Sở Giáo dục & Đào tạo Hà Nội nói gì về việc phụ huynh 'vật vã' nộp hồ sơ vào lớp 10?
Sở GD&ĐT khẳng định, tại TP Hà Nội, chỗ học không thiếu. Tuy nhiên, một số trường có uy tín vẫn được phụ huynh 'ưu ái' nộp hồ sơ vào lớp 10 cho con.
Tại phiên chất vấn của HĐND TP Hà Nội chiều 5/7, kỳ họp thứ 12, đại biểu Nguyễn Bích Thủy - Phó Trưởng Ban chuyên trách Ban Pháp chế HĐND Thành phố cho biết, việc thành lập, xác nhận, hợp nhất, giải thể, quy hoạch mạng lưới các đơn vị theo ngành thời gian qua còn chậm, nhất là liên quan đến lĩnh vực giáo dục đào tạo.
Để làm rõ vấn đề này, đại biểu đề nghị Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết nguyên nhân, trách nhiệm của cơ quan chuyên môn tham mưu cho thành phố trong quản lý nhà nước thời gian qua triển khai như thế nào.
Thông tin về vấn đề này, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương chia sẻ: Từ sáng đến nay, các cơ quan báo chí phản ánh việc ở một số trường tư thục phụ huynh xếp hàng từ sáng sớm để nộp hồ sơ cho con. Tuy nhiên, do số lượng tuyển sinh của trường có hạn, dẫn đến vẫn còn nhiều phụ huynh không nộp được hồ sơ cho con.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo khẳng định: "Tại thành phố Hà Nội, chỗ học không thiếu. Tuy nhiên, một số trường có uy tín, đào tạo tốt nên phụ huynh bằng mọi giá, xếp hàng sớm mong con được học ở đó. Chúng tôi đã có sự chấn chỉnh" - ông Trần Thế Cương nhấn mạnh, đồng thời cho biết, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố luôn nỗ lực trong chuyển đổi số. Thời gian tới, sẽ triển khai tuyển sinh trực tuyến, góp phần giảm sự vất vả cho phụ huynh.
Cũng theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở luôn nỗ lực cố gắng về xây dựng mạng lưới trường học; đã và đang cùng các quận, huyện, thị xã báo cáo UBND TP thu hồi các dự án chậm triển khai để xây trường học, nhất là trong khu vực nội đô.
Đặc biệt, năm 2016, thành phố chấp thuận phương án sáp nhập 30 Trung tâm giáo dục thường xuyên, 16 Trung tâm giáo dục kỹ thuật tổng hợp và Trung tâm dạy nghề thành 29 Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, thường xuyên. Hiện nay theo phân cấp, các đơn vị này được giao về cho các quận, huyện quản lý; các trung tâm hiện nay chịu trách nhiệm đào tạo, phân luồng học sinh sau THCS.
Đến thời điểm này, Hà Nội có 2.845 trường học tại 30 quận/huyện và tăng dần theo từng năm. Tuy nhiên mỗi năm cần tăng từ 30 – 35 trường học mới đủ chỗ cho học sinh. Đến nay, TP đang quyết liệt chỉ đạo xây dựng thêm các trường học đảm bảo điều kiện học tập cho học sinh trên địa bàn.
Theo ghi nhận của Báo Công Thương, 4h sáng 5/7, tại Trường THPT Tạ Quang Bửu, hàng trăm phụ huynh vật vờ ngồi trước cổng trường để chờ nộp hồ sơ cho con. Để có một suất cho con vào trường, nhiều phụ huynh đã nghỉ làm từ chiều hôm trước để “canh” xếp hàng chờ lấy số nộp hồ sơ.
Theo nhiều phụ huynh cho biết, việc nhiều trường năm nay lấy điểm cao hơn năm ngoái khiến nhiều phụ huynh xoay không kịp và vất vả hơn trong việc chọn trường cho con.
Không chỉ điểm Trường Tạ Quang Bửu, tại điểm Trường THPT Hoàng Cầu, hàng chục phụ huynh cũng xếp hàng xuyên đêm để chờ giờ nộp hồ sơ cho con.
Trước đó, sáng 4/7, tại Trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa nhiều phụ huynh cũng xếp hàng dài xuyên đêm giành suất vào lớp 10 cho con.
Rất nhiều phụ huynh đến trường nộp hồ sơ cho con sớm hơn giờ công bố của nhà trường nhưng đã không còn cơ hội vì cả trăm người khác đã nhanh chân thức xuyên đêm giữ chỗ.
Ngay từ 5h30, trường đã dừng nhận hồ sơ vì hết số thứ tự cho dù trước đó nhà trường thông báo 7h30 ngày 4/7 mới nhận hồ sơ. Có phụ huynh bật khóc vì không nộp được hồ sơ cho con.
Theo kế hoạch, từ 11h30 ngày 5/7 đến hết ngày 7/7 là thời hạn thí sinh trúng tuyển lớp 10 công lập năm học 2023 - 2024 xác nhận nhập học. Học sinh, cha mẹ học sinh quan tâm có thể liên hệ trực tiếp với các nhà trường để có thêm thông tin.