Sở GD&ĐT tỉnh diện tích lớn nhất cả nước có giám đốc và 10 phó giám đốc

Sau khi hợp nhất ba tỉnh Đắk Nông, Bình Thuận và Lâm Đồng, bà Lê Thị Bích Liên được bổ nhiệm chức vụ Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Lâm Đồng.

.t1 { text-align: justify; }

Theo Nghị quyết số 202/2025/QH15 của Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh,
sắp xếp toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của tỉnh Đắk Nông, tỉnh Bình Thuận và tỉnh Lâm Đồng thành tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Lâm Đồng. Sau khi sắp xếp, tỉnh Lâm Đồng có diện tích tự nhiên là 24.233,07 km2, quy mô dân số là 3.872.999 người. Tỉnh Lâm Đồng giáp các tỉnh Đắk Lắk, Đồng Nai, Khánh Hòa, Thành phố Hồ Chí Minh, Vương quốc Cam-pu-chia và Biển Đông. [1]

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lâm Đồng có giám đốc và 10 phó giám đốc

Ngày 3/7, Tỉnh ủy Lâm Đồng đã tổ chức Hội nghị công bố các Quyết định về tổ chức bộ máy và công tác cán bộ. Theo đó, Tỉnh ủy Lâm Đồng đã công bố và trao quyết định về công tác cán bộ đối với cấp trưởng, cấp phó các cơ quan tham mưu, giúp việc của Tỉnh ủy, các Đảng ủy thuộc Tỉnh ủy.

Bà Lê Thị Bích Liên - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Thuận (cũ) được bổ nhiệm giữ chức Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lâm Đồng cùng 10 phó giám đốc. [2]

 Bà Lê Thị Bích Liên làm Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lâm Đồng.

Bà Lê Thị Bích Liên làm Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lâm Đồng.

Theo bản tiểu sử tóm tắt ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Thuận (cũ) nhiệm kỳ 2021-2026, bà Lê Thị Bích Liên sinh ngày 25/8/1981, quê ở Bình Thuận. Bà Liên tốt nghiệp đại học chuyên ngành Sinh học, thạc sĩ chuyên ngành Sinh học, cao cấp lý luận chính trị và có nhiều năm gắn bó với công tác Đoàn.

Về quá trình công tác, từ tháng 3/2008 đến tháng 8/2011, bà Lê Thị Bích Liên là giảng viên Trường Cao đẳng Y tế Bình Thuận, Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tại Trường Cao đẳng Y tế Bình Thuận, Ủy viên Ban chấp hành Tỉnh đoàn Bình Thuận (từ tháng 7/2009), Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh đoàn Bình Thuận (từ tháng 2/2010).

Từ tháng 8/2011 đến tháng 9/2017, bà là Phó Bí thư Tỉnh Đoàn, Phó Bí thư chi bộ Tỉnh đoàn Bình Thuận (từ tháng 6/2014).

Từ tháng 9/2017 đến tháng 10/2017, bà Liên là Bí thư Tỉnh đoàn Bình Thuận.

Từ tháng 11/2017 đến tháng 8/2020, bà là Tỉnh ủy viên (từ tháng 11/2018), Bí thư Tỉnh đoàn, Bí thư Chi bộ Tỉnh đoàn Bình Thuận, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối Các cơ quan tỉnh, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối Cơ quan và doanh nghiệp tỉnh.

Từ tháng 2020 đến 2021 (thời điểm kê là tháng 3/2021), bà là Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Tỉnh ủy kiêm Phó Trưởng Ban Thường trực Ban bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối Cơ quan và doanh nghiệp tỉnh.

Thông tin từ Cổng thông tin điện tử Bình Thuận (cũ), tháng 10/2024, bà Liên được bổ nhiệm làm Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh. Trước khi được bổ nhiệm, bà là Bí thư Huyện ủy Hàm Thuận Nam.

Tháng 2/2025, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận (cũ) có quyết định điều động, bổ nhiệm bà Lê Thị Bích Liên - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đến nhận công tác tại Sở Giáo dục Đào tạo và giữ chức vụ Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo. [3]

Những thuận lợi trong phát triển giáo dục và thách thức cần nỗ lực giải quyết

Trước sáp nhập, tỉnh Đắk Nông, tỉnh Bình Thuận và tỉnh Lâm Đồng đều có những thành tích đáng ghi nhận trong phát triển giáo dục, tạo tiền đề thuận lợi để tiếp tục nâng cao chất lượng sau khi sáp nhập.

