Tham gia coi thi, chấm thi khá áp lực, vậy giáo viên được những gì?

Những cán bộ, giáo viên được sở giáo dục điều động đều xem đây là vinh dự, trách nhiệm, nghĩa vụ của mình đối với địa phương.

Việc huy động cán bộ, giáo viên, nhân viên ở các trường học tham gia Hội đồng coi thi, chấm thi thi tuyển sinh 10; thi tốt nghiệp trung học phổ thông là công việc hằng năm của các sở giáo dục và đào tạo ở địa phương.

Trong 2 kỳ thi này, số lượng giáo viên cấp trung học phổ thông tham gia nhiều hơn, giáo viên trung học cơ sở chủ yếu chỉ tham gia chấm thi tuyển sinh 10 và một số rất ít tham gia coi thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Liên quan đến công tác coi thi, chấm thi thường rất áp lực, nghiêm ngặt và phải đúng quy trình nên nhiều giáo viên trung học cơ sở khi được điều động đi chấm thi, coi thi thường viện lý do để từ chối. Tuy nhiên, cũng rất nhiều cán bộ, giáo viên xem đây là trách nhiệm và nghĩa vụ của mình.

Hơn nữa, tham gia coi thi, chấm thi sẽ giúp cho giáo viên tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm, nhất là đi chấm thi. Vì trải qua nhiều ngày chấm thi, giáo viên sẽ có cái nhìn tổng quát, từ đó sẽ giúp ích cho công việc giảng dạy và ôn thi ở các năm học tiếp theo cho học sinh của mình một cách hiệu quả hơn.

 Ảnh minh họa: Phạm Thi

Ảnh minh họa: Phạm Thi

Nhiều kinh nghiệm được rút ra sau mỗi lần đi chấm thi

Hiện nay, kỳ thi tuyển sinh 10 và thi tốt nghiệp trung học phổ thông chủ yếu sở giáo dục sẽ điều động cán bộ, giáo viên, nhân viên các trường trung học phổ thông làm nhiệm vụ coi thi. Những địa phương có tỉ lệ thí sinh dự thi tuyển sinh 10 ít thì việc coi thi kỳ thi này không điều động giáo viên trung học cơ sở.

Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông thì sở giáo dục sẽ điều động một số ít cán bộ, giáo viên các trường trung học cơ sở làm công tác kiểm tra (chủ yếu là hiệu trưởng), giám sát. Việc coi thi trong phòng thi chủ yếu là giáo viên trung học phổ thông đảm nhận, rất ít giáo viên trung học cơ sở làm nhiệm vụ trong phòng thi.

Đối với kỳ thi tuyển sinh 10 hiện nay đa phần các địa phương tổ chức hình thức bài thi tự luận, hoặc kết hợp giữa tự luận với trắc nghiệm khách quan nên sở sẽ điều động giáo viên các môn học này tham gia chấm các môn thi với số lượng tương đối lớn. Thông thường, khi chấm thi tuyển sinh 10 thì giáo viên trung học cơ sở và trung học phổ thông có số lượng tương đương nhau. Khi phân công chấm cũng thường phân theo cặp, giáo viên trung học cơ sở chấm cặp với giáo viên trung học phổ thông.

Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông chỉ có môn Ngữ văn là tự luận, các môn thi còn lại đều là trắc nghiệm nên sở sẽ điều động một lượng lớn giáo viên Ngữ văn cấp trung học phổ thông chấm thi.

Nhìn chung, đi chấm thi hiện nay khá áp lực, nhất là giáo viên Ngữ văn bởi giữa đáp án/ hướng dẫn chấm với cách thể hiện bài viết của học sinh thường khác nhau rất nhiều. Vì thế, khi giám khảo chấm cũng thường có sự chênh lệch về điểm số.

Đi chấm thi, gần như bắt buộc là phải theo một tiến độ vạch sẵn của hội đồng chấm thi. Nếu giám khảo chấm không đều nhau sẽ dẫn đến đợi chờ nên gần như ai cũng phải cố gắng làm việc căng thẳng để kịp tiến độ.

Khi thống nhất điểm, cũng là một khâu rất căng thẳng giữa 2 giám khảo- nếu quan điểm 2 người lệch nhau nhiều quá sẽ phải thảo luận với nhau. Vì thế, việc thống nhất điểm thi cho từng xấp bài nhiều khi cũng mất nhiều thời gian.

Áp lực, căng thẳng nhưng sau mỗi đợt chấm thi như vậy, từng giám khảo sẽ đúc kết được nhiều kinh nghiệm quý báu qua việc chấm chung, thống nhất cách chấm, đặc biệt là trực tiếp tham gia chấm hàng trăm bài thi của học sinh.

