Sở GD&ĐT TP.HCM: Ông Vương Tấn Việt không dự thi bổ túc văn hóa
Ông Vương Tấn Việt không có tên trong danh sách dự thi và bảng ghi tên ghi điểm kỳ thi tốt nghiệp bổ túc văn hóa cấp ba năm 1989 của Sở GD&ĐT TP.HCM.
Sở GD&ĐT TP.HCM vừa có văn bản về xác minh văn bằng tốt nghiệp cấp ba bổ túc văn hóa của ông Vương Tấn Việt gửi Ban Tôn giáo Chính phủ - Bộ nội vụ.
Theo đó, ngày 30-7, Sở GD&ĐT có buổi làm việc với đoàn kiểm tra của Ban Tôn giáo Chính phủ - Bộ Nội vụ thông qua giấy giới thiệu 856/GGT-TGCP về việc xác minh quá trình học tập ông Vương Tấn Việt.
Qua buổi làm việc, Sở GD&ĐT đã phối hợp đoàn kiểm tra rà soát toàn bộ hồ sơ gồm danh sách thí sinh tốt nghiệp bổ túc THPT và danh sách ghi tên ghi điểm của tất cả thí sinh dự thi khóa ngày 06 - 6 - 1989.
Kết thúc quá trình kiểm tra, Sở GD&ĐT TP.HCM xác nhận kết nhận kết quả rà soát hồ sơ thi tốt nghiệp THPT của Ông Vương Tấn Việt sinh năm 1959 như sau:
- Không có tên trong danh sách dự thi và bảng ghi tên ghi điểm trong kỳ thi tốt nghiệp bổ túc văn hóa cấp ba năm 1989 của Sở GD&ĐT TP.HCM
- Không có tên trong danh sách cấp bằng tốt nghiệp cấp ba bổ túc văn hóa khóa ngày 6-6-1989 của Sở GD&ĐT TP.HCM.
Như PLO đã đưa tin, thời gian qua, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều thông tin liên quan đến quá trình đào tạo và cấp bằng tiến sĩ luật cho nghiên cứu sinh Vương Tấn Việt (tức Thượng tọa Thích Chân Quang) tại Trường Đại học Luật Hà Nội.
Trong đó, nhiều ý kiến thắc mắc không hiểu làm thế nào mà Thượng tọa Thích Chân Quang có thể bảo vệ luận án tiến sĩ vào tháng 12-2021, trong khi mới nhận bằng cử nhân luật tại chức vào tháng 1-2019.
Chiều 25-6, Trường Đại học Luật Hà Nội đã phát đi thông cáo báo chí chính thức về toàn bộ quá trình đào tạo tiến sĩ đối với Thượng tọa Thích Chân Quang.
Theo đó, tổng thời gian đào tạo của ông Thích Chân Quang kể từ khi được công nhận nghiên cứu sinh đến khi có quyết định công nhận học vị và cấp bằng tiến sĩ là 2 năm 3 tháng. Theo Trường Đại học Luật Hà Nội, điều này đáp ứng và tuân thủ tất cả các quy định liên quan.