi đại dịch là tiêm phòng Covid-19, bất kể là liều tăng cường hoặc liều thứ nhất hay thứ hai nếu chưa được tiêm.
Chính phủ Anh đang tập trung vào việc triển khai tiêm liều tăng cường (hiện đã đạt hơn 60% dân số), thay vì yêu cầu tái áp dụng trở lại các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt như trước đây.
Song Anh vẫn đang chứng kiến sự gia tăng đáng kể các ca nhiễm mới liên quan đến biến thể Omicron trong những tuần gần đây, dù tỷ lệ tử vong thấp hơn so với các đợt lây nhiễm trước đó.
Khoảng 1,227 triệu người Anh đã có kết quả xét nghiệm dương tính trong 7 ngày qua, tăng 11% so với tuần trước, trong khi nước này ghi nhận 1,271 ca tử vong trong tuần, tăng 38% so với tuần trước đó.
Số ca mắc mới tại Anh được dự báo có thể đạt mốc kỷ lục mới trong những ngày sắp tới đây, khi có tới 146.390 ca bệnh mới được ghi nhận trong 24 giờ qua, dù vẫn thấp hơn so với mức kỷ lục cũ 218.724 ca được báo cáo trong ngày 4/1.
Số người tử vong vì Covid-19 tại Anh cao thứ hai châu Âu xét về mặt tuyệt đối, chỉ xếp sau Nga. Tỷ lệ tử vong của Anh cao hơn 7% so với mức trung bình của Liên minh châu Âu. Nhưng tính trên cơ sở đầu người, Mỹ, Italia, Bỉ và một số quốc gia ở Đông Âu có tỷ lệ tử vong cao hơn.
Hiện châu Âu cùng Mỹ đang là “tâm dịch” của thế giới. Trong 24 giờ qua, số ca mắc mới tại châu Âu chiếm trên 43% tổng số ca mắc mới của thế giới, với 950.883 ca. Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8 giờ 30 phút sáng 9/1 (theo giờ Việt Nam), toàn thế giới có tổng cộng 305.992.785 ca mắc Covid-19 và trên 5,5 triệu ca tử vong. Số ca hồi phục là 258.949.730 ca.
Trong ngày 8/1, Bộ Y tế Italia báo cáo 197.552 ca nhiễm mới Covid-19, tăng mạnh so với 108.304 ca ghi nhận chỉ 1 ngày trước đó, trong khi số ca tử vong giảm từ 223 ca xuống 184 ca trong 24 giờ qua.
Tổng số ca tử vong liên quan đến Covid-19 tại Italia kể từ khi đại dịch bùng phát vào tháng 2/2020 đã lên tới 138.881 ca trên tổng số 7,28 triệu ca mắc, con số cao thứ ba ở châu Âu sau Nga và Anh và cao thứ chín trên thế giới.
Ở Đức, các ca nhiễm mới cũng đang trên đà tăng mạnh. Theo số liệu của Viện Robert Koch (RKI) về bệnh truyền nhiễm, Đức đã ghi nhận 55.889 ca mắc mới trong 24 giờ qua, nhiều hơn gấp đôi con số ghi nhận 1 tuần trước đó.
Mùa hè vừa qua, Đức từng đóng cửa các trung tâm tiêm chủng lớn ở một số bang khi nhu cầu tiêm vaccine ngừa Covid-19 giảm nhanh do số ca mắc và nhập viện giảm đáng kể. Tuy nhiên, sự bùng phát trở lại của dịch bệnh vào mùa đông, với sự xuất hiện của biến thể Omicron - hiện đang chiếm tới 44% số ca mắc mới - khiến nhiều bang phải mở cửa trở lại các trung tâm tiêm chủng.
Tình hình trên cũng khiến nước này phải lên kế hoạch thay đổi chiến lược vaccine. Bộ trưởng Y tế Karl Lauterbach nhấn mạnh, Đức phải thay đổi chiến lược tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 để đối phó với biến thể Omicron, đồng thời bảo đảm có thể nhanh chóng phát triển một loại vaccine mới nếu phải đối mặt với các biến thể nguy hiểm hơn trong tương lai.
