Cần coi công tác quy hoạch là vấn đề then chốt để định hình một Việt Nam hiện đại
Nếu coi quy hoạch là phương tiện cần thiết để định hình một Việt Nam hiện đại, thống nhất và phát triển bền vững, thì hợp nhất tỉnh thành chính là nền tảng cần thiết để kiến tạo tương lai quốc gia trong vòng trăm năm tới.
Ngày 1.7.2025 đánh dấu một bước ngoặt cải cách thể chế hành chính lớn trong lịch sử Việt Nam hiện đại: hợp nhất tỉnh, thành trên quy mô toàn quốc. Không chỉ là sự tinh gọn về mặt tổ chức, việc hợp tỉnh tạo ra một cơ hội tái định hình toàn diện chiến lược phát triển lãnh thổ – nơi quy hoạch đóng vai trò trung tâm. Từ một hệ thống tỉnh nhỏ và phân mảnh, Việt Nam chuyển sang mô hình các tỉnh lớn có quy mô tương đương cấp vùng, đủ tầm để đảm đương những vai trò chiến lược mà trước đây vượt quá khả năng địa phương.
Trước hết, các tỉnh lớn có điều kiện thuận lợi hơn để quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường theo hệ sinh thái trọn vẹn, vượt qua ranh giới hành chính cũ vốn nhiều khi chia cắt các lưu vực, dãy núi, đồng bằng thành từng mảnh vụn. Thứ hai, khi đảm nhiệm các tuyến hạ tầng liên tỉnh, các tỉnh mới có thể lập kế hoạch đầu tư và cơ chế thu hồi vốn bài bản hơn, thay vì chờ ngân sách trung ương hoặc đấu nối rời rạc.
Thứ ba, quy mô mở rộng cho phép mỗi tỉnh có cái nhìn toàn diện hơn về kinh tế – xã hội, không còn tư duy “tỉnh lẻ” mà tiến đến tư duy vùng, quốc gia, thậm chí toàn cầu. Thứ tư, các công trình hạ tầng quy mô lớn – như sân bay, cảng biển, khu logistic – vốn trước đây phải rải đều theo đơn vị hành chính, nay có thể quy hoạch tập trung, tránh dàn trải và lãng phí.

Khi đảm nhiệm các tuyến hạ tầng liên tỉnh, các tỉnh mới có thể lập kế hoạch đầu tư và cơ chế thu hồi vốn bài bản hơn, thay vì chờ ngân sách trung ương hoặc đấu nối rời rạc. Ảnh: Nguyễn Minh Tú
Đặc biệt, khi chính sách khu kinh tế ven biển – từng kỳ vọng sẽ mở cánh cửa hội nhập – bị đình trệ do không thể thông qua Luật Đặc khu, thì mô hình khu thương mại tự do (FTZ) được thí điểm trong bối cảnh mới lại trở nên phù hợp hơn. Đây là mô hình vừa đủ mềm để thích nghi với thể chế của một nước đang phát triển, vừa đủ mở để thí điểm các thể chế linh hoạt hơn với tính chất thử nghiệm, thay vì đặt cược toàn bộ thể chế vào những siêu đặc khu chưa có tiền lệ thành công trong nước.
Tuy nhiên, chính những kỳ vọng lớn lao ấy lại đặt ra thách thức chưa từng có đối với công tác quy hoạch. Không còn là công việc kỹ thuật thuần túy, quy hoạch trong bối cảnh hậu sáp nhập tỉnh trở thành công cụ chủ đạo để điều phối phát triển, điều chỉnh chiến lược và thể hiện năng lực kiến tạo quốc gia.
Dưới đây là một số vấn đề nổi bật trong công tác quy hoạch thời kỳ mới – từ cấu trúc đô thị, không gian biển, an ninh biên giới, đô thị thông minh, phát triển bền vững, tổ chức hành động, đến tinh thần thể chế.
