Sơ cấp cứu ở trường học, cộng đồng: Cần thực hành nhiều hơn nữa!

Việc sơ cấp cứu ban đầu rất quan trọng, ai cũng có thể làm được nếu chúng ta được đào tạo, được thực hành một cách bài bản và thường xuyên.

Gần đây, chúng ta chứng kiến quá nhiều trường hợp ngưng tuần hoàn hô hấp (ngưng tim, ngưng thở) ngoài cộng đồng. Chúng ta có rất nhiều hội thảo, tập huấn về kỹ năng sơ cứu. Tuy nhiên thông điệp mang về sau những hội thảo đó chỉ là những lý thuyết chứ chưa phải là những kỹ năng thực hành của cộng đồng đối với cấp cứu ban đầu trong những tình huống cụ thể. Do đó rất nhiều trường hợp ngưng tuần hoàn hô hấp ngoài cộng đồng không được sơ cứu hoặc sơ cứu không đúng cách dẫn đến việc để lại những hậu quả rất đáng tiếc.

Sơ cấp cứu ban đầu rất quan trọng

Vừa qua, chúng ta chứng kiến nữ điều dưỡng của Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu ban đầu cho một thực khách ngưng tim ngưng thở tại một nhà hàng. Tính chuyên nghiệp, tinh thần trách nhiệm đã làm tăng cơ hội được cứu sống của bệnh nhân.

 Nữ điều dưỡng Bệnh viện Bạch Mai (áo trắng) nhanh chóng thực hiện sơ cấp cứu cho người bị nạn tại một quán ăn. Ảnh: Chụp màn hình video.

Nữ điều dưỡng Bệnh viện Bạch Mai (áo trắng) nhanh chóng thực hiện sơ cấp cứu cho người bị nạn tại một quán ăn. Ảnh: Chụp màn hình video.

Nhiều người cho rằng vì may mắn là hôm đó gặp cô điều dưỡng của một bệnh viện lớn mới được như vậy, thực tế là việc cấp cứu ngừng tim ngưng thở cũng không quá phức tạp và khó khăn như mọi người suy nghĩ. Việc sơ cấp cứu ban đầu đơn giản, ai cũng có thể làm được nếu chúng ta được đào tạo, được thực hành một cách bài bản và thường xuyên.

Như chúng ta đã biết, nếu thiếu oxy và dưỡng chất trong khoảng 3-4 phút tế bào não sẽ tổn thương vĩnh viễn. Do đó khi phát hiện bệnh nhân có biểu hiện ngưng tim ngưng thở cần tiến hành các bước hồi sinh tim phổi ngay. Nếu để thiếu máu quá lâu tế bào não sẽ tổn thương không hồi phục, tim của người bệnh nếu có đập trở lại thì người bệnh cũng sẽ chỉ sống một đời sống thực vật (chết não). Thực tế là tại các trung tâm hồi sức, có nhiều người bệnh hôn mê sâu, thở máy kéo dài nhưng không tỉnh lại, đó là một sự mất mát cho người thân, là một gánh nặng cho nguồn lực y tế

 Nhiều học sinh đang điều trị tại Bệnh viện tỉnh Khánh Hòa nghi do bị ngộ độc thực phẩm, trong đó có một em nữ sinh lớp 5 đã tử vong trên đường đưa đến bệnh viện. Ảnh: BT

Nhiều học sinh đang điều trị tại Bệnh viện tỉnh Khánh Hòa nghi do bị ngộ độc thực phẩm, trong đó có một em nữ sinh lớp 5 đã tử vong trên đường đưa đến bệnh viện. Ảnh: BT

Mới đây một em học sinh ở Khánh Hòa ngưng tim ngưng thở tại một trường học, chỉ hơn 30 phút để có thể đưa cháu đến được một bệnh viện có đầy đủ phương tiện để cấp cứu nâng cao. Tuy nhiên theo nhận định của đại diện bệnh viện thì lúc tiếp nhận bệnh nhân đã hôn mê sâu, da niêm nhợt nhạt, đồng tử hai bên giãn tối đa mất phản xạ ánh sáng, có nghĩa là đã có dấu hiệu chết não.

Tôi mong rằng trường hợp này đã được sơ cấp cứu ban đầu, hồi sinh tim phổi cơ bản đúng cách. Được biết hiện nay tất cả các trường học đều có phòng y tế, có nhân viên y tế học đường, tuy nhiên không chỉ các thầy cô mà ngay cả nhân viên y tế cũng còn lúng túng trong sơ cấp cứu ban đầu. Một thực tế hiện nay ngoài cộng đồng là nếu phát hiện một trường hợp ngưng tuần hoàn hô hấp, nhiều trường hợp chúng ta chỉ biết gọi xe cấp cứu 115 và chờ đợi. Chúng ta chờ nhưng não đâu có chờ!.

