Sở GD Lào Cai đề nghị tiếp tục hỗ trợ trẻ mầm non, HS bán trú vùng DTTS ăn trưa
Sở GD Lào Cai đề nghị tiếp tục hỗ trợ ăn trưa cho trẻ mầm non, HS bán trú vùng DTTS, miền núi (ngoài đối tượng đã được Chính phủ hỗ trợ); hỗ trợ GV dạy ngoại ngữ.
Tiếp tục hỗ trợ cho học sinh ngoài các đối tượng đã được Chính phủ quan tâm
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai đã có báo cáo sơ kết phong trào thi đua, công tác khen thưởng 6 tháng đầu năm 2023, phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023.
Báo cáo này đã chỉ ra một số kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm 2023:
Về triển khai có hiệu quả phong trào thi đua “Đổi mới sáng tạo trong dạy và học”, ngành Giáo dục và Đào tạo Lào Cai đã chủ động, tích cực triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Ưu tiên cân đối ngân sách để đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tối thiểu bảo đảm thực hiện chương trình mới đối với lớp 1, lớp 2, lớp 3 và lớp 6, lớp 7 và chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Tiếp tục tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch rà soát thực hiện quy hoạch mạng lưới trường, lớp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó, tập trung: giảm, xóa, gộp điểm trường, giảm lớp, giảm học sinh ở điểm trường lẻ, tăng số học sinh ở trường chính, tăng số học sinh/lớp để tập trung đầu tư; gắn sắp xếp trường, lớp với thực hiện tinh, giản biên chế, đáp ứng tốt nhu cầu học học tập của nhân dân, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Về phát triển quy mô trường, lớp, học sinh: Năm học 2022-2023, toàn tỉnh có 612 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên, 8.197 lớp với 229.495 học sinh (so với năm học 2021-2022 tăng 3.817 học sinh), chia ra: mầm non 197 trường, 2.350 nhóm/lớp, 57.397 trẻ; tiểu học 182 trường, 3.423 lớp, 86.094 học sinh (giảm 77 lớp, tăng 750 học sinh); trung học cơ sở 187 trường, 1.745 lớp, 59.287 học sinh (tăng 29 lớp, 1.164 học sinh); trung học phổ thông 36 trường, 572 lớp, 22.660 học sinh (tăng 19 lớp, 1.113 học sinh); trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên có 10 trung tâm, 99 lớp, 4.065 học viên (tăng 5 lớp, 808 học viên).
Tiếp tục triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới trên địa bàn tỉnh Lào Cai; kế hoạch đảm bảo cơ sở vật chất thiết bị dạy học; kế hoạch bồi dưỡng; đảm bảo đội ngũ; thực hiện biên soạn chương trình giáo dục địa phương; hiện đang tiến hành lựa chọn bộ sách giáo khoa lớp 4, lớp 8 và lớp 11 phù hợp với giáo dục Lào Cai; tổ chức cho toàn bộ cán bộ quản lý, giáo viên nghiên cứu chương trình giáo dục phổ thông mới để nắm chắc bản chất và những điểm mới của chương trình; tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên trực tiếp dạy học lớp 4, lớp 8 và lớp 11; tổ chức biên soạn thẩm định và trình phê duyệt tài liệu giáo dục địa phương theo đúng quy định; trình Ủy ban nhân dân tỉnh giao kinh phí mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu theo Thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Phong trào thi đua “Xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia gắn với xây dựng nông thôn mới và xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” đã thu được kết quả tốt. Tỉ lệ phòng học kiên cố đạt 76,1% (tăng 1,2% so với năm 2020); tỷ lệ phòng học/lớp học: Đạt gần 01 phòng/01 lớp học, cơ bản đảm bảo học 02 buổi/ngày; đảm bảo thiết bị dạy học tối thiểu, cơ bản các trường đã có nước sạch, điện lưới quốc gia và máy tính kết nối Internet. Cơ bản đủ chỗ ở, giường nằm học sinh bán trú; chỗ ở giáo viên, nhân viên. Môi trường giáo dục, cảnh quan trường, lớp xanh, sạch, đẹp. Xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia gắn với xây dựng nông thôn mới, đến nay có 398 trường, đạt 66,1%. Tập trung triển khai kế hoạch đầu tư xây dựng phòng học, trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú, trường Trung học phổ thông Chuyên.
100% các cơ sở giáo dục đã có nhà lớp học kiên cố tại trường chính; trường, lớp học sạch, đẹp, từng bước hiện đại từ vùng thấp, đến vùng cao. Quy hoạch lại mạng lưới trường, lớp; phát triển quy mô giáo dục đáp ứng tốt nhu cầu học tập của nhân dân. Trong năm học 2023-2024 tiếp tục sáp nhập được 06 trường thành 03 trường; sáp nhập (gộp) 19 điểm trường mầm non và tiểu học; xóa 72 điểm trường; đưa 2.233 học sinh lớp 3, 4, 5 ở điểm trường về trường chính.
