Sở GD&ĐT thiếu nhân lực, nhiều lãnh đạo phải đảm đương công việc của chuyên viên

Do thiếu chuyên viên, nên nhiều lãnh đạo phải đảm đương công việc của chuyên viên hoặc điều động giáo viên biệt phái từ các trường lên.

Mới đây, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam công bố báo cáo Phân tích ngành giáo dục Việt Nam giai đoạn 2011-2020, đã chỉ ra nhiều khó khăn trong bối cảnh thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục.

Theo đó, hai trong nhiều chủ đề được báo cáo này tập trung phân tích là Quản lý nhân lực và Tài chính giáo dục.

Báo cáo đánh giá quy trình quản lý nhân lực phức tạp ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả quản lý.

Cụ thể, quy trình quản lý nguồn nhân lực phức tạp do phải tuân thủ nhiều Luật (như Luật Cán bộ, Công chức, Luật Viên chức và Luật Giáo dục) và với nhiều cơ quan chủ quản khác nhau.

Các quyết định quản lý hành chính liên quan đến việc tuyển dụng và phân bổ giáo viên có sự tham gia của ngành GD-ĐT, ngành Nội vụ, UBND các cấp và nhà trường. Sự phức tạp này có xu hướng làm hạn chế hiệu quả và hiệu lực quản lý.

Cùng đó, vai trò của ngành giáo dục trong việc tuyển dụng đội ngũ cũng bị hạn chế.

Cán bộ quản lý giáo dục địa phương là giám đốc, phó giám đốc, trưởng phòng, phó trưởng phòng chuyên môn và chuyên viên của Sở GD&ĐT, trưởng phòng, phó trưởng phòng và chuyên viên của phòng GD&ĐT.

Nhiều lãnh đạo phải đảm đương công việc của chuyên viên hoặc điều động giáo viên biệt phái từ các trường lên. Ảnh minh họa PHI HÙNG

Nhiều lãnh đạo phải đảm đương công việc của chuyên viên hoặc điều động giáo viên biệt phái từ các trường lên. Ảnh minh họa PHI HÙNG

Tuy vậy, thẩm quyền giao biên chế, tuyển dụng và quản lý đội ngũ này lại thuộc UBND tỉnh và ngành Nội vụ.

Ngành Giáo dục không được giao nhiệm vụ chủ trì, đầu mối tham mưu về công tác tuyển dụng dẫn đến tình trạng thiếu cán bộ quản lý cấp phòng, sở; đồng thời thừa - thiếu giáo viên và mất cân đối cơ cấu giáo viên ở nhiều địa phương và cơ sở giáo dục.

Do thực hiện chính sách giảm biên chế, hầu hết các sở/phòng GD&ĐT đều thiếu cán bộ chỉ đạo và chuyên viên điều hành hoạt động chuyên môn.

Mỗi Phòng GD&ĐT thường có 1, 2 phó trưởng phòng (quy định tối đa là 3 người); mỗi sở/phòng GD&ĐT thường có 8-10 chuyên viên (trong khi nhu cầu mỗi Phòng GD&ĐT cần 16-20, mỗi Sở GD&ĐT cần 65-70 chuyên viên).

Do thiếu chuyên viên, nên nhiều lãnh đạo phải đảm đương công việc của chuyên viên hoặc điều động giáo viên biệt phái từ các trường lên.

Mặt khác, do cán bộ quản lý cấp sở/phòng không có phụ cấp thâm niên, phụ cấp đứng lớp, nên không khuyến khích, thu hút được người giỏi về công tác tại phòng/sở GD&ĐT.

Theo thống kê ở năm học 2019-2020, tình trạng thiếu giáo viên thể hiện rõ rệt ở trường tiểu học học 2 buổi/ngày (thiếu 8.743 giáo viên) và THPT (thiếu 4.706 giáo viên).

Năm học 2019-2020, toàn quốc thiếu hơn 42.000 giáo viên mầm non công lập, đã tạo áp lực rất lớn cho đội ngũ: thời gian làm việc mỗi ngày trên 10 tiếng, chưa kể thời gian đón, trả trẻ, sinh hoạt chuyên môn, hoạt động xã hội…

Việc phân bổ ngân sách nhà nước chi thường xuyên tại địa phương dựa trên dân số trong độ tuổi đến trường từ 1 - 18 tuổi và định mức phân bổ theo khu vực địa lý và phải đảm bảo tỉ lệ chi thường xuyên cho hoạt động chuyên môn và chi lương là 18%:82%.

Tuy nhiên, trong thực tiễn, chỉ khoảng 50% địa phương bảo đảm tỉ lệ chi này cho hoạt động chuyên môn. Một số địa phương còn ở mức dưới 10% (Hà Giang 4%, Tuyên Quang 3%, Sơn La 9%, Hòa Bình 6%, Sóc Trăng 6%).

Vì vậy, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đưa ra kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cần có cơ chế thu hút người giỏi thi vào các trường sư phạm và cống hiến cho ngành giáo dục.

PHI HÙNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/so-gd-dt-thieu-nhan-luc-nhieu-lanh-dao-phai-dam-duong-cong-viec-cua-chuyen-vien-post693009.html