Cụ thể, trước thời điểm sáp nhập, trong giai đoạn 2020–2025, ngành giáo dục Lâm Đồng đã không ngừng nỗ lực, vượt qua khó khăn, đạt được nhiều kết quả đáng tự hào. Chất lượng giáo dục toàn diện được nâng cao, với tỷ lệ trường phổ thông công lập đạt chuẩn quốc gia đạt 83,22%, vượt chỉ tiêu đề ra.

 Ảnh minh họa: Báo Lâm Đồng.

Ảnh minh họa: Báo Lâm Đồng.

Đội ngũ nhà giáo đoàn kết, sáng tạo, nhiều thầy giáo, cô giáo có trình độ chuyên môn trên chuẩn, đạt nhiều thành tích cao và nhiều đơn vị trường học dẫn đầu các phong trào thi đua, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ: 1 tập thể được tặng Huân chương Lao động hạng Nhất, 1 tập thể được tặng Huân chương Lao động hạng Nhì, 1 tập thể được tặng Huân chương Lao động hạng Ba, 1 tập thể đạt Danh hiệu Anh hùng Lao động; 15 cá nhân được phong tặng Danh hiệu Nhà giáo Ưu tú; 16 tập thể và 41 cá nhân được trao tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 20 tập thể được trao tặng Cờ thi đua của Chính phủ; 1 cá nhân được trao tặng Danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc; 118 tập thể và 304 cá nhân được trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo, 3 tập thể được trao tặng Cờ thi đua của Bộ Giáo dục Đào tạo; 182 tập thể và 652 cá nhân được trao tặng Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, 147 tập thể được trao tặng Cờ thi đua của tỉnh, 630 tập thể lao động xuất sắc, 243 cá nhân được trao tặng Danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh.

Trong năm học 2024-2025, tỉnh Lâm Đồng có 46 học sinh đạt giải trong Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, với 1 giải Nhất môn Tin học, 5 giải Nhì, 8 giải Ba và 32 giải Khuyến khích. Số học sinh đạt giải học sinh Giỏi cấp tỉnh là 1.243 em trên tổng số 2.146 học sinh dự thi. Cuộc thi Khoa học Kỹ thuật cấp tỉnh có 83 dự án của 156 học sinh tham gia. 3 dự án của tỉnh đã tham dự cuộc thi cấp quốc gia, đạt 1 giải Tư và 1 giải Triển vọng... Đó là công sức, tâm huyết của hơn 22.000 cán bộ, giáo viên, người lao động của ngành Giáo dục Lâm Đồng. [4]

Đối với tỉnh Đắk Nông trước thời điểm sáp nhập, theo thống kê, toàn tỉnh có 370 cơ sở giáo dục ở các bậc năm học 2024-2025. Từ các nguồn vốn khác nhau, ngành Giáo dục được đầu tư khoảng 335,58 tỷ đồng, trong đó 324,26 tỷ đồng xây mới phòng học, cải tạo sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất. Nhiều địa phương đã chủ động ưu tiên tập trung nguồn vốn đầu tư xây mới, sửa chữa trường lớp học để đạt các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.

Điển hình là huyện Đắk Glong (cũ), đơn vị có số kinh phí đầu tư lớn nhất với trên 120,25 tỷ đồng. Với nguồn kinh phí này, địa phương đã xây mới 44 phòng học, 46 phòng học bộ môn, 1 nhà hiệu bộ, 6 nhà đa năng và sửa chữa các hạng mục công trình hạ tầng kỹ thuật ở các trường và các công trình phụ trợ khác.

Huyện Đắk Song (cũ) cũng đã ưu tiên bố trí khoảng 33,7 tỷ đồng xây mới 14 phòng học, 4 phòng chức năng, 1 nhà hiệu bộ, 2 nhà bảo vệ, cải tạo 36 phòng học, 1 nhà bếp, 2 khu giáo dục thể chất, nhà vệ sinh giáo viên, 1 nhà vệ sinh học sinh, 1 nhà bảo vệ, cổng, hàng rào và mương thoát nước,…

Ngành Giáo dục tỉnh Đắk Nông (cũ) đã thực hiện các gói thầu mua sách vở cho học sinh dân tộc thiểu số, mua sắm thiết bị mầm non, bàn ghế học sinh và bổ sung thiết bị dạy học tối thiểu, thiết bị chương trình phổ thông mới, thiết bị hỗ trợ học trực tuyến với số kinh phí là 11,32 tỷ đồng. Sở Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện quy trình mua sắm trang thiết bị dạy học tối thiểu cho các lớp 5, 9, 12 và mua sắm thiết bị bổ sung cho các lớp còn lại.