Tái định vị các cực tăng trưởng
Việc mở rộng quy mô hành chính đã vô hình trung tái lập lại cấu trúc không gian lãnh thổ của cả nước. Trong cấu trúc mới ấy, các đô thị lớn như TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng nổi lên như những siêu cực kinh tế với vai trò không chỉ là trung tâm vùng mà còn có tiềm năng trở thành những đầu tàu dẫn dắt quốc gia tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
TP.HCM – Cực tăng trưởng phía Nam: Về mặt địa chính trị, TP.HCM vốn nằm ở vị trí “đuôi cá” phía Nam của đất nước, xa khỏi các vùng ảnh hưởng của đại lục Trung Hoa và gần hơn với các tuyến hàng hải toàn cầu. Đây là nơi hiếm hoi ở Việt Nam có thể phát triển đối tác quốc tế một cách cân bằng. Cả ba loại hình kết nối – đường bộ, đường biển và đường hàng không – từ TP.HCM đều dễ dàng vươn ra toàn cầu, mở ra khả năng xây dựng một đô thị quốc tế thực thụ.

Không gian mở rộng của TP.HCM sau khi hợp nhất với tỉnh Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu đã đưa vùng đô thị này trở thành đại cực kinh tế tích hợp cảng biển – công nghiệp – đô thị lớn vào hàng nhất khu vực về dân số. Ảnh: Znews
Không gian mở rộng của TP.HCM sau khi hợp nhất với tỉnh Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu đã đưa vùng đô thị này trở thành đại cực kinh tế tích hợp cảng biển – công nghiệp – đô thị lớn vào hàng nhất khu vực về dân số. So với Bangkok, TP.HCM thậm chí có vị trí tiếp cận biển thuận lợi hơn, sở hữu cả tiềm năng phát triển nội địa và quốc tế hóa cao.
Sự phối hợp giữa TP.HCM, Bình Dương (không thể bỏ qua vai trò của Đồng Nai) và Bà Rịa - Vũng Tàu cho phép thiết lập chuỗi sản xuất – tiêu thụ – logistics liên vùng, tạo ra lợi thế cạnh tranh hiếm có. Quy hoạch ở đây không thể chỉ dừng lại ở nội địa, mà phải định hình vai trò của TP.HCM như một vùng lãnh đạo sáng tạo, dẫn dắt công nghệ, thành phố biển và là trung tâm tài chính quốc tế.
Bên cạnh vị trí, TP.HCM còn sở hữu nền tảng phát triển sâu rộng. Đất đai bằng phẳng, quỹ đất phong phú. Hậu phương công nghiệp là toàn bộ miền Đông Nam bộ – vùng phát triển công nghiệp nhanh và ổn định nhất cả nước. Hậu phương nông nghiệp là vùng Đồng bằng sông Cửu Long – nơi cung cấp nông sản chiến lược, nước ngọt và cả nguồn lao động nông thôn. Hậu phương thiên nhiên là toàn bộ khu vực Nam Tây Nguyên – giàu tài nguyên và tiềm năng sinh thái. Dân số TP.HCM đông đúc, lực lượng lao động thuần thục, lực lượng trí thức đông đảo, đã quen thuộc với nhịp sống đô thị toàn cầu. Đây chính là điều kiện để thành phố trở thành tâm điểm của chuỗi giá trị công nghệ, tài chính và dịch vụ quốc tế trong tương lai gần.
Hải Phòng – Cực tăng trưởng phía Bắc: Hải Phòng sau sáp nhập sở hữu thêm không gian phát triển công nghiệp, hậu phương logistics và kết nối thuận tiện hơn với tuyến hành lang Côn Minh – Lào Cai - Hà Nội – Hải Phòng. Đây chính là điều kiện để kéo dài chuỗi giá trị công nghiệp và giảm tải cho khu vực lõi đô thị. Tuy nhiên, để đạt được điều đó, quy hoạch cần xác lập rõ ranh giới giữa phát triển công nghiệp và vùng đệm sinh thái, tránh rơi vào phát triển dàn trải.

