Số doanh nghiệp tiếp cận gói hỗ trợ Covid-19 vẫn còn hạn chế
Để kịp thời làm bệ đỡ cho doanh nghiệp trước đại dịch Covid-19, Chính phủ đã triển khai kịp thời các gói hỗ trợ 'giải cứu'. Tuy nhiên, nhiều đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ X, Quốc hội khóa XIV cho rằng, số doanh nghiệp được hưởng lợi từ chính sách này đến nay còn rất hạn chế.
Chính sách hỗ trợ an sinh xã hội của Chính phủ vừa qua được đánh giá là đã thể hiện sự đồng cảm, sẻ chia của Chính phủ với doanh nghiệp, người lao động trong giai đoạn khó khăn, thách thức do dịch bệnh gây nên; là nguồn động viên giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tránh được phá sản, duy trì việc làm cho người lao động trong và sau dịch.
Tuy nhiên, nhằm đảm bảo không xảy ra tình trạng trục lợi chính sách đang gây khó cho doanh nghiệp tiếp cận gói hỗ trợ do yêu cầu nhiều thủ tục, điều này cũng chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu sản xuất, kinh doanh. Theo báo cáo của Ủy ban Về các vấn đề xã hội Quốc hội, đến trung tuần tháng 10/2020, tỷ lệ giải ngân gói hỗ trợ an sinh theo tinh thần Nghị quyết số 42/NQ-CP còn thấp, cụ thể tỷ lệ giải ngân trực tiếp đạt khoảng 35% dự toán; tỷ lệ giải ngân gián tiếp mới đạt 1,24%.
Tại các phiên thảo luận về tình hình thực hiện kinh tế, xã hội của Kỳ họp thứ X, Quốc hội khóa XIV, đề cập đến giải ngân gói hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp bị ảnh hưởng sâu bởi đại dịch Covid-19, đại biểu Nguyễn Hồng Vân (Phú Yên) cũng nhấn mạnh, dù Thủ tướng Chính phủ đã quyết định sửa đổi, bổ sung quy định phù hợp để sớm hỗ trợ, phát huy hiệu quả đi vào cuộc sống, song hiện còn chậm, chưa đạt yêu cầu.
Lấy thực tế cụ thể của một doanh nghiệp ở Phú Yên (Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả) đã và đang thực hiện các dự án lớn về đường bộ với 3 dự án lớn là hầm Đèo Cả, hầm Cổ Mã, hầm Cù Mông và mở rộng hầm Hải Vân 2, theo đại biểu Nguyễn Hồng Vân, những công trình mà đơn vị làm thì bảo đảm về chất lượng kỹ thuật và vượt về tiến độ, thời gian, đem lại hiệu quả kinh tế. Nhưng hiện doanh nghiệp này chưa được hưởng ưu đãi, hỗ trợ của Chính phủ mà trong thời gian qua đã nhiều lần kiến nghị, chưa được bố trí đủ phần vốn Nhà nước cam kết tham gia với dự án. Sự chậm trễ trên đã gây thiệt hại cho doanh nghiệp hơn 300 tỷ đồng.
Còn đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) - đánh giá, các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh là giải pháp quan trọng hiện nay để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất, kinh doanh do tác động của dịch bệnh. Chính phủ ban hành nhiều gói hỗ trợ doanh nghiệp ở nhiều lãnh vực, như tín dụng, chính sách về thuế, chính sách về bảo hiểm xã hội, hỗ trợ người lao động. Tuy nhiên, số doanh nghiệp được hưởng lợi từ chính sách này đến nay còn hạn chế.
Dẫn phản ánh từ các doanh nghiệp, đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết cho hay, các chính sách, chủ trương của Chính phủ là để kịp thời, tích cực và quyết liệt, nhưng việc hướng dẫn tổ chức thực hiện còn lúng túng. Bên cạnh các điều khoản của quyết định hỗ trợ cho người lao động là chưa hợp lý, chưa sát với thực tiễn và yêu cầu đặt ra. Ngoài ra, một số doanh nghiệp phản ánh, họ đang gặp nhiều khó khăn vẫn cố gắng duy trì hoạt động hoặc chỉ đóng cửa một số bộ phận để duy trì việc làm và thu nhập cho người lao động được tốt hơn, nhưng lại được sắp xếp vào đối tượng doanh nghiệp có năng lực, có tính bền vững nên không tiếp cận được chính sách hỗ trợ này.
“Vừa qua, Ngân hàng nhà nước đã tích cực dành 16.000 tỷ đồng để cho vay tái cấp vốn với Ngân hàng chính sách xã hội. Tuy nhiên, đến nay vẫn ít doanh nghiệp nhận được từ nguồn gói hỗ trợ này”- đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết nhấn mạnh. Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ông Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) cũng cho rằng, việc thiết kế và triển khai gói hỗ trợ khẩn cấp 62.000 tỷ đồng cho người lao động và các đối tượng yếu thế còn lúng túng và kém hiệu lực cũng là việc cần phải rút kinh nghiệm và điều chỉnh.
Theo kết quả khảo sát doanh nghiệp về thực trạng nhận các gói hỗ trợ lần 1 do trường Đại học Kinh tế Quốc dân vừa công bố cho thấy, có tới 40% doanh nghiệp bị tác động bởi COVID-19. Trong đó, 30% phải cắt giảm quy mô sản xuất và gần 10% phải tạm dừng hoạt động. Bị ảnh hưởng nặng nề nhất là ngành du lịch, lưu trú, ăn uống. Đến đầu tháng 10, khoảng 80% doanh nghiệp được điều tra không nhận được gói hỗ trợ lần 1 của Chính phủ. Lý do chủ yếu là doanh nghiệp không đáp ứng điều kiện, không có thông tin về chính sách. Tỉ lệ doanh nghiệp lớn nhận được gói hỗ trợ nhiều hơn so với doanh nghiệp nhỏ. Trong khi các doanh nghiệp vừa và nhỏ là những đối tượng rất dễ tổn thương bởi khủng hoảng dịch bệnh.
Trước thực tế hiện nay, đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết kiến nghị, Chính phủ cần đánh giá một cách đầy đủ các chính sách đã được ban hành, các kết quả đạt được, những hạn chế, đánh giá hiệu quả từng gói hỗ trợ và đánh giá tình hình của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh một cách sâu rộng, toàn diện để có chính sách phù hợp cho từng ngành, từng lãnh vực để phát huy hiệu quả mà chính sách này đã quyết định.
Bên cạnh quan tâm tiếp tục giảm lãi suất, đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết - kiến nghị, cần có giải pháp phù hợp để thúc đẩy xuất khẩu và phát triển thị trường trong nước. Kích cầu tiêu dùng tạo động lực thực hiện đạt 2 nhóm chiến lược đó là thúc đẩy tăng trưởng ổn định vĩ mô. Đồng thời, để có giải pháp xử lý hiệu quả trong thời gian tới, Chính phủ cần có chính sách phù hợp, đủ sức để tạo động lực mới phát triển kinh tế tư nhân, tạo điều kiện hình thành và phát triển các doanh nghiệp đầu tàu, tạo sức lan tỏa, tác động tăng trưởng.
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 154/NQ-CP và Quyết định số 32/2020/QĐ-TTg để sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 42/NQ-CP và Quyết định 15/2020/QĐ-TTg về thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19. Theo đó, đã nới lỏng hơn các điều kiện vay gói 16.000 tỷ đồng lãi suất 0% để doanh nghiệp vay trả lương cho người lao động.