Phong trào thi đua “Dạy tốt - Học tốt” đã thu được kết quả tích cực. Việc phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh năng khiếu, nghiên cứu khoa học, ôn thi tốt nghiệp trung học phổ thông tiếp tục được chú trọng, nhiều biện pháp, giải pháp hiệu quả được đề xuất để nâng cao chất lượng...
Bên cạnh những kết quả tích cực, với các bài học kinh nghiệm, báo cáo cũng đề cập đến một số kiến nghị, đề xuất với tỉnh, cụ thể: Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp tục có chính sách hỗ trợ bữa ăn trưa, sữa học đường cho trẻ mầm non, tiền ăn cho học sinh bán trú ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (ngoài các đối tượng đã được Chính phủ hỗ trợ); hỗ trợ giáo viên dạy ngoại ngữ.
Đồng thời, tiếp tục ưu tiên các nguồn lực đầu tư cho giáo dục, đặc biệt, kinh phí đảm bảo cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; bồi dưỡng giáo viên để triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới; kinh phí đầu tư xây dựng phòng học, phòng học bộ môn giai đoạn 2022-2025.
Thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ chính sách cho nhà giáo
Phương hướng, nhiệm vụ và các giải pháp thực hiện nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, bao gồm:
Một là, tiếp tục hoàn thiện mạng lưới trường, lớp; phát triển quy mô giáo dục hợp lý.
Hai là, xây dựng và triển khai Đề án phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên giai đoạn 2020-2025, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo.
Ba là, đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; kiểm định giáo dục; thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới: Chủ động, tích cực triển khai thực hiện chương trình; biên soạn và triển khai tài liệu giáo dục địa phương thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới đảm bảo tính khoa học, thực tiễn, liên thông, thống nhất giữa các môn học, cấp học.
Bốn là, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục ở vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn: Triển khai thực hiện Đề án phát triển hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú giai đoạn 2020-2025. Củng cố, phát triển hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú. Tiếp tục ưu tiên đầu tư cho các trường này đảm bảo đủ các điều kiện hoạt động và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Năm là, duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, nhất là phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, tiến tới phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 4 tuổi; phổ cập giáo dục ở 100% xã, phường, thị trấn, 100% cấp huyện. Đến năm 2025, tỉ lệ phổ cập giáo dục trung học cơ sở 100% xã, phường, thị trấn, đạt trên 90%. Thực hiện hướng nghiệp, phân luồng sau trung học cơ sở; xóa mù chữ mức độ 1, mức độ 2 khoảng 5.000 người trong độ tuổi từ 15-60; nâng tỉ lệ người biết chữ lên 95%; đào tạo nghề cho người lao động, trong đó người biết chữ trong độ tuổi từ 15-35 đạt tỉ lệ 30%.
Phấn đấu 100% trường trung học cơ sở và trung học phổ thông có chương trình giáo dục hướng nghiệp gắn với sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; đối với các huyện 30a, các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 80%; ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; đối với các huyện 30a, các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 30% (trong đó, từ 10-15% học giáo dục thường xuyên và học nghề)...
Sáu là, đổi mới công tác quản lý giáo dục, đào tạo, bảo đảm dân chủ, công khai, thống nhất; tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục, người đứng đầu cơ sở giáo dục.
Bảy là, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; nâng cao chất lượng dạy, học ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên giai đoạn 2020-2025”. Rà soát, đánh giá, xếp loại, xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực ngoại ngữ cho giáo viên để đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng. Xây dựng môi trường học và sử dụng ngoại ngữ, phát động phong trào giáo viên cùng học ngoại ngữ. Tăng cường dạy và học ngoại ngữ trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Xây dựng mô hình dạy học tiếng Anh trực tuyến; đa dạng hóa hình thức kết nối với giáo viên bản ngữ để nâng cao kỹ năng nghe, nói...
Tám là, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa và hiện đại hóa; đảm bảo đủ kinh cho giáo dục, đào tạo.
Chín là, đẩy mạnh xã hội hóa, hợp tác và hội nhập quốc tế.
Mười là, thi đua nâng cao chất lượng đội ngũ, xây dựng mỗi đơn vị, nhà trường thực sự là một trung tâm bồi dưỡng giáo viên và “mỗi thầy giáo cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” có hiệu quả. Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ chính sách cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.
Tổ chức bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý có đủ năng lực đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục và nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Tiếp tục xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến như nhà giáo ưu tú, nhà giáo nhân dân; thực hiện tốt việc động viên, khuyến khích cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh, học viên thông qua công tác thi đua khen thưởng...