Được sơ cấp cứu kịp thời, người bệnh có cơ hội giữ được tính mạng

Trong thực hành lâm sàng hằng ngày, chúng tôi vẫn tiếp xúc nhiều người bệnh ngưng tim ngưng thở nhưng được hồi sinh tim phổi đúng cách (hầu hết là vào kịp tại các cơ sở y tế), những người này sau đó nếu được giải quyết nguyên nhân thì họ có thể trở lại cuộc sống một cách hoàn toàn bình thường.

Đã từng có trường hợp một bệnh nhân ngưng tuần hoàn hô hấp do nhồi máu cơ tim, trên đường đưa về nhà thì có dấu hiệu hồi phục, sau đó được can thiệp động mạch vành. Nếu bệnh viện đầu tiên tiếp xúc không hồi sinh tim phổi rất tốt thì làm sao bệnh nhân có thể phục hồi hoàn toàn như hiện nay.

 Trung tâm Huấn luyện sơ cấp cứu và Phòng chống thảm họa TP.HCM tập huấn cho người lao động tại một công ty về nghiệp vụ sơ cấp cứu hồi sinh tim phổi cho người bị nạn.

Trung tâm Huấn luyện sơ cấp cứu và Phòng chống thảm họa TP.HCM tập huấn cho người lao động tại một công ty về nghiệp vụ sơ cấp cứu hồi sinh tim phổi cho người bị nạn.

Hồi sinh tim phổi gồm hai giai đoạn là cơ bản và nâng cao. Hồi sinh tim phổi cơ bản dành cho cộng đồng và ngoài bệnh viện, còn hồi sinh tim phổi nâng cao dành cho các nhân viên y tế và bệnh viện có đầy đủ trang thiết bị hỗ trợ. Vai trò của hồi sinh tim phổi cơ bản và hồi sinh tim phổi nâng cao là quan trọng như nhau.

Một điều chú ý trong sơ cứu ban đầu ngoài cộng đồng là ngoài đạo đức, kỹ năng cũng cần quan tâm đến tính pháp lý và sự an toàn cho cả người bệnh và cho chúng ta. Đã có nhiều trường hợp phơi nhiễm bệnh khi sơ cứu cho người bệnh. Tuy nhiên, cũng đừng quá lo sợ về trách nhiệm, đừng quá sợ lây bệnh mà làm mất đi cơ hội cứu sống một mạng người.

Tóm lại, hiện nay chúng ta không thiếu sự quan tâm của các cấp về sơ cứu ban đầu thể hiện qua nhiều những buổi hội thảo nhưng theo tôi, chúng ta đang thiếu chất lượng thực hành về kỹ năng hồi sinh tim phổi cơ bản cho cộng đồng. Chúng ta không nên làm theo kiểu đánh trống bỏ dùi mà cần sự chuyên nghiệp và thường xuyên. Bên cạnh đó cũng cần quan tâm đến việc hướng dẫn cho cộng đồng tự bảo vệ cho mình về tính pháp lý và sự an toàn, có như vậy thì mới có nhiều người bệnh ngưng tuần hoàn hô hấp ngoài cộng đồng được cứu sống.

Các bước sơ cấp cứu ban đầu

Khi phát hiện nạn nhân có dấu hiệu ngừng tuần hoàn như không sờ thấy mạch ở cổ và bẹn, tím tái hoặc ngừng hô hấp như thở ngáp hoặc không thở thì cần phải tiến hành cấp cứu ngừng tuần hoàn ngay.

Đầu tiên, cần hô to để gọi người đến hỗ trợ, sau đó đặt nạn nhân trên mặt phẳng cứng, để nạn nhân nằm ngửa, vai cao, ưỡn cổ tối đa. Tiến hành ép tim ngoài lồng ngực, ép ở nửa dưới xương ức hoặc giữa hai núm vú, tần số ép tim là 100-120 lần/phút, lực ép mạnh để lồng ngực lún xuống khoảng 5 cm.

Cứ 30 lần ép tim thì thực hiện 2 lần thổi ngạt, mỗi 3 phút một lần dừng lại bắt mạch, không bắt mạch quá lâu làm mất thời gian ép tim. Nếu tim chưa đập lại, cần duy trì ép tim và hô hấp nhân tạo, nếu có tim lại vẫn tiếp tục thổi ngạt cho đến khi được hỗ trợ bởi hệ thống cấp cứu nâng cao có mặt.

BS.CKII NGUYỄN LƯƠNG QUANG (TRƯỞNG KHOA NỘI TIM MẠCH, BỆNH VIỆN ĐA KHOA QUẢNG NAM)

Nguồn PLO: https://plo.vn/so-cap-cuu-o-truong-hoc-cong-dong-can-thuc-hanh-nhieu-hon-nua-post784210.html