Cảng Hải Phòng nhìn từ trên cao. Nguồn: haiphongport.com.vn.
Đà Nẵng – Cực tăng trưởng miền Trung: Là thành phố năng động nhất miền Trung, Đà Nẵng từ lâu đã được cộng đồng quốc tế công nhận là nơi có chất lượng sống cao, môi trường an toàn và chính quyền thân thiện. Đà Nẵng nổi bật bởi nền tảng tốt cho phát triển kinh tế tri thức và công nghệ cao. Trong những năm gần đây, Đà Nẵng bắt đầu lọt vào tầm ngắm của các doanh nghiệp công nghệ lớn từ Mỹ và châu Âu như một điểm đến thay thế khả thi cho các trung tâm công nghiệp đã bão hòa.
Việc thí điểm các khu thương mại tự do (FTZ) tại Đà Nẵng – với kỳ vọng cởi trói thể chế, mở cửa có kiểm soát và tiếp nhận dòng vốn đổi mới sáng tạo – có thể trở thành cú hích lớn không chỉ cho bản thân thành phố mà cho toàn bộ vùng duyên hải miền Trung. Nếu Đà Nẵng bứt phá trong thập kỷ tới, bờ biển miền Trung Việt Nam hoàn toàn có khả năng trở thành “đặc khu công nghệ” mới của Đông Nam Á, thu hút dòng doanh nghiệp toàn cầu đang tìm kiếm sự kết hợp giữa chất lượng sống cao và chi phí cạnh tranh.

Việc thí điểm các khu thương mại tự do tại Đà Nẵng có thể trở thành cú hích lớn không chỉ cho bản thân thành phố mà cho toàn bộ vùng duyên hải miền Trung. Ảnh: Báo Lao Động
Khánh Hòa – Thành phố du lịch toàn cầu: Sở hữu toàn bộ bờ biển đẹp nhất Việt Nam, Khánh Hòa là một trong số ít đô thị hội đủ các yếu tố để vươn ra toàn cầu bằng thương hiệu du lịch: tài nguyên biển, hạ tầng hàng không quốc tế, bản sắc văn hóa và vị trí trung chuyển Đông – Tây. Cải cách hành chính mở ra cơ hội để tái thiết quy hoạch đô thị, biến Khánh Hòa thành thành phố nghỉ dưỡng – sự kiện – sáng tạo đẳng cấp khu vực.
Việt Nam phải trở thành quốc gia biển
Một trong những hệ quả sâu xa nhất của sáp nhập tỉnh là làm lộ rõ cấu trúc địa lý thiên về biển của Việt Nam. Phần lớn các tỉnh mở rộng đều sở hữu chiều dài bờ biển dài hơn, hậu phương đa dạng hơn, từ đó tạo điều kiện hình thành các vùng chức năng đa năng ven biển.
Việt Nam là lãnh thổ có chiều ngang nhỏ hẹp, song lại kéo dài từ Bắc xuống Nam, dễ bị chia cắt cả về địa hình, khí hậu và văn hóa. Nhưng khi nhìn từ biển vào, lãnh thổ Việt Nam lại hiện ra như một dải thống nhất. Đây là cơ sở quan trọng để cấu trúc vùng theo không gian biển – lấy không gian kinh tế biển liên hoàn từ Bắc vào Nam làm nhân tố chính. Các cảng biển, trung tâm hậu cần, khu công nghiệp ven biển và đô thị du lịch cần được quy hoạch như mắt xích trong một chuỗi liên kết quốc gia, không thể để mạnh ai nấy phát triển.

Bãi biển đường Trần Phú dài khoảng 12 km, có hình dáng cánh quạt ôm lấy Nha Trang. Ảnh: Trần Anh KhoaVnexpress
Sau sáp nhập, nhiều tỉnh có không gian rộng gấp đôi, gấp ba so với trước đây. Điều này đặt ra yêu cầu quy hoạch mới: không phát triển đồng đều, mà cần phân vùng chức năng nội tỉnh. Một tỉnh ven biển có thể có: vùng công nghiệp – đô thị, vùng nông lâm nghiệp – tài nguyên, và vùng bảo tồn sinh thái. Sự đa năng đó đòi hỏi công cụ quy hoạch phải tinh vi hơn, quản lý theo vùng chứ không chỉ theo đơn vị hành chính.
