Sở Giáo dục Hải Phòng có đánh giá, đề xuất gì sau một năm thí điểm học bạ số?

Sau một năm thí điểm học bạ số, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng đã chỉ rõ những thuận lợi, khó khăn và đề xuất Bộ, thành phố tiếp tục thực hiện.

Năm học 2023-2024 là năm học đầu tiên cấp tiểu học tại Hải Phòng thực hiện thí điểm học bạ số với các khối lớp 1, 2, 3 và 4 (các khối lớp thực hiện đánh giá học sinh tiểu học theo thông tư số 27/2020/TT-BGDĐT), đáp ứng yêu cầu đòi hỏi cấp bách về chuyển đổi số quốc gia.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng, học bạ số là hệ thống dữ liệu học bạ được số hóa, lưu trữ trên môi trường số, có ký xác thực điện tử của cá nhân và tổ chức có thẩm quyền, có giá trị pháp lý để sử dụng trên môi trường số.

Học bạ số đảm bảo lưu trữ đầy đủ, chính xác thông tin về học sinh và kết quả học tập, rèn luyện của học sinh trong quá trình học tập tại trường. Đồng thời đảm bảo nhất quán, toàn vẹn thông tin khi học bạ phát hành (không thể thay đổi thông tin).

Đây có thể được xem là bước khởi đầu quan trọng, hướng đến việc thực hiện học bạ số cho tất cả các khối lớp ở bậc phổ thông.

 Sau một năm thí điểm tại các trường tiểu học ở Hải Phòng, học bạ số giảm áp lực sổ sách cho giáo viên, quản lý hồ sơ minh bạch, tra cứu dễ dàng (Ảnh: Lã Tiến)

Sau một năm thí điểm tại các trường tiểu học ở Hải Phòng, học bạ số giảm áp lực sổ sách cho giáo viên, quản lý hồ sơ minh bạch, tra cứu dễ dàng (Ảnh: Lã Tiến)

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn ông Phạm Quốc Hiệu – Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng về quá trình triển khai thí điểm học bạ số cho học sinh các khối lớp 1,2,3,4 tại các trường học trên địa bàn thành phố.

PV: Năm học 2023-2024 là năm đầu tiên thí điểm triển khai học bạ số ở bậc tiểu học đối với các khối 1,2,3,4. Qua một năm thực hiện, ông đánh giá lợi ích của việc triển khai học bạ số?

Ông Phạm Quốc Hiệu: Năm 2020, Thủ tướng chính phủ đã ký quyết định phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” trong đó Giáo dục là một trong những lĩnh vực cần được ưu tiên thực hiện chuyển đổi số trước tiên. Việc triển khai Học bạ số cấp cấp Tiểu học có thể được đánh giá là một bước tiến lớn trong việc triển khai công tác chuyển đổi số của ngành giáo dục.

Về lâu dài, lợi ích của Học bạ số có thể kể đến: Tính tiện lợi: học sinh, phụ huynh hoàn toàn có thể trực tiếp tra cứu trên hệ thống chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo khi có điện thoại hoặc máy tính.

Tính an toàn dữ liệu: tất cả nội dung trên học bạ, các quá trình nhập, sửa chữa đều được số hóa, lưu lại bằng quy trình chặt chẽ và bảo mật.

Giảm chi phí và tăng sự tiện dụng: Học bạ số sẽ giảm tải việc in ấn hồ sơ trong toàn ngành từ đó sẽ cắt giảm chi phí in ấn, lưu trữ. Việc sử dụng học bạ số trong việc thực hiện các thủ tục (chuyển trường, xác minh…) sẽ được thực hiện hoàn toàn trên môi trường số với tính chính xác cao giúp giảm bớt thời gian, chi phí khi thực hiện các thủ tục này.

Bên cạnh đó, với nền tảng học bạ số được định danh với từng học sinh sẽ là cơ sở để ngành giáo dục và đào tạo triển khai các chương trình chuyển đổi số khác theo yêu cầu phát triển của ngành.

PV: Xin ông cho biết các thuận lợi, khó khăn khi triển khai thí điểm học bạ số tại các nhà trường trên địa bàn thành phố Hải Phòng?

Ông Phạm Quốc Hiệu: Việc triển khai học bạ số tại các trường tiểu học ở Hải Phòng sau một năm thực hiện có những thuận lợi rõ rệt.

Đó là, 100% các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố đều được trang thiết bị công nghệ thông tin đáp ứng được yêu cầu triển khai học bạ số cấp Tiểu học.

100% các cơ sở đã được triển khai Hệ thống Quản lý nhà trường (là một phân hệ của của Hệ thống cơ sở dữ liệu Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng) đã được nâng cấp phân hệ Học bạ số đối với cấp học Tiểu học. Trên hệ thống cơ sở dữ liệu giáo dục và đào tạo Hải Phòng, thông tin của 100% học sinh, giáo viên thường xuyên được cập nhật đảm bảo sống – sạch – chính xác và được đồng bộ với dữ liệu quốc gia về dân cư.