Để nâng cao chất lượng giảng dạy, ngành Giáo dục đã tổ chức các lớp tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, giáo viên cốt cán ở các bậc học nhằm cập nhật những kiến thức chuyên môn mới, nhất là các phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá học sinh. Có 100% cán bộ, giáo viên được tham gia các lớp học chính trị trong dịp hè. [5]

 Ảnh minh họa: Báo Lâm Đồng.

Ảnh minh họa: Báo Lâm Đồng.

Về phía tỉnh Bình thuận trước thời điểm sáp nhập, ngành Giáo dục giai đoạn 2020- 2025 đã không ngừng nỗ lực, vượt qua khó khăn, đạt được nhiều kết quả đáng tự hào. Nhiều phong trào thi đua, cuộc vận động được phát động và mang lại hiệu quả. Trong đó có phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023-2030”; cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, “Hỗ trợ giáo dục miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn”,… [6]

Quy mô mạng lưới trường, lớp được địa phương quan tâm mở rộng, quy hoạch, sắp xếp lại theo hướng tập trung để nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ, cơ sở vật chất được xây dựng theo hướng kiên cố, đạt chuẩn, đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình Giáo dục mầm non, tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ đến trường, đặc biệt là trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn ngày một tốt hơn. Tỉ lệ phòng học tạm, nhờ giảm 0,15%; tỉ lệ phòng học kiên cố tăng 0,87%, từng bước đáp ứng nhu cầu phòng học cho cấp học mầm non.

Bên cạnh đó, công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia được đảm bảo đúng kế hoạch. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp học được củng cố, kiện toàn về số lượng và chất lượng đảm bảo đồng bộ về cơ cấu, chuẩn hóa về trình độ đào tạo; chú trọng đổi mới công tác quản lý, quản trị trường học, phương pháp dạy học; chất lượng giáo dục toàn diện, mũi nhọn. Tỉ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông của tỉnh Bình Thuận (cũ) năm 2024 đạt 98,88%, khi tỉ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông bình quân của cả nước là 99,40%. [7]

Bên cạnh những thuận lợi và thành tích nổi bật mà ngành giáo dục của ba tỉnh Đắk Nông, tỉnh Bình Thuận và tỉnh Lâm Đồng đã đạt được, việc sáp nhập cũng đặt ra không ít thách thức cho Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lâm Đồng (mới). Trước đó, ngành giáo dục và đào tạo phải đối mặt với những hạn chế, khó khăn vốn có như: thực trạng thiếu giáo viên, đặc biệt là các nhóm, lớp độc lập tư thục; thiếu các phòng chức năng như phòng học môn Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mĩ thuật, phòng thư viện, thiết bị;… [5]

Sau khi sáp nhập, Lâm Đồng trở thành tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước. Việc xây dựng một hệ thống giáo dục thống nhất, đồng bộ, đảm bảo công bằng và nâng cao chất lượng giáo dục trên toàn tỉnh sẽ đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt, linh hoạt và sáng tạo của ngành Giáo dục trong thời gian tới.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://vanban.chinhphu.vn/?pageid=27160&docid=213930

[2] https://lamdong.edu.vn/en/sgddetail/?param=lam-dong-bo-nhiem-lanh-dao-cac-so-ban-nganh

[3] https://giaoduc.net.vn/chi-tiet-danh-sach-giam-doc-pho-giam-doc-phu-trach-so-gd-34-tinh-thanh-sau-sap-nhap-post252526.gd

[4] https://baolamdong.vn/chu-tich-ubnd-tinh-nganh-giao-duc-lam-dong-can-viet-tiep-nhung-trang-su-vang-277216.html

[5] https://nhandan.vn/dak-nong-san-sang-cho-nam-hoc-moi-post828496.html

[6] https://chinhsachcuocsong.vnanet.vn/binh-thuan-thich-ung-voi-nhung-thay-doi-day-manh-thi-dua-day-tot-hoc-tot/63715.html

[7] https://binhthuan.gov.vn/tin-chinh-quyen/binh-thuan-tong-ket-nam-hoc-2023-2024-trien-khai-nhiem-vu-nam-hoc-2024-2025-895232

Lưu Diễm

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/so-gddt-tinh-dien-tich-lon-nhat-ca-nuoc-co-giam-doc-va-10-pho-giam-doc-post252571.gd