Sở Giáo dục Hà Tĩnh đã 'cầm cờ' chạy trước, Bộ cần sớm có chỉ đạo chung
Việc Hà Tĩnh mạnh dạn ban hành quyết định đặc cách cũng giống như người cầm cờ trong đội hình chạy đua để những người khác theo cờ đó chạy lên.
Sau vụ việc Hà Tĩnh công nhận đặc cách cho 70 học sinh có điểm IELTS từ 6.5 trở lên là học sinh giỏi cấp tỉnh môn tiếng Anh, đã có không ít ý kiến trái chiều xung quanh vấn đề này.
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, nhà giáo Đậu Xuân Thoan – Giám đốc Trung tâm Ứng dụng khoa học tâm lý - giáo dục thuộc Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam thẳng thắn cho rằng, nên khuyến khích các địa phương nên áp dụng trên diện rộng mô hình này để thúc đẩy phong trào học ngoại ngữ đi lên.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, quá trình để đạt được những số điểm IELTS với mức từ 6.5 trở lên như vậy với các học sinh không hề dễ dàng.
Nhiều giáo viên dạy môn tiếng Anh đánh giá quy trình thi IELTS được thực hiện rất nghiêm túc, khắt khe, phản ánh trung thực và chuẩn xác trình độ nghe, nói, đọc, viết của thí sinh theo chuẩn tiếng Anh quốc tế.
Chúng ta cũng cần phải nhìn nhận rằng, cho dù ở hình thức nào thì một học sinh muốn đạt được danh hiệu học sinh giỏi cấp tỉnh thì đều phải trải qua một quá trình rèn luyện, phấn đấu và điểm chung là đều phải học tốt môn tiếng Anh.
Nếu không có năng lực về tiếng Anh thì khi thi cử học sinh ấy khó mà đạt kết quả như mong muốn.
Nhà giáo Đậu Xuân Thoan cho rằng: “Theo tôi, để theo kịp với nền giáo dục của các nước tiên tiến trên thế giới thì việc ưu tiên và khuyến khích các em theo học ngoại ngữ là điều nên làm.
Dù là đặc cách hay gì khác đi nữa thì chung quy lại cũng là tạo ra động lực để nhiều em phấn đấu, một em làm được chắc chắn các em khác cũng sẽ làm theo.
Xét trên quy mô rộng lớn cũng vậy, nếu như mô hình đó ở Hà Tĩnh thành công, chất lượng học ngoại ngữ của học sinh ở đó được nâng cao, địa phương khác thấy vậy cũng làm theo và cũng đạt thành tích tương tự, như vậy có phải là chúng ta đã thành công trong việc phổ cập ngoại ngữ hay sao.
Việc Hà Tĩnh mạnh dạn ban hành quyết định đặc cách cũng giống như người cầm cờ trong đội hình chạy đua để những người khác theo cờ đó chạy lên.
Còn việc so sánh giữa thi học sinh giỏi và điểm thi IELTS là khập khiễng vì IELTS là chuẩn quốc tế, còn thi học sinh giỏi là theo chuẩn của Việt Nam và mục đích của hai kỳ thi này cũng hoàn toàn khác nhau.
Với những em giỏi thật sự thì cho dù không áp dụng chương trình đặc cách những trường hợp đó cũng chắc chắn sẽ đạt được những thành tích tốt cho dù trải qua bất cứ cuộc thi nào.
Đặc cách là một cách công nhận giá trị của em đó trong một tập thể và làm gương cho những bạn khác noi theo chứ không thể đánh đồng là thiếu công bằng trong mặt bằng chung tuyển sinh được”.
Thầy Đậu Xuân Thoan cũng cho biết thêm, nếu học sinh có IELTS 6.5 trở lên thì đặc cách công nhận học sinh giỏi là có cơ sở khoa học và cũng nhằm để động viên khuyến khích tinh thần học tập trong bối cảnh Việt Nam tụt hạng từ 52 của năm 2019 xuống hạng 65 của năm 2020, trên tổng số 100 quốc gia trong bảng chỉ số thông thạo tiếng Anh toàn cầu.
Đồng thời cho rằng, việc làm của tỉnh Hà Tĩnh là một giải pháp thực tế, khả thi, phù hợp và đáng được sự đồng tình ủng hộ.
“Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nên xem xét để ban hành các văn bản chỉ đạo để khuyến khích những địa phương khác có khả năng thực hiện việc này.
Vì cũng có những địa phương thiếu mạnh dạn, sợ kiểm điểm, sợ trách nhiệm mà bỏ qua những cơ hội tốt để tìm kiếm những nhân tài thực sự.
Chúng ta đã có nhiều thời gian để kích cầu sự phát triển của kinh tế và đã đạt được những thành công bước đầu như hiện nay thì tại sao chúng ta không áp dụng kích cầu trong giáo dục để nâng cao chất lượng giáo dục trong thời gian tiếp theo.
Theo tôi, không chỉ với riêng bộ môn tiếng Anh mà các bộ môn khác cũng nên đưa ra những khung quy chuẩn để các địa phương đối chiếu và áp dụng, khi có văn bản cho phép thì chắc chắn sẽ có nhiều địa phương thực hiện tốt hơn Hà Tĩnh hiện nay” – Thầy Đậu Xuân Thoan nhận định.