Ngành Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng đã triển khai Đề án ký số từ năm 2023, do đó ngay từ đầu năm 2024, 100% giáo viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đã được cấp chữ ký số và được tập huấn, hướng dẫn sử dụng ký số trên các hồ sơ điện tử. Từ đó việc triển khai Học bạ số cấp tiểu học triển khai thuận lợi và đồng bộ.

 Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng đã chỉ rõ những thuận lợi, khó khăn khi triển khai học bạ số (Ảnh: Lã Tiến)

Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng đã chỉ rõ những thuận lợi, khó khăn khi triển khai học bạ số (Ảnh: Lã Tiến)

Tuy nhiên, việc triển khai học bạ số cũng gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, năm đầu thí điểm triển khai Học bạ số cấp Tiểu học, do trình độ cũng như kỹ năng tin học của giáo viên không đồng đều do đó việc sử dụng phần mềm vẫn còn nhiều bỡ ngỡ và nhiều người thực hiện sai thao tác và phải thực hiện lại nhiều lần.

Đồng thời, chưa có khung pháp lý về học bạ số nên song song việc triển khai học bạ số, các cơ sở giáo dục vẫn triển khai học bạ giấy như quy định hiện hành. Từ đó khiến thao tác, công việc của các cơ sở giáo dục trong thời gian quá độ này tăng nhiều.

Bên cạnh đó, kinh phí đầu tư trang thiết bị, hạ tầng, hệ thống, ứng dụng cho các cơ sở giáo dục còn thiếu và chưa có cơ chế rõ ràng cho chi phí liên quan đến các giải pháp phần mềm. Hiện nay, Cổng tiếp nhận học bạ số cũng như nâng cấp Hệ thống quản lý nhà trường đáp ứng yêu cầu triển khai học bạ số đều được các đơn vị cung cấp phần mềm hỗ trợ thực hiện.

Tiếp đó, hạ tầng triển khai học bạ số chưa đồng từ địa phương đến Bộ Giáo dục và Đào tạo, do đó các hiệu quả, tính ưu việt của học bạ số chưa được thể hiện và chứng minh đối với người dân, giáo viên trong toàn ngành. Từ đó dẫn đến hiệu quả trong công tác tuyên truyền và tạo sự đồng thuận xã hội chưa cao.

PV: Ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố Hải Phòng có đề xuất kiến nghị cụ thể với địa phương, Bộ Giáo dục và Đào tạo không, thưa ông?

Ông Phạm Quốc Hiệu: Qua thực tế triển khai, Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng xin đề xuất kiến nghị một số nội dung:

Đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo, cần sớm ban hành Khung pháp lý về học bạ số để việc triển khai Học bạ số được chính thức, giảm tải công việc đối với cơ sở giáo dục trong thời gian quá độ. Trên cơ sở đó, triển khai các giải pháp/thủ tục/quy trình với nền tảng của học bạ số nhằm mang lại giá trị của chuyển đổi số đối với người dân, doanh nghiệp có liên quan.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cần thống nhất hoàn thiện quy chế về học bạ số để thực hiện liên thông từ lớp 1 đến lớp 12 cho toàn ngành. Sử dụng mã định danh công dân làm mã hồ sơ duy nhất từ lớp 1 đến hết lớp 12 cho học bạ số của học sinh.

Bộ Giáo dục và Đào tạo nên có đề nghị với Bộ Công an cho phép cơ chế tự chủ để kết nối, tiếp nhận chia sẻ dữ liệu dân cư quốc gia với hệ thống cơ sở dữ liệu giáo dục đào tạo. Trên cơ sở đó, các tỉnh/thành sẽ cập nhật kịp thời tình hình dân số ngoài nhà trường, phục vụ các công tác tuyển sinh đầu cấp, công tác phổ cập giáo dục của ngành.

Đối với Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng, Sở Giáo dục và Đào tạo đề nghị thành phố quan tâm, tạo điều kiện nâng cấp cơ sở vật chất tại các cơ sở giáo dục công lập nhằm đảm bảo các điều kiện tốt nhất để triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số của ngành.

Ủy ban nhân dân thành phố tiếp tục quan tâm cấp kinh phí để triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số của ngành khi Bộ Giáo dục và Đào tạo có hướng dẫn về cơ chế liên quan tới chi phí triển khai các giải pháp phần mềm.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

LÃ TIẾN

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/so-giao-duc-hai-phong-co-danh-gia-de-xuat-gi-sau-mot-nam-thi-diem-hoc-ba-so-post244580.gd