Bảo đảm an ninh lãnh thổ
Không gian quy hoạch không chỉ là không gian kinh tế, mà còn là không gian an ninh. Việc sáp nhập tạo điều kiện hình thành những "tỉnh biên giới mạnh", có quy mô lớn, đủ năng lực để thực thi các chiến lược ngoại giao địa phương và bảo vệ lãnh thổ.
Lào không chỉ là láng giềng, mà là vùng đệm chiến lược sau lưng Việt Nam. Có nghĩa là để quốc gia tiến biển, dãy Trường Sơn phải bình yên. Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã đẩy mạnh ảnh hưởng kinh tế tại Lào thông qua các dự án trong Sáng kiến Vành đai – Con đường (BRI). Để giữ được sự gắn kết với Lào, quy hoạch không gian vùng Tây Bắc và Trung bộ Việt Nam cần định hướng rõ: phát triển hành lang kinh tế xuyên biên giới Việt – Lào, kết nối các đô thị bằng hệ thống đường bộ và đường sắt chất lượng cao. Không thể trông đợi vào Trung ương một mình, mà các tỉnh có biên giới cần chủ động xây dựng mối liên kết anh em.
Việt Nam cần xem việc cung cấp đầu ra biển cho Lào là quốc sách, không đơn thuần là thương mại. Quy hoạch cảng biển, logistics tại Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế không chỉ cần dành chỗ cho hàng hóa của Lào; mà còn cần có chiến lược dài hạn về hỗ trợ sản xuất, vận tải, logistics từ chân hàng.

Cảng Chu Lai - cửa ngõ trung chuyển hàng hóa tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên, nam Lào, bắc Campuchia.
Quy hoạch vì phát triển bền vững
Một trong những nguy cơ của việc mở rộng địa bàn tỉnh/thành là xu hướng quy hoạch tốn đất, để đô thị hóa tràn lan, công nghiệp hóa dàn trải, lãng phí tài nguyên đất đai cho những dự án mơ hồ. Nếu không kịp thời kiểm soát bằng quy hoạch bền vững, hệ sinh thái và tài nguyên đất đai sẽ bị phá vỡ.
Quy hoạch phải xác định rõ là không phát triển toàn diện khắp tỉnh, mà tập trung vào các hành lang kinh tế chính. Hạ tầng đầu tư theo trục, tránh đầu tư lan tỏa, dẫn đến lãng phí. Việc ưu tiên hành lang đồng thời giúp kiểm soát không gian xanh, giảm chi phí bảo trì hạ tầng và nâng cao hiệu quả sử dụng đất.
Đô thị hiện đại không thể thiếu vùng trữ nước, hành lang xanh và vành đai điều tiết khí hậu. Bài học từ các trận lũ lịch sử gần đây tại Trung Quốc cho thấy: nếu bê tông hóa toàn diện mà không chừa chỗ cho nước, hậu quả là toàn bộ thành quả phát triển có thể bị cuốn trôi chỉ trong vài ngày.
Do đó, các quy hoạch mới phải có quy định pháp lý rõ ràng về vùng xanh, các khoảng nghỉ sinh thái và ranh giới cứng mà phát triển đô thị không được vượt qua.