Từ đó, khi về trường, mỗi giáo viên sẽ rút kinh nghiệm những hạn chế của mình và vận dụng những cái hay, cái mới vào giảng dạy, ôn tập hiệu quả hơn ở các năm học tiếp theo.

Mỗi ngày coi thi, chấm thi được bao nhiêu tiền?

Câu hỏi của những thầy cô giáo không tham gia đi coi thi, chấm thi thường quan tâm mức thù lao mà giáo viên được nhận sau mỗi lần làm nhiệm vụ. Nhiều người vẫn nghĩ rằng khi tham gia coi thi, chấm thi thì sẽ có một khoản thù lao lớn lắm vì ai cũng biết công việc khá áp lực.

Thực tế, công việc coi thi, chấm thi tuyển sinh 10 và thi tốt nghiệp trung học phổ thông diễn ra trong thời điểm nghỉ hè của giáo viên nên việc giáo viên tham gia coi thi, chấm thi sẽ được sở giáo dục trả thù lao cho những người tham gia nhiệm vụ.

Việc chi trả chế độ coi thi, chấm thi ở các địa phương hiện nay không giống nhau, mỗi địa phương có một cách chi trả khác nhau theo định mức đã được Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố phê duyệt ở từng cấp học khác nhau.

Vì thế, có địa phương chi trả mỗi ngày trên dưới 1 triệu đồng/ người nhưng cũng có những địa phương chi trả vài trăm ngàn đồng.

Hơn nữa, có những địa phương sẽ chi trả theo ngày làm việc khi tham gia coi thi và chấm thi. Nhưng, cũng có địa phương sẽ chi trả số tiền theo số lượng bài thi. Tổng số tiền của tổng số bài thi sẽ chia đều cho số lượng giám khảo chấm thi.

Chẳng hạn, tại địa phương người viết đang công tác, trước đây đi chấm thi tuyển sinh 10 thường khoán theo số lượng bài thi. Nhưng, mấy năm nay lại chi theo ngày làm việc và theo vị trí công việc mỗi người đảm nhận.

Đối với trưởng hội đồng coi thi, chấm thi tuyển sinh 10 mỗi ngày được chi trả 400.000 đồng; cấp phó được 380.000 đồng; thành viên hội đồng; thư ký và giám thị, giám khảo mỗi ngày 315.000 đồng.

Nếu tham gia ráp phách, nhập điểm mỗi ngày được chi trả 280.000 đồng. Nhân viên phục vụ được chi trả mỗi ngày 200.000 đồng.

Việc chi trả cho cán bộ, giáo viên, nhân viên trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông vừa diễn ra cũng thì có khác một chút. Các thầy cô tham gia làm giám thị, giám sát, thư ký mỗi ngày được 350.000 đồng; phó điểm thi 380.000; trưởng điểm thi 400.000 đồng. Các nhân viên phục vụ, trật tự viên mỗi ngày 200.000 đồng.

Mỗi bộ phận có số ngày phục vụ khác nhau và sẽ nhân với số ngày làm việc ra tổng số tiền được nhận sau khi nhận nhiệm vụ.

Thực tế, chế độ thù lao chi trả cho cán bộ, giáo viên coi thi, chấm thi ở một số địa phương hiện nay có phần khiêm tốn mà trách nhiệm, áp lực tương đối lớn. Không chỉ áp lực khi coi thi, chấm thi mà khi hậu kiểm nếu có sai sót cũng phải chịu trách nhiệm.

Tuy nhiên, những cán bộ, giáo viên được sở giáo dục điều động đều xem đây là trách nhiệm, nghĩa vụ của mình với địa phương.

Cái được không chỉ đơn thuần là tiền bạc sau mỗi lần coi thi và chấm thi, mà cái được lớn nhất là mình được tham gia, được đóng góp cho ngành. Bên cạnh đó, sau mỗi lần coi thi, chấm thi như vậy sẽ đúc kết được nhiều kinh nghiệm quý báu làm hành trang cho những năm sau này.

Đặc biệt, sau mỗi lần đi chấm thi sẽ thấy được chất lượng bài thi ở các địa bàn, thấy được điểm số của các bài thi và so sánh với những lớp mình dạy. Từ đó, có những điều chỉnh phù hợp trong giảng dạy và ôn thi ở các năm học tiếp theo.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

HƯƠNG GIANG

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/tham-gia-coi-thi-cham-thi-kha-ap-luc-vay-giao-vien-duoc-nhung-gi-post252414.gd