Đại học Văn Lang bị 'tấn công': Không thể bao biện là 'bảo vệ lẽ phải'

Sau vụ nam sinh vô lễ với cựu chiến binh, nhiều sinh viên của Đại học Văn Lang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thậm chí bị tấn công trên mạng xã hội và ngoài đời.

Đại học Văn Lang bị "tấn công"

Liên quan đến vụ việc nam sinh vô lễ với cựu chiến binh trong đại lễ kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, hàng loạt các hành động tiêu cực đã xuất hiện nhắm vào Đại học Văn Lang và các bạn sinh viên tại ngôi trường này trong những ngày vừa qua.

Trên các nền tảng mạng xã hội, hàng loạt tài khoản kêu gọi “xóa tên Văn Lang khỏi danh sách đại học nên chọn”, để lại những bình luận công kích trong các bài viết giới thiệu trường, thậm chí lan sang các video giới thiệu sinh viên năng động, thành tích học tập, hoạt động thiện nguyện. “Trường gì mà dạy ra sinh viên như vậy?”, “Học ở đó chắc toàn thái độ phản cảm như nhau”, những bình luận kiểu này xuất hiện dày đặc và có xu hướng quy chụp nặng nề.

Không dừng lại ở mạng xã hội, các sinh viên của Đại học Văn Lang đang bắt đầu chịu tác động trực tiếp trong cuộc sống thường ngày. Bạn N.T.M., sinh viên năm 3, ngành Quan hệ công chúng, kể lại trong tiếng thở dài: “Mình chỉ đang chờ xe buýt gần vòng xoay Lăng Cha Cả, mặc đồng phục trường, thì bị một người đàn ông tầm 40 tuổi ném chai nước vào chân, vừa ném vừa chửi: ‘Không biết tôn trọng quá khứ!’ Mình thực sự sốc. Lúc đó còn không hiểu chuyện gì xảy ra”.

Đại học Văn Lang đang hứng chịu nhiều tiêu cực không đáng có

Đại học Văn Lang đang hứng chịu nhiều tiêu cực không đáng có

Một trường hợp khác là H.H., sinh viên năm 1, khoa Thiết kế đồ họa bị ném trứng khi đứng trước cổng một trung tâm thương mại ở quận 1. “Lúc đó mình đi chơi với bạn, không ai nhắc gì đến vụ việc cả. Bất ngờ có hai người đi ngang, nhìn vào balo trường rồi chửi và ném trứng vào người. Họ bỏ đi ngay sau đó. Mình vừa xấu hổ vừa hoảng sợ”.

Không ít sinh viên cho biết họ phải giấu áo đồng phục, tránh gắn logo trường lên xe hoặc balo, thậm chí hạn chế nhắc đến tên trường trong các cuộc trò chuyện công khai. Một số bạn còn bị từ chối tham gia sự kiện, phỏng vấn hoặc cộng tác ở nơi làm thêm, chỉ vì “đến từ Đại học Văn Lang”.

Bạn H.L., sinh viên năm cuối, ngành Kỹ thuật phần mềm, tâm sự: “Mình có học bổng 3 năm liền, từng đi trao đổi tại Thái Lan. Vậy mà mới đây, khi ứng tuyển thực tập, một công ty từ chối vì thấy là sinh viên của Đại học Văn Lang trong hồ sơ. Họ bảo sợ ảnh hưởng danh tiếng. Cảm giác như mọi thứ mình cố gắng bao năm giờ bị đạp đổ”.

Từ một góc độ khác, nhiều giảng viên cũng cảm thấy buồn khi thấy hình ảnh trường bị bóp méo bởi một cá nhân. “Chúng tôi từng rất tự hào khi sinh viên của mình giành giải quốc gia, có đề tài nghiên cứu được đăng tạp chí quốc tế. Nhưng giờ, nói tới Văn Lang là bị cười cợt. Không ai hỏi về chất lượng giảng dạy, chỉ hỏi trường mấy hôm nay sao thế”, một trưởng khoa của Đại học Văn Lang chia sẻ.

Cần dừng ngay những hành vi tiêu cực

Những sự việc như vừa qua cho thấy mặt trái đáng lo ngại của mạng xã hội khi công lý bị thay thế bằng cảm tính và một cái tên trường học có thể trở thành đối tượng bị kết án tập thể. Từ một hành vi, có thể và nên xử lý nghiêm thì dư luận đã kéo theo một cuộc “hành quyết danh tiếng” mà nạn nhân lại là hàng nghìn sinh viên, giảng viên không liên quan. Sự bức xúc là dễ hiểu, nhưng phản ứng cực đoan như ném trứng, xô đẩy, từ chối việc làm, kỳ thị nơi công cộng là không thể chấp nhận.

Những hành vi ấy không còn là “bảo vệ lẽ phải” mà đang xâm phạm đến quyền lợi, danh dự và thậm chí là sự an toàn của những người vô tội. Việc gọi Văn Lang là “tứ đại bổ túc”, cụm từ mang tính miệt thị từ nhiều năm trước nay quay lại với mức độ “sát thương” lớn hơn khi được lan truyền bằng các video chế và bình luận hàng loạt trên mạng xã hội.

Điều này không chỉ làm tổn thương sinh viên Văn Lang mà còn hạ thấp vai trò của cả hệ thống giáo dục ngoài công lập, vốn vẫn đang vật lộn chứng minh năng lực trong con mắt định kiến.

Sự việc lần này một lần nữa đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc phân biệt rạch ròi giữa cá nhân và tổ chức, giữa hành vi sai phạm và một cộng đồng có trách nhiệm. Trong khi hành vi đáng phê phán cần được xử lý đúng mực, thì những phản ứng thiếu kiểm soát lại đẩy xã hội về phía cực đoan.

Đã đến lúc dư luận học cách kiềm chế cơn phẫn nộ và hành xử với lòng công tâm cũng là điều thiết yếu nhất để bảo vệ một môi trường giáo dục nhân văn và một xã hội không chấp nhận bạo lực từ bàn phím.

Theo thông tin mới nhất, Đại học Văn Lang đang tiến hành rà soát và xử lý vụ việc theo đúng quy định, đồng thời đã gửi lời kêu gọi sinh viên bình tĩnh, tránh phản ứng tiêu cực.

Minh Anh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/dai-hoc-van-lang-bi-tan-cong-khong-the-bao-bien-la-bao-ve-le-phai-386643.html