Các quy hoạch mới phải có quy định pháp lý rõ ràng về vùng xanh, các khoảng nghỉ sinh thái. Ảnh: Dân Trí
Quy hoạch đô thị thông minh – sáng tạo
Bối cảnh toàn cầu cũng đang chuyển dịch mạnh mẽ sang thời kỳ của chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo (AI), và đô thị thông minh. Trong làn sóng này, quy hoạch không còn chỉ là một bản đồ định hình không gian vật lý, mà đã trở thành một hệ quy chiếu dữ liệu, nơi các lớp thông tin – về dân cư, hạ tầng, môi trường, dòng vốn – được số hóa và phân tích bằng công nghệ mới. Sự ra đời của các hệ thống quy hoạch dựa trên AI (như GeoAI, Digital Twin, mô hình hóa dữ liệu lớn) giúp các địa phương không chỉ dự báo tương lai mà còn mô phỏng các kịch bản phát triển, phản ứng tức thời với biến đổi khí hậu, thiên tai hay dòng người di cư.
Ngày nay, mỗi đô thị không còn là thực thể tĩnh, mà trở thành một “thực thể số” – nơi chính quyền cần nắm được nhịp thở của đô thị theo thời gian thực, từ giao thông đến năng lượng, từ an sinh đến mức độ hài lòng của người dân.
Nhiều thành phố trên thế giới đã sớm lựa chọn AI làm động lực phát triển cốt lõi trong chiến lược đô thị của mình. Singapore triển khai chương trình “Smart Nation” với trọng tâm là quản trị dựa trên dữ liệu thời gian thực và sử dụng AI để tối ưu hóa năng lượng, y tế, giao thông và giáo dục. Dubai thiết lập Chiến lược AI Quốc gia từ năm 2017 và hiện đã đưa AI vào hệ thống tư pháp, giao thông và quy hoạch đất đai. Seoul đầu tư mạnh vào nền tảng dữ liệu đô thị mở, kết nối giữa các lĩnh vực như an ninh, dân sinh và khí hậu. Ngay tại Đông Nam Á, Jakarta và Bangkok cũng đã bắt đầu tích hợp các hệ thống phân tích dữ liệu và AI vào công tác quản lý đô thị, từ điều phối giao thông đến dự báo nhu cầu nhà ở.

Đô thị nào sớm chủ động tích hợp AI vào quy hoạch – từ khâu thiết kế đến quản lý thực thi – sẽ có lợi thế vượt trội trong việc điều tiết nguồn lực, tối ưu hóa đầu tư... Ảnh: Người Lao Động
Xu thế toàn cầu cho thấy: AI không chỉ là một công cụ, mà là một nền tảng hạ tầng mới. Đô thị nào sớm chủ động tích hợp AI vào quy hoạch – từ khâu thiết kế đến quản lý thực thi – sẽ có lợi thế vượt trội trong việc điều tiết nguồn lực, tối ưu hóa đầu tư, giảm thiểu rủi ro và nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu. Với đà cải cách thể chế năm 2025, đây là cơ hội duy nhất trong một thế hệ để Việt Nam đi tắt đón đầu, xây dựng một hệ thống quy hoạch thông minh ngay từ nền móng.
Ngày nay, mỗi đô thị không còn là thực thể tĩnh, mà trở thành một “thực thể số” – nơi chính quyền cần nắm được nhịp thở của đô thị theo thời gian thực, từ giao thông đến năng lượng, từ an sinh đến mức độ hài lòng của người dân. Quy hoạch thời đại mới vì vậy phải vượt lên trên kỹ thuật – nó là kết quả của sự tích hợp dữ liệu, công nghệ và tư duy thể chế tiên tiến. Nếu không đón đầu xu thế này, Việt Nam sẽ tiếp tục tụt hậu so với các trung tâm đổi mới trong khu vực. Nhưng nếu dám thay đổi, sáp nhập tỉnh và cải cách quy hoạch hoàn toàn có thể là nền tảng để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên quản trị thông minh.
Nâng cao khả năng hành động thiết thực của hệ thống chính quyền hai cấp
Hợp nhất tỉnh, thành đồng nghĩa với việc chỉ còn hai cấp chính quyền: cấp tỉnh và cấp cơ sở (xã, phường). Điều này thay đổi căn bản cách quy hoạch được tổ chức và thực thi.
Trong mô hình mới, toàn bộ hệ thống đô thị trong một tỉnh được tỉnh quản lý thống nhất. Không còn tình trạng "trên huyện – dưới phường" khiến quy hoạch đô thị bị phân mảnh, không nhất quán. Giờ đây, tỉnh là cấp trực tiếp phê duyệt và triển khai quy hoạch đô thị, giúp tăng tốc độ thực hiện các dự án trọng điểm, đồng thời tránh tình trạng trễ hạn do xung đột giữa các cấp.
Ở cấp cơ sở, các phường – xã cần được trao công cụ quy hoạch riêng biệt, bám sát nhu cầu dân sinh, hạ tầng thiết yếu và bảo tồn văn hóa – cảnh quan. Trong khi tỉnh vạch định chiến lược vĩ mô, thì xã phường có thể xác định ranh giới cụ thể cho các khu dân cư, khu sản xuất, không gian văn hóa cộng đồng.
Mô hình "quy hoạch hai lớp" sẽ giúp dung hòa giữa tầm nhìn lớn và nhu cầu thực tế.

Các phường – xã cần được trao công cụ quy hoạch riêng biệt, bám sát nhu cầu dân sinh, hạ tầng thiết yếu và bảo tồn văn hóa – cảnh quan. Ảnh: Trung Dũng
Kiến tạo tinh thần thể chế mới
Cải cách sẽ không có hiệu quả nếu chỉ dừng ở thay đổi bộ máy, mà phải nằm trong tâm thế của từng cá nhân trong hệ thống.
Lịch sử không thiếu những thời kỳ mà bộ máy hành chính nhà nước, xét về mặt hình thức, còn rất sơ khai, nhưng quốc gia vẫn đạt được những bước nhảy vọt về văn hóa, kinh tế và tầm ảnh hưởng. Đó là những thời khắc mà tinh thần thể chế – tức là tầm nhìn, sự quyết đoán và khả năng thích ứng của những người cầm lái – đã vượt lên trên giới hạn của lịch sử. Những ví dụ đó khiến ta nhận ra rằng con người – chứ không phải điều gì khác - giữ vai trò quyết định. Tầm nhìn dám nghĩ khác, dám làm trước thời đại. Năng lực tổ chức linh hoạt, thích ứng đúng với hoàn cảnh đặt ra. Và trên hết là tinh thần kiến tạo – không đổ lỗi cho thời đại mà biến “nguy” thành “cơ”, biến không thể thành có thể.
Thoát khỏi tư duy hành chính quan liêu: Nhiều bản quy hoạch hiện nay vẫn mang nặng tính "xin – cho", làm theo định mức, theo hạn ngạch (quota). Quy hoạch kiểu đó không thể tạo động lực đổi mới. Cần thay đổi triệt để sang tư duy kiến tạo – coi quy hoạch là công cụ để dẫn dắt thị trường, tạo động lực mới và kiểm soát rủi ro phát triển.
Mỗi cán bộ quản lý là một người tiên phong đổi mới. Mỗi cán bộ quản lý trong hệ thống chính quyền hai cấp cần được bồi dưỡng không chỉ về kỹ năng, mà về bản lĩnh lãnh đạo. Quy hoạch thời cải cách không thể làm theo lối mòn, mà đòi hỏi óc phân tích, năng lực phản biện và lòng can đảm để đề xuất điều khác biệt, phù hợp với bối cảnh mới.
Cải cách hành chính không chỉ là bài toán tổ chức, mà còn là thách thức lớn đối với tư duy phát triển quốc gia. Trong đó, quy hoạch là thước đo rõ ràng nhất cho mức độ thành công của cải cách. Nếu coi quy hoạch là phương tiện cần thiết để định hình một Việt Nam hiện đại, thống nhất và phát triển bền vững, thì hợp nhất tỉnh thành chính là nền tảng cần thiết để kiến tạo tương lai quốc gia trong vòng trăm năm tới.
Nguyễn Xuân Anh – Chuyên gia quy hoạch