Số hóa các dịch vụ điện, hướng tới sự hài lòng của khách hàng
Để nâng cao chất lượng dịch vụ cung cấp điện, Công ty Điện lực Vĩnh Phúc (PC Vĩnh Phúc) đã đẩy mạnh triển khai chuyển đổi số trong công tác quản lý vận hành hệ thống điện cũng như từng bước xây dựng hệ thống lưới điện thông minh, hướng tới sự hài lòng của khách hàng.
Trước đây, để thanh toán tiền điện hằng tháng, anh Nguyễn Văn Tám, phường Khai Quang (Vĩnh Yên) phải mất cả buổi đến các quầy thu để nộp tiền điện, thậm chí còn chen đẩy nhau để đến lượt.
Giờ đây, với hình thức ủy nhiệm cho ngân hàng tự động trích tài khoản để thanh toán hóa đơn, anh Tám chỉ việc nhận báo thanh toán tiền điện qua hệ thống tin nhắn, giảm tối đa thời gian, chi phí đi lại.
Nhằm tăng tính tiện ích cho khách hàng và hướng tới mục tiêu không giấy tờ, không phòng giao dịch và không dùng tiền mặt, PC Vĩnh Phúc đã đẩy mạnh triển khai thu hộ tiền điện thông qua hợp tác với các ngân hàng, tổ chức trung gian... để thiết lập các kênh thanh toán đa dạng, thúc đẩy các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Đến nay, công ty đã ký hợp đồng hợp tác thu hộ tiền điện với 15 đơn vị (bao gồm: 11 Ngân hàng, Bưu điện, Viettel, Payoo và các tổ dịch vụ bán lẻ điện năng); tỷ lệ thu tiền qua Ngân hàng và các tổ chức trung gian đạt hơn 71%, vượt kế hoạch được giao.
Cùng với đó, mới đây, PC Vĩnh Phúc cũng triển khai chương trình số hóa hợp đồng mua bán điện sinh hoạt trên địa bàn tỉnh. Tính hết tháng 9/2021, PC Vĩnh Phúc đã chuyển đổi số hóa hợp đồng điện tử mua bán điện sinh hoạt cho 100% khách hàng, về đích trước 3 tháng so với kế hoạch. Đây là bước tiến quan trọng, đánh dấu sự đột phá trong chuyển đổi số của ngành điện.
Theo đại diện PC Vĩnh Phúc: Trước đây, ngành điện tốn khá nhiều chi phí để in các giấy tờ hợp đồng mua bán điện, trong khi hồ sơ lưu trữ các giấy tờ mua bán điện của khách hàng chiếm nhiều diện tích, khi cần thông tin, khách hàng phải tìm kiếm thủ công mất nhiều thời gian, thậm chí dễ nhầm lẫn....; thì nay, với hình thức chuyển đổi số, toàn bộ nội dung thông tin hợp đồng mua bán điện sinh hoạt của khách hàng sẽ được lưu trữ điện tử, nhân viên chỉ cần một vài thao tác trên chương trình Quản lý khách hàng (CMIS3.0) là có thể tìm được tài liệu mình cần một cách đầy đủ, chính xác, giúp doanh nghiệp tiết kiệm được đáng kể thời gian, chi phí mà năng xuất lao động lại tăng.
Hướng tới mục tiêu hiện đại hóa ngành điện giai đoạn 2021-2025 và phát triển lưới điện thông minh trên địa bàn tỉnh, PC Vĩnh Phúc đã đẩy mạnh số hóa các dịch vụ điện, ứng dụng CNTT vào công tác quản lý, dịch vụ khách hàng và vận hành lưới điện.
Theo đó, PC Vĩnh Phúc xây dựng các phần mềm dùng chung vào công tác quản lý kinh doanh, thực hiện áp dụng hóa đơn điện tử; triển khai cung cấp dịch vụ điện trực tuyến thông qua website chăm sóc khách hàng www.cskc.npc.com.vn; Cổng dịch vụ công Quốc gia www.dichvucong.gov.vn và website của Công ty Điện lực Vĩnh Phúc; ký hợp đồng điện tử mua bán điện. Qua đó, giúp khách hàng giảm thời gian thực hiện các giao dịch và giám sát quá trình thực hiện của ngành điện.
Để nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, PC Vĩnh Phúc đã thay thế hệ thống đo đếm điện năng bằng các công tơ điện có tính năng đo xa; xây dựng Trung tâm điều khiển xa và chuyển đổi 8/8 trạm biến áp 110 kV thành trạm không người trực được giám sát và điều khiển từ xa.
Triển khai kết nối toàn bộ các thiết bị đóng cắt trên lưới điện trung áp và phát triển hệ thống giám sát, điều khiển lưới điện trung áp của công ty; triển khai lắp đặt các công tơ điện tử trên lưới điện; áp dụng công nghệ hotline trong kiểm tra, sửa chữa, bảo trì bảo dưỡng, thay thế, đấu nối thiết bị mà không cần cắt điện.
Triển khai chương trình tự động hóa mạch vòng lưới điện trung áp; ứng dụng tự động hóa lưới điện phân phối SCADA/DMS.
Đến tháng 10/2021, PC Vĩnh Phúc đã lắp đặt vận hành đo xa hơn 150 nghìn công tơ đạt tỷ lệ hơn 67%; đọc xa công tơ điện qua công nghệ GPRS/3G đạt gần 100%; kết nối SCADA toàn bộ 207/207 thiết bị trung áp có khả năng kết nối xa, giảm tỷ lệ tiêu hao điện năng.
Thời gian tới, PC Vĩnh Phúc tiếp tục đầu tư hạ tầng, đẩy mạnh ứng dụng CNTT để số hóa các dịch vụ điện; đưa vào vận hành và khai thác hiệu quả ứng dụng chương trình phần mềm PSS Sincal.
Mở rộng triển khai ứng dụng DMS cho tất cả các mạch vòng trung áp trên phần mềm SCADA tại trung tâm điều khiển xa…; qua đó, nâng cao chất lượng dịch vụ cung cấp điện, góp phần phục vụ nhiệm vụ phát triển KT-XH của tỉnh.