Sở GTVT TP.HCM: Thành Bưởi đang trong thời gian xử phạt, chưa được phép bán vé
Công ty TNHH Thành Bưởi vẫn còn trong thời hạn xử phạt, chưa được phép bán vé cho hành khách, nếu có thì có thể đơn vị này lấy một pháp nhân khác.
Ông Bùi Hòa An – Phó giám đốc Sở giao thông và Vận tải (GTVT) TP.HCM đã khẳng định như trên với báo chí vào chiều 18.1 trước thông tin những ngày qua Công ty Thành Bưởi đang bán vé cho hành khách qua mạng.
Theo ông An, việc nhà xe Thành Bưởi bán vé qua mạng là do đơn vị này tự làm, chứ không ai cho phép cả. Hiện nay Công ty TNHH Thành Bưởi vẫn còn trong thời hạn xử phạt. Nếu Thanh Bưởi muốn làm các thủ tục lại thì phải bắt đầu từ ngày 3.2.2024, chứ không phải thời điểm này.
Ông An nhận định, có thể Thành Bưởi bán vé trên mạng với một pháp nhân khác. “Trách nhiệm của Sở GTVT cũng đã gửi công văn đến Sở Thông tin và Truyền thông để xử lý trường hợp này theo đúng pháp luật”, ông An cho biết.
Liên quan đến vấn đề xử lý xe dù, bến cóc dịp cuối năm và những ngày giáp Tết Nguyên đán 2024 này, ông An cho biết, trong thời gian qua, việc xử lý xe dù, bến cóc được thực hiện theo Chỉ thị 22 Thành ủy TP.HCM. Nếu các đơn vị, các cơ quan, các quận huyện và TP. Thủ Đức làm đúng vai của mình theo tinh thần Chỉ thị 22 của Thành ủy thì tình hình xe dù, bến cóc sẽ chuyển biến tốt.
Thực tế cho thấy, sau thời gian thực hiện Chỉ thị 22 của Thành ủy, số điểm xe dù, bến cóc giảm từ 76 điểm xuống còn 60 điểm.
“Điều này là do phát huy đúng vai trò, trách nhiệm của từng địa phương. Sở GTVT chỉ lưu ý các điểm đậu xe trong nhà ở các quận huyện”, ông An nói.
Điều đáng mừng hiện nay lưu lượng xe hoạt động tại Bến xa Miền Đông mới đã cao hơn so với trước đây. Hiện Công ty SAMCO- đơn vị quản lý Bến xe Miền Đông đang thực hiện bổ sung các tiện ích đầy đủ để thu hút thêm nhà xe cũng như hành khách đến đây. “Dự kiến lượng hành khách trong Tết Nguyên đán 2024 này tại Bến xe Miền Đông mới sẽ tăng hơn 40 đến 50% so với năm trước”, ông An thông tin.
Về 5 dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu áp dụng loại hợp đồng BOT (xây dựng- vận hành- chuyển giao), ông An cho biết, việc này là thực hiện Nghị quyết 98 của Quốc hội cho phép TP.HCM được thực hiện BOT trên những tuyến đường hiện hữu.
Sở GTVT đã tham mưu trình UBND TP, trình Hội đồng Nhân dân ban hành danh mục 5 dự án BOT gồm: nâng cấp mở rộng Quốc lộ 13, nâng cấp mở rộng Quốc lộ 1, cải tạo nâng cấp Quốc lộ 22, nâng cấp trục đường Bắc - Nam (từ đường Nguyễn Văn Linh đến nút giao cầu Bà Chiêm); cầu đường Bình Tiên (đoạn từ đường Phạm Văn Chí đến đường Nguyễn Văn Linh).
Tuy nhiên, để có cơ sở và đẩy nhanh tiến độ của 5 dự án BOT trên, trước mắt tính toán các công việc phải làm để hình thành được chủ trương đầu tư. Hiện Sở GTVT đã tham mưu trình UBND TP ban hành kế hoạch đầu tư các dự án BOT.
Cụ thể, thời gian hoàn thành phê duyệt chủ trương đầu tư dự án vào quý 2.2024; hoàn thành phê duyệt dự án tư vào quý 1 và quý 2.2025; lựa chọn nhà đầu tư ký kết hợp đồng vào quý 3.2025. Dự kiến sẽ khởi công 5 dự án BOT trên từ quý 4.2025 đến hết quý 1.2026.
“Hiện nay đang xác định các mốc mà chúng ta bắt đầu công việc là hoàn thành chủ trương đầu tư đã được phê duyệt. Chúng tôi cũng đang khảo sát các nhà đầu tư với mong muốn họ sẽ tham gia cùng TP để hình thành các dự án trong tương lai được hiệu quả góp phần vào phát triển giao thông TP", ông An chia sẻ.