Theo ông Lauterbach, chính phủ đang lên kế hoạch vận hành 1 hệ thống trong tương lai, nhằm mua và cung cấp vaccine bất cứ thời điểm nào trong trường hợp xảy ra những đợt bùng phát nghiêm trọng mới.
Ông Lauterbach nhấn mạnh: “Chúng ta không được đặt ra giả định chủ quan rằng đại dịch sẽ sớm kết thúc. Nó vẫn chưa kết thúc”.
Trước đó, ngày 7/1, chính quyền trung ương và 16 bang tại Đức đã thắt chặt các quy định phòng dịch mới. Theo đó, những người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa Covid-19 hoặc đã khỏi bệnh vẫn cần kết quả xét nghiệm nhanh âm tính mới được đến các nhà hàng, quán ăn hay các quán bar. Trong khi đó, những người đã tiêm mũi vaccine tăng cường sẽ được miễn chấp hành quy tắc trên, cũng như sẽ không phải cách ly sau khi tiếp xúc với người nhiễm Covid-19.
Quốc hội Đức dự kiến cũng sẽ sớm thảo luận về 1 dự thảo luật liên quan yêu cầu tiêm chủng đại trà.
Tại Nam Phi, Tổng thống Cyril Ramaphosa ngày 8/1 kêu gọi đẩy mạnh chương trình tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho người dân.
Tính đến nay, gần 40% dân số trưởng thành của Nam Phi đã tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19. Tỷ lệ này cao hơn nhiều nước châu Phi, song vẫn thấp hơn mục tiêu của chính phủ trong giai đoạn này.
Do đó, Tổng thống Nam Phi kêu gọi những người chưa tiêm vaccine đi tiêm phòng, nhấn mạnh sự phục hồi của nền kinh tế Nam Phi phụ thuộc rất lớn vào số người tiêm ngừa Covid-19.
Ông Ramaphosa cho rằng cần tạo động lực để người dân tiêm phòng vì đây là “lá chắn” duy nhất để bảo vệ con người trước sự tấn công của virus SARS-CoV-2. Theo người đứng đầu Nam Phi, bản thân ông đã gặp khá nhiều vấn đề về sức khỏe sau khi mắc Covid-19 vào tháng 12/2021. Tuy nhiên, việc tiêm phòng đã giúp ông không phải nhập viện.
Tại khu vực Đông Nam Á, Philippines vừa ghi nhận số ca mắc mới Covid-19 cao nhất trong gần 4 tháng qua. Theo đó, Bộ Y tế Philippines ngày 8/1 thông báo, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 26.458 ca mắc mới - mức cao nhất kể từ ngày 11/9/2021.
Hiện các ca bệnh được xác nhận tại Philippines đã vượt quá 2,93 triệu ca, trong khi số ca tử vong đã lên tới hơn 52 nghìn người, với 265 ca tử vong mới nhất được báo cáo trong thứ bảy. Kỷ lục trước đó là 26.303 ca mắc mới ghi nhận vào ngày 11/9/2021.
Tại Nhật Bản, chính quyền thủ đô Tokyo cho biết, số ca mắc mới tại thành phố này trong ngày 8/1 là 1.224 ca, tăng gấp 15 lần trong 1 tuần và là mức cao nhất kể từ ngày 11/9/2021.
Không chỉ Tokyo, một số khu vực khác của Nhật Bản, trong đó có tỉnh Okinawa và Hiroshima cũng ghi nhận số ca mắc mới trong 1 ngày ở mức cao kỷ lục.
Theo kế hoạch thắt chặt các biện pháp phòng dịch mới công bố, từ ngày 9/1 cho đến hết tháng này, các tỉnh Okinawa, Hiroshima và Yamaguchi sẽ được đặt trong tình trạng khẩn cấp và áp dụng biện pháp phòng dịch trọng điểm, bao gồm rút ngắn thời gian hoạt động các quán bar